"Nội soi" danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán trong quý đầu năm 2025

Trần Thị Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Thứ 6, 02/05/2025 15:02

Tổng giá trị tài sản tự doanh tại cuối quý I/2025 đạt gần 309.700 tỷ đồng, tăng 26.500 tỷ đồng. Chủ yếu các công ty chứng khoán vẫn ưa thích đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.

Tự doanh là một phần quan trọng trong cơ cấu doanh thu của các công ty chứng khoán, thể hiện hoạt động mua bán chứng khoán nhằm thu lợi nhuận. Mảng này bao gồm 3 loại tài sản tài chính: Tài sản ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL); Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM); Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).

Trong đó, lãi từ FVTPL và HTM sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh, trong khi lãi từ AFS sẽ được hạch toán vào vốn chủ sở hữu, không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh hàng quý. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán có thể điều tiết lợi nhuận bằng cách chuyển đổi các khoản đầu tư từ AFS sang FVTPL.

Về phần HTM, đây chủ yếu là các khoản đầu tư với lãi suất cố định, như tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, cho vay lấy lãi và công cụ thị trường tiền tệ.

Theo thống kê từ gần 80 công ty chứng khoán, tổng giá trị tài sản tự doanh tại cuối quý I/2025 đạt gần 309.700 tỷ đồng, tăng 26.500 tỷ đồng, tương đương tăng 9,4% so với đầu năm.

Trong đó, tài sản FVTPL chiếm 63,3%, HTM chiếm 26,2% và chiếm 10,5%. FVTPL tăng 10% trong quý I lên 195.900 tỷ đồng, trong khi HTM tăng gần 17% lên hơn 81.100 tỷ đồng.

Tạm lỗ khi "cầm" cổ phiếu VPB

Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) là một trong những công ty chứng khoán có danh mục tự doanh lớn nhất thị trường, nổi bật là VPB chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục này.

Thời điểm 31/3/2025, danh mục tài chính FVTPL của SSI tăng 3.867 tỷ đồng so với đầu năm lên 46.150,7 tỷ đồng. Song, giá trị hợp lý lại ghi nhận 46.024 tỷ đồng, tương ứng SSI đang tạm lỗ 126,7 tỷ đồng ở danh mục này.

Trong đó, SSI đầu tư hơn 817,4 tỷ đồng vào VPB và tạm lỗ gần 20 tỷ đồng. Trước đó tại thời điểm cuối quý IV/2024, công ty đầu tư hơn 824 tỷ đồng vào VPB và cũng lỗ gần 14 tỷ đồng.

Khoản đầu tư hơn 108,4 tỷ đồng vào VNM cũng khiến công ty tạm lỗ 3,1 tỷ đồng. Duy nhất khoản đầu tư 47,6 tỷ đồng vào cổ phiếu MBB giúp công ty có lãi nhưng chỉ ở mức 200 triệu đồng.

"Nội soi" danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán trong quý đầu năm 2025- Ảnh 1.

Chi tiết danh mục tài sản tài chính FVTPL của Chứng khoán SSI tại thời điểm 31/3/2025.

Tài chính sẵn sàng để bán AFS có giá gốc 431 tỷ đồng và công ty đang tạm lãi 28,2 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 23 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, hơn 32 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết của CTCP Pan Farm, hơn 40 tỷ đồng tại CTCP ConCung và 251 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết khác.

Danh mục tự doanh của Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) cũng khá lớn với có giá gốc 26.197,3 tỷ đồng, tăng 1.671 tỷ đồng so với hồi đầu năm và tạm lãi 40 tỷ đồng.

Trong đó, công ty đầu tư hơn 11.478 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết; hơn 8.051 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi; hơn 3.226,8 tỷ đồng trái phiếu niêm yết.

Về cổ phiếu đang nắm giữ, VNDirect đầu tư vào VPB 493,6 tỷ đồng và tạm lỗ 34 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản đầu tư vào STB có giá gốc 102 tỷ đồng và tạm lãi 3,4 tỷ đồng; CTG có giá gốc 105 tỷ đồng và tạm lãi 8 tỷ đồng; giá trị đầu tư vào các cổ phiếu khác là 835 tỷ đồng và tạm lỗ 40 tỷ đồng.

Những cái tên thắng lớn từ tự doanh

Thời điểm 31/3/2025, danh mục tài sản tài chính FVTPL của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) ở mức 8.476,2 tỷ đồng và công ty đang tạm lãi 329 tỷ đồng.

Công ty đầu tư 291 tỷ đồng vào mã GEX và tạm lãi 22,7 tỷ đồng; TCB 105,5 tỷ đồng và tạm lãi hơn 10 tỷ đồng, các cổ phiếu khác hơn 4.291 tỷ đồng và tạm lãi 332 tỷ đồng.

Tài sản chính sẵn sàng để bán (AFS) của SHS ghi nhận giá gốc 475,2 tỷ đồng và công ty đang tạm lãi 301 tỷ đồng.

Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu SHB giá gốc 275 tỷ đồng, nhưng giá thị trường lại ghi nhận tới 740,5 tỷ đồng, tương ứng công ty đang lãi hơn 465 tỷ đồng ở mã này.

Trái chiều, SHS lỗ tới 164,6 tỷ đồng khi ôm cổ phiếu TCD khi giá mua 200 tỷ đồng nhưng giá thị trường chỉ hơn 35 tỷ đồng.

"Nội soi" danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán trong quý đầu năm 2025- Ảnh 2.

Biến động giá thị trường của các tài sản chính trong quý I/2025 của VIX.

Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) cũng thắng lớn trong quý đầu năm 2025 khi giá gốc tài sản FVTPL ghi nhận 12.008 tỷ đồng, trong khi đó giá thị trường ở mức 12.622,9 tỷ đồng. Như vậy, công ty đang lãi 615 tỷ đồng ở danh mục này.

Trong đó, cổ phiếu niêm yết ghi nhận giá trị gốc 5.912,6 tỷ đồng, công ty tạm lãi 284 tỷ đồng; cổ phiếu chưa niêm yết ghi nhận giá trị gốc 1.158 tỷ đồng, công ty lãi 134 tỷ đồng. Trái phiếu chưa niêm yết và ủy thác đầu tư giữ nguyên giá trị gốc là 966 tỷ đồng và 3.671,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Chứng khoán Vietcap (HoSE: VCI) lãi tới 3.366 tỷ đồng ở danh mục tài sản AFS, khi giá gốc 5.158 tỷ đồng song giá trị thị trường ở mức 7.524 tỷ đồng.

Khoản đầu tư vào cổ phiếu IDP mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Vietcap, với giá gốc 441 tỷ đồng và đang tạm lãi 1.442 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này đã thu hẹp so với hồi cuối năm 2024 khi Vietcap lãi tới 1.676 tỷ đồng do những biến động về thị trường ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Bên cạnh đó, Vietcap cũng đầu tư vào KDH với giá gốc 660 tỷ đồng và đang lãi 136,6 tỷ đồng, MBB giá gốc 279,5 tỷ đồng và tạm lãi 17,8 tỷ đồng, STB giá gốc 127 tỷ đồng và tạm lãi 12,3 tỷ đồng; song khoản đầu tư vào MSN giá gốc 12 tỷ đồng và tạm lỗ 455 triệu đồng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.