Nội thất Xuân Hoà sẽ ra sao nếu thiếu Toyota Boshoku Hà Nội?

Nội thất Xuân Hoà sẽ ra sao nếu thiếu Toyota Boshoku Hà Nội?

Trương Thị Thanh Hương

Trương Thị Thanh Hương

Chủ nhật, 21/01/2018 10:39

Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam đang trở thành “ông lớn” về tư vấn, thiết kế, sản xuất trang thiết bị nội thất. Thế nhưng, ít người biết rằng, hoạt động sản xuất của Xuân Hòa lại không mấy nổi trội và “sống” nhờ cổ tức từ liên doanh với đơn vị khác.

“Ông lớn” nội thất

Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (mã chứng khoán XHC) tiền thân là xí nghiệp xe đạp Xuân Hòa - một doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND TP.Hà Nội. Thành lập từ năm 1980, đây là một trong những doanh nghiệp trọng điểm được Cộng hòa Pháp hỗ trợ chuyển giao công nghệ thời bấy giờ.

Năm 1989, những sản phẩm nội thất đầu tiên của Xuân Hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử. Từ một doanh nghiệp sản xuất xe đạp, Xuân Hòa trở thành doanh nghiệp sản xuất nội thất với thế mạnh là những sản phẩm nội thất bền bỉ với kết cấu từ thép.

Đầu tư - Nội thất Xuân Hoà sẽ ra sao nếu thiếu Toyota Boshoku Hà Nội?

Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam .

Tháng 11/2015, Xuân Hòa chính thức sang trang mới khi ra mắt công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam. Trước đó, công ty TNHH MTV Nội thất Xuân Hòa đã chào bán lần đầu ra công chúng hơn 5,4 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần. 100% cổ phần được bán với tổng giá trị lên tới gần 60 tỷ đồng, cao hơn 3,8 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm.

Doanh nghiệp nội thất này cũng là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam chủ động cải tổ quy trình sản xuất, áp dụng các bộ chỉ số nâng cao năng suất chất lượng như TPS, 5S, Lean 6Sigma, KPI, Kaizen... và thuê chuyên gia quốc tế tư vấn, giám sát.

Hiện, Xuân Hòa đã trở thành cái tên quen thuộc với nhiều thế hệ người dân Việt Nam, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về tư vấn, thiết kế, sản xuất trang thiết bị nội thất. 

Ông Lê Duy Anh, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam từng chia sẻ về mong muốn mang sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế tới tay người tiêu dùng Việt với mức giá Việt. Ông Duy Anh chia sẻ: "Chúng ta không cần hàng nhập từ châu Âu hay bất cứ nơi nào mà vẫn có thể sử dụng những sản phẩm tốt theo chuẩn quốc tế”.

Đầu tư - Nội thất Xuân Hoà sẽ ra sao nếu thiếu Toyota Boshoku Hà Nội? (Hình 2).

Ông Lê Duy Anh (trái), Tổng giám đốc công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam.

"Sống" nhờ Toyota Boshoku Hà Nội

Sở hữu bề dày kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản nhưng hoạt động kinh doanh của Xuân Hoà lại khá trầm lắng. Theo báo cáo tài chính quý 3/2017, Xuân Hoà ghi nhận gần 102 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong đó doanh thu hàng xuất khẩu khiêm tốn ở mức hơn 6,1 tỷ đồng.

Với giá vốn hàng bán là 80,4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp trong quý của XHC là 20,8 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng như chi phí tài chính đã "ngốn" gần hết khoản lợi nhuận gộp này. Trong kỳ, chi phí bán hàng của Xuân Hoà tăng 10%, ghi nhận 8,6 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn ở mức hơn 9,5 tỷ đồng.

Khoản mục kéo lợi nhuận quý đi lên lại đến từ doanh thu hoạt động tài chính. Quý 3/2017, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 54,2 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng vọt so với 2 quý liền trước đó. Nhờ khoản doanh thu đột biến này, Xuân Hoà ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý 3 là 56,1 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2017, XHC đạt hơn 280 tỷ đồng doanh thu thuần, đạt 72% kế hoạch năm.

Đầu tư - Nội thất Xuân Hoà sẽ ra sao nếu thiếu Toyota Boshoku Hà Nội? (Hình 3).

Công ty Toyota Boshoku Hà Nội là đơn vị chuyên sản xuất ghế da cho Toyota Việt Nam.

Với lãi quý 3 đột biến tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2017 của doanh nghiệp là 67,7 tỷ đồng, gấp 4,6 lần chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà đại hội cổ đông giao phó. Trên bảng cân đối kế toán, về phía tài sản, công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 1,4 tỷ đồng trên 1,6 tỷ đồng dư nợ từ công ty Cổ phần Contrexim Hồng Hà, CTCP Đầu tư Xây dựng và Du lịch; CTCP Thắng Phát và các đơn vị khác.

Xuân Hoà cũng ghi nhận phần đầu tư dài hạn khác là hơn 15,8 tỷ, bao gồm 12,5 tỷ đồng vốn góp tại công ty liên doanh Toyota Boshoku Hà Nội và 3,3 tỷ đồng vốn góp tại công ty liên doanh Nhuệ Giang.

Hoạt động sản xuất không mấy nổi trội nhưng vẫn “sống khỏe” nhờ cổ tức từ liên doanh là câu chuyện không phải mới của doanh nghiệp nội thất này. Năm 2016, công ty ghi nhận hơn 370 tỷ đồng doanh thu và 83 tỷ đồng lãi gộp.

Tuy nhiên, phần lợi nhuận gộp này gần như chỉ bù đắp được chi phí bán hàng (27,4 tỷ) và chi phí quản lý doanh nghiệp (43,3 tỷ đồng). Kết thúc năm, Xuân Hòa vẫn "nổ" lãi trước thuế 67 tỷ đồng nhờ phần đáng kể từ doanh thu tài chính là cổ tức. Các năm trước đó, kịch bản cũng diễn ra tương tự.

Món hời hay rủi ro ẩn dật?

Năm 1996, Xuân Hòa hợp tác cùng tập đoàn Toyota Boshoku thành lập công ty liên doanh Takanichi Việt Nam (nay đã đổi tên thành công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội). Theo bản công bố thông tin, Toyota Boshoku Hà Nội có vốn điều lệ hơn 31,4 tỷ đồng, trong đó Xuân Hoà góp gần 590.000 USD, tương đương hơn 9,4 tỷ đồng trong liên doanh, tương ứng tỷ lệ 30%.

Cũng nhờ liên doanh cung cấp nội thất ô tô nằm trong hệ sinh thái của Toyota này, Xuân Hòa đã trở thành đối tác gia công nội thất cho các dòng xe như: Camry, Fortuner, Vios...

30% sở hữu tại Toyota Boshoku Hà Nội đã mang về khoản cổ tức lớn hàng năm cho Xuân Hoà. Nhờ nằm trong chuỗi công nghiệp phụ trợ của Toyota, đơn vị này có kết quả hoạt động khá ổn định.

Câu chuyện "sống" nhờ cổ tức của Xuân Hòa thực tế không phải hiếm, đặc biệt với các tổng công ty có vốn Nhà nước. Đơn cử như tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM), một đơn vị có hoạt dộng kinh doanh chính không mấy nổi trội nhưng vẫn đạt lợi nhuận lớn nhờ phần vốn tại 3 liên doanh ô tô hàng đầu Việt Nam là Toyota, Honda và Ford.

Tuy nhiên, "món hời" Toyota Boshoku Hà Nội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho Xuân Hoà. Do những năm gần đây phần lớn lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp này đến từ hoạt động tài chính nên như năm 2012, khi liên doanh này không chia lợi nhuận, kết quả kinh doanh của Xuân Hòa đã lao dốc không phanh, chỉ còn vỏn vẹn 2,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo số liệu xác định lại giá trị doanh nghiệp vào ngày 1/7/2014 để thực hiện cổ phần hóa, khoản phải thu của Xuân Hòa đã tăng thêm gần 100 tỷ đồng so với giá trị sổ sách kế toán. Nguyên nhân do việc đánh giá lại khoản phải thu từ Toyota Boshoku Hà Nội.

Cụ thể, theo quy định, doanh nghiệp không được tính tăng phần lợi nhuận chưa phân phối của công ty liên doanh vào phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Vì thế, sau cổ phần hóa, Xuân Hòa phải thu hồi nguồn lợi nhuận được công ty liên doanh chia cho hàng năm và thực hiện nộp ngân sách cho đến khi trả hết 100 tỷ đồng phải thu trong vòng 4 năm từ 2015 đến 2018.                      

Lãnh đạo bất ngờ chi trăm tỷ thâu tóm công ty đồ chơi

Những ngày cuối năm 2017, một số thành viên hội đồng quản trị Xuân Hoà cùng người nhà đã tiến hành thương vụ thâu tóm một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi. Cụ thể, những nhà đầu tư có liên quan đến Xuân Hòa đã chi gần 100 tỷ đồng để sở hữu gần 67% vốn của Nam Hoa – một doanh nghiệp mới đăng ký giao dịch trên UPCoM hồi đầu tháng 12. Ít được biết đến do chủ yếu làm gia công, tuy nhiên Nam Hoa là một trong số ít các thương hiệu sản xuất đồ chơi và đồ trang trí từ gỗ có hoạt động tốt. 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của công ty này là 50 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cả năm 2016.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.