Ngày 8/12, tức đã hơn 40 ngày sau vụ sạt lở kinh hoàng khiến 13 người bị vùi lấp, địa bàn xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn ngổn ngang. Đất lở, núi sạt, nhà cửa, đường xá tan hoang, chính quyền và người dân chẳng vẫn gặp khó khăn khi làm lại từ đầu.
Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, trong 13 người bị vùi lấp do các trận sạt lở diễn ra triền miên vào cuối tháng 10/2020 thì có 4 nạn nhân vẫn bặt vô âm tính. Hiện, cơ quan chức năng đang nỗ lực thông tuyến đường DDH2 vào thôn 3 để tìm kiếm những người này.
"Do trời liên tục có mưa nên việc đưa phương tiện khắc phục các điểm sạt lở gặp rất nhiều khó khăn", vị Chủ tịch UBND xã Phước Lộc trăn trở.
Cũng như Phước Lộc, hàng ngàn người dân xã Phước Thành gồng mình vực dậy sau sạt lở. Đúng 1 tháng trước, do mưa lớn kèm nước đầu nguồn ào ào dội về, 20 ngôi nhà của người dân thôn 2 đã bị san phẳng. May mắn không có thiệt hại về người nhưng gần 2.000 người địa phương này cũng bị cô lập suốt hàng chục ngày liền.
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, sau những trận sạt lở kinh hoàng ở Quảng Nam, câu chuyện thủy điện và phá rừng lại được nhiều người nhắc đến. Đỉnh điểm nhất, cuối tháng 11/2020, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phải ra quyết định thu hồi việc cho công ty cổ phần tư vấn và phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng nhà máy thủy điện Đắk Di 2 ở huyện Nam Trà My sau những xôn xao của dư luận.
Tại tâm sạt lở huyện Phước Sơn, theo báo cáo từ ông Ung Duy Ba, Hạt phó hạt Kiểm lâm Phước Sơn cung cấp cho PV, năm 2020, đơn vị này đã ra quân truy quét khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Qua đó, phá huỷ hàng chục máy nổ, máy hơi, máy xay đá, cưa lốc và nhiều lán trại dựng trái phép khác. Đây là những vật dụng nhằm phục vụ cho việc khai thác vàng, gỗ trái phép trên các vùng đồi núi.
Cụ thể, theo ông Ba, hạt Kiểm lâm Phước Sơn đã phát hiện 65 vụ gỗ khai thác trái phép, trong đó có 33 vụ vô chủ. Tang vật thu giữ gần 41m3 gỗ xẻ, 25,7m3 gõ tròn, 7 xe ô tô, 4 xe máy, 3 cưa xăng… Hạt đã xử lý hình sự 6 vụ nghiêm trọng, xử phạt vi phạm hành chính 59 vụ; trong đó có 13 vụ phá rừng, 29 vụ tàng trữ lâm sản trái phép… Riêng Công an huyện Phước Sơn phát hiện và lập hồ sơ xử lý 3 vụ vận chuyển gỗ trái phép, tạm giữ 3 xe ô tô, 2,8m3 gỗ xẻ, xử phạt hành chính 2 vụ với số tiền 15,8 triệu đồng.
Đặc biệt, ngay trong thời điểm sạt lở ồ ạt diễn ra trên địa bàn, hạt Kiểm lâm Phước Sơn đã phát hiện, khởi tố 1 vụ án phá rừng gây bức xúc dư luận. Đó là tại khoảnh 5, tiểu khu 720 rừng phòng hộ xã Phước Thành có 11 cây gỗ bị cưa hạ trái phép. Đáng nói, khu vực rừng bị đốn hạ này có người và lán trại của công ty TNHH Phước Minh. Đây là 1 doanh nghiệp khai thác vàng có tiếng ở Quảng Nam?!
"Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn vừa có quyết định khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Công an Phước Sơn", ông Ung Duy Ba thông tin.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị chức năng xác minh làm rõ, điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng nghiêm trọng này đã gây bức xúc dư luận.
Trong khi đó, trả lời PV Người Đưa Tin Pháp luật, Thượng tá Lê Nho Tâm, Trưởng Công an huyện Phước Sơn cho biết, đơn vị đang thụ lý điều tra vụ phá rừng xảy ra ở xã Phước Thành.
Danh Vĩnh - Nhâm Thân