Nông dân Gia Lai thu tiền tỷ mỗi năm nhờ “vàng trắng”

Nông dân Gia Lai thu tiền tỷ mỗi năm nhờ “vàng trắng”

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Thứ 6, 25/07/2025 04:30

Nghề nuôi yến đang trở thành hướng đi mới đầy triển vọng ở Gia Lai, không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân mà còn mở ra cơ hội đưa đặc sản địa phương vươn ra thị trường quốc tế.

Làm giàu từ nghề nuôi yến

Người dân thường ví tổ yến là "vàng trắng" bởi ngoài giá trị dinh dưỡng cao thì đây là loại thực phẩm đắt đỏ. Vì thế, nghề nuôi chim yến được biết đến là nghề mang lại nguồn thu nhập khủng.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết, khu vực phía Bắc của tỉnh hiện có hơn 1.450 nhà nuôi chim yến, cho sản lượng khoảng 7.000kg tổ yến mỗi năm.

Nghề nuôi yến đang từng bước hình thành chuỗi giá trị mới trong phát triển kinh tế nông thôn, không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, phát triển bền vững và chuẩn hóa sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng.

Gia Lai: Liên kết nuôi yến hướng đi mới nâng tầm đặc sản địa phương - Ảnh 1.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Hợp tác xã Phố Yến cho biết, đơn vị đang từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như ISO và HACCP. Mục tiêu là nâng tầm sản phẩm yến sào Gia Lai, từng bước chinh phục thị trường xuất khẩu.

Thành lập từ năm 2022, Hợp tác xã Phố Yến (xã Phú Thiện) nhanh chóng trở thành mô hình tiên phong trong phát triển nghề nuôi yến theo hướng tập trung, liên kết sản xuất và chế biến sâu.

Hiện hợp tác xã đang quản lý 17 nhà yến tập trung với sự tham gia của 35 xã viên, đồng thời mở rộng mạng lưới liên kết với hàng chục hộ dân tại các xã Ia Pa và Đức Cơ, nâng tổng số nhà yến lên hơn 50 căn.

Mỗi tháng, hệ thống nhà yến của HTX cho sản lượng thu hoạch từ 2–5kg tổ yến thô. Với giá thị trường khoảng 18 triệu đồng/kg, sau khi trừ chi phí vận hành, mỗi xã viên có thể đạt thu nhập ổn định từ 20–40 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Văn Minh - người có thâm niên hơn 6 năm nuôi yến tại xã Phú Thiện - cho biết: “Tôi xây nhà yến đầu tiên cách đây hơn 6 năm, sau đó tiếp tục xây thêm căn thứ hai. Tổng diện tích cả hai nhà khoảng 600m², cho sản lượng trung bình 50kg tổ yến mỗi năm.

Chúng tôi bán một phần tổ yến thô, phần còn lại được tinh chế thành các sản phẩm giá trị gia tăng. Mỗi năm, chi phí duy trì như bảo dưỡng nhà, điện nước, thiết bị chưa đến 50 triệu đồng, trong khi doanh thu từ tổ yến đạt trên 1,5 tỷ đồng”.

Không chỉ phát triển mạnh tại xã Phú Thiện, mô hình nuôi yến liên kết đang lan rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh, từng bước định hình ngành nghề mới gắn với kinh tế nông thôn hiện đại.

Gia Lai: Liên kết nuôi yến hướng đi mới nâng tầm đặc sản địa phương - Ảnh 2.

Nhờ mô hình nuôi yến, nhiều hộ gia đình thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Những năm gần đây, nghề nuôi chim yến đã dần lan tỏa ra nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai, trở thành một hướng phát triển kinh tế đầy tiềm năng.

Tại xã Đức Cơ, ông Nguyễn Văn Hiệp - một trong những hộ nuôi yến hiệu quả - chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ thử với một nhà yến nhỏ. Sau hơn một năm thấy sản lượng ổn định, tôi đầu tư thêm hai nhà nữa. Hiện mỗi tháng gia đình thu được khoảng 4–5kg yến thô, sau khi trừ chi phí, lãi gần 100 triệu đồng”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Nguyên (tổ 4, xã Đức Cơ) là một trong những người tiên phong gắn bó với nghề nuôi yến từ năm 2017. Không chỉ dừng lại ở việc thu hoạch yến thô, gia đình chị còn đầu tư chế biến sâu và xây dựng thương hiệu với hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Năm 2023, sản phẩm yến thô và yến tinh chế của gia đình chị đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Với mức giá bán hiện tại, mỗi năm doanh thu của gia đình chị lên tới gần 2 tỷ đồng.

Nâng tầm đặc sản địa phương

Chị Trần Thị Vân Anh, chủ một đại lý phân phối yến sào tại phường Pleiku, cho biết: “So với vài năm trước, hiện nay người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm từ yến, đặc biệt là yến tinh chế và yến đóng lọ sẵn tiện dụng. Nhiều khách hàng chọn mua yến để bồi bổ cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Trung bình mỗi tháng, đại lý của tôi tiêu thụ từ 20 đến 30kg yến các loại. Nhờ nguồn cung ổn định từ các nhà nuôi yến trong tỉnh, đặc biệt là từ Đức Cơ và Phú Thiện, chúng tôi hoàn toàn yên tâm mở rộng thị trường”.

Gia Lai: Liên kết nuôi yến hướng đi mới nâng tầm đặc sản địa phương - Ảnh 3.

Theo chị Trần Thị Vân Anh, chủ một đại lý chuyên phân phối yến sào tại phường Pleiku, nguồn cung ổn định từ các nhà yến trong tỉnh, đặc biệt là từ Đức Cơ và Phú Thiện, giúp chúng tôi yên tâm mở rộng thị trường.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Hợp tác xã Phố Yến, cho biết, đơn vị đang từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như ISO và HACCP, với mục tiêu nâng tầm thương hiệu yến sào Gia Lai và từng bước chinh phục thị trường xuất khẩu.

Điểm nổi bật của mô hình là sự chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang hình thức liên kết chặt chẽ giữa các xã viên. Mối liên kết này không chỉ giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả vận hành mà còn đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Khi tham gia hợp tác xã, các xã viên được hỗ trợ kỹ thuật, bảo trì nhà yến định kỳ và cùng nhau phát triển thương hiệu yến sào địa phương, từ đó gia tăng giá trị kinh tế cho từng tổ yến.

Ông Trần Phước Sỹ, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Đà Nẵng, đồng thời là nhà đầu tư nhiều nhà yến tại khu vực Tây Nguyên, nhận định, Gia Lai cùng các tỉnh trong khu vực sở hữu tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi yến nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi và nguồn thức ăn tự nhiên phong phú.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng việc phát triển nhà yến cần có quy hoạch bài bản, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu kiểm soát.

Gia Lai: Liên kết nuôi yến hướng đi mới nâng tầm đặc sản địa phương - Ảnh 4.

Sản phẩm yến sào Gia Lai từng bước chinh phục thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Phước Sỹ cảnh báo: “Nhiều người xây nhà yến theo kiểu tự phát, không tham khảo ý kiến chuyên gia từ khâu thiết kế, lắp đặt âm thanh đến các yếu tố kỹ thuật quan trọng, dẫn đến hiệu quả thấp, sản lượng không đạt kỳ vọng. Nếu muốn đầu tư nhà yến bài bản và cho kết quả tốt, cần tìm hiểu kỹ lưỡng và có sự đồng hành của những người có chuyên môn”.

Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, cho biết, nghề nuôi chim yến trên địa bàn đang phát triển mạnh, từng bước hình thành chuỗi giá trị mới trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt là đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, các hộ nuôi, hợp tác xã và cơ sở sản xuất cần liên kết chặt chẽ theo chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Đồng thời, cần chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ thương mại, các kênh truyền thông và kết nối với các nhà phân phối lớn.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.