Nông dân miền Tây chú trọng sản xuất trái cây chuẩn GAP

Nông dân miền Tây chú trọng sản xuất trái cây chuẩn GAP

Bùi Ngọc Điệp

Bùi Ngọc Điệp

Thứ 3, 11/01/2022 10:00

Nhằm cung ứng ra thị trường những sản phẩm sạch, chất lượng, hiện nay phần lớn nông dân ở các tỉnh miền Tây chú trọng đến sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hướng đến thị trường khó tính

Dù đối diện với nhiều khó khăn như về nguồn vốn, giá phân bón tăng cao, đầu ra không ổn định…, nông dân trồng cây ăn trái ở nhiều tỉnh miền Tây đã phải chuyển đổi phương thức sản xuất hoặc giảm diện tích đất trồng để thích ứng nhằm hướng đến sản phẩm sạch chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP,…) cung ứng cho thị trường khó tính.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Canh Tân Hội Quán (xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, chỉ tính riêng 3 ấp cù lao của xã An Nhơn có khoảng 700ha trồng nhãn.

Tuy nhiên, do mới sản xuất trái cây (nhãn) đạt chuẩn VietGAP không lâu nên bà con chưa thích nghi, từ đó hiệu quả không cao. Hiện, hội quán có 100 hộ dân liên kết sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP với diện tích hơn 113ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Riêng sản xuất trái cây theo chuẩn GlobalGAP thì hội quán kết nối triển khai. Qua các buổi họp trực tuyến, ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp cũng khuyến khích nông dân chuyển sang dùng phân bón hữu cơ để sản xuất trái cây sạch, cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài với giá cao.

Tuy nhiên, đợt cao điểm của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nhãn của bà con nông dân bị ảnh hưởng, hội quán và HTX đã phải liên kết “giải cứu” trên 450 tấn nhãn ùn ứ cho bà con vào thời điểm đó. Hiện, giá nhãn tại các nhà vườn dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, với giá nhãn như hiện nay thì nông dân không có lãi, bởi giá phân bón tăng cao.

Để thích ứng, giảm chi phí, hiện nông dân đã hạn chế tối đa phân bón hóa học và chuyển sang dùng phân hữu cơ bón cho cây. Tuy nhiên, đến nay chưa có đơn vị hay doanh nghiệp cung ứng nào hỗ trợ nông dân vượt khó, mà chủ yếu là do nông dân tự tìm mua tại địa phương.

Theo ông Thuận, với 900ha trồng nhãn của toàn xã An Nhơn, mỗi vụ thu hoạch khoảng 18.000 tấn nhãn, với lượng trái cây này cần kho lạnh rất lớn. Hội quán cũng đã có ý kiến đề xuất xin tỉnh hỗ trợ kho lạnh trữ hàng khi xuống giá.

Riêng việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiện nay cũng là điều đáng bàn, bởi kết nối đầu ra không ổn định nên nông dân còn nhiều lo ngại, không dám đầu tư nhiều.

Đặc biệt, thời gian gần đây, nông dân ít mặn mòi việc sản xuất trái cây đạt chuẩn nguyên nhân chính là giá bán cũng không cao so với việc nông dân sản xuất bình thường. Thời điểm này, chủ yếu là các thương lái đến tận nhà vườn thu mua nhãn, còn các kênh tiêu thụ trái cây như siêu thị vẫn chưa thấy khả quan.

Xu hướng thị trường - Nông dân miền Tây chú trọng sản xuất trái cây chuẩn GAP

Nông dân thăm vườn sầu riêng.

Còn tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Tấn Phát, Chi hội trưởng Hội nông dân ấp Mỹ Phước 1 (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh) chia sẻ, trước đó nông trồng bưởi Năm Roi đặc sản cũng sản xuất theo mô hình VietGAP.

Tuy nhiên, sản xuất theo mô hình không lâu, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu là hỗ trợ và lợi nhuận kém hiệu quả nên bà con nông dân dừng sản xuất theo mô hình này mà tự sản xuất. Đứng trước những khó khăn, nhất là về nguồn vốn ưu đãi khó tiếp cận, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã thích ứng với tình hình mới, cụ thể giảm diện tích sản xuất khi giá phân bón tăng cao.

Theo ông Phát, năm nay nông dân trồng bưởi Năm Roi rất khó có lợi nhuận, bởi giá 1 tấn bưởi chỉ đủ mua được vào bao phân bón và thuốc phun xịt. Chỉ tính riêng gia đình ông, với gần 8 công trồng bưởi, mỗi năm thu hoạch trên 30 tấn trái thì năm nay giảm đến 60% sản lượng.

“Chúng tôi rất cần được có chính sách hỗ trợ bền vững về nguồn với ưu đãi sản xuất cũng kết nối đầu tra, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định để nông dân an tâm sản xuất”, ông Phát mong muốn.

Đẩy nhanh ứng dụng trong quản lý

Nói về tình hình đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất đạt chuẩn GAP phục vụ thị trường xuất khẩu, ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, hàng năm thông qua các chương trình, dự án khuyến nông đầu tư các mô hình điểm sản xuất cây trồng đạt chứng nhận GAP. Một số diện tích có tái chứng nhận GAP (khi hết hạn) thông qua liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp (như bưởi, xoài, thanh long,…).

Toàn tỉnh Vĩnh Long có 24 cơ sở (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) được chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất còn hiệu lực. Vùng nguyên liệu xuất khẩu đạt các tiêu chuẩn GAP nhìn chung chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu, đây được xem là vấn đề hết sức trăn trở.

Hiện nay, phần lớn nông dân đã chú trọng đến sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm như đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV trước thu hoạch, sử dụng nhiều phân, thuốc sinh học,… Do đó, việc thực hiện các quy trình sản xuất, ghi chép, đầu tư hạ tầng để đạt chứng nhận không khó.

Xu hướng thị trường - Nông dân miền Tây chú trọng sản xuất trái cây chuẩn GAP (Hình 2).

Một HTX thu mua bưởi ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Theo ông Dãnh, một số sản phẩm tái chứng nhận GAP, có giá cả, tiêu thụ tốt là những sản phẩm có liên kết doanh nghiệp bắt buộc có chứng nhận để doanh nghiệp cung cấp cho thị trường mục tiêu, thị trường ngách của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm không mở rộng diện tích, tái chứng nhận GAP có nguyên nhân chủ yếu là yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Do lâu nay, thị trường tiêu thụ nông sản xuất khẩu đòi hỏi phải có đạt chứng nhận GAP chưa nhiều (do xuất tiểu ngạch là chính); thị trường nội địa chưa yêu cầu cao do chỉ bán qua các chợ truyền thống chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó là thiếu liên kết tiêu thụ với giá cả rõ ràng, khi bán giá cả giữa sản phẩm đạt GAP và sản phẩm cùng loại không có sự chênh lệch nhiều; chi phí tái chứng cũng làm người dân e ngại, trong khi giá bán không chênh lệch.

Có thể nói, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu thị trường về an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn GAP, kể cả GlobalGAP và hữu cơ đang là vấn đề bức xúc để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản; để nông sản của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết.

Để ngành nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1/12/2021 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu: diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt 1,5% trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp - khoảng 1.800ha; nâng tỉ lệ diện tích cây trồng có áp dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh lên 40%; sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ 20% trong tổng sản phẩm nông nghiệp,...

Song song đó, thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp thời gian tới, ngành tập trung phổ biến, hướng dẫn người dân các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng vùng trồng tập trung, có mã số vùng trồng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực, tiềm năng của tỉnh theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản.

Để phổ biến, nhân rộng hơn nữa các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, có chất lượng, hiệu quả, ngành sẽ tham mưu tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp. Phối hợp với các ngành, thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư kho lạnh bảo quản, trữ hàng điều tiết trong tiêu thụ, các chính sách hỗ trợ đồng bộ theo chuỗi ngành hàng,...

Diện tích sản xuất chuẩn GAP còn thấp

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn năm 2016 đến nay, lũy kế toàn tỉnh có trên 1.572ha diện tích các loại cây trồng sản xuất chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP), hữu cơ, ATTP. Trong đó, cây lúa 359ha; cây rau màu 381ha; cây ăn trái 832ha. Bên cạnh đó, có một ít diện tích nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận tương đương GAP.

Trong 13 cơ sở trồng trọt được chứng nhận tiêu chuẩn GAP và tương đương GAP có 5 cơ sở trồng màu, 8 cơ sở trồng cây ăn trái. Tổng diện tích chứng nhận đạt khoảng đối với cây màu diện tích 55,1ha, sản lượng khoảng 41.289,8 tấn (chủ yếu là khoai lang, nấm tươi, rau, lúa gạo, bao gồm các cơ sở chế biến). Đối với cây ăn trái đạt chứng nhận có tổng diện tích là 130,9ha, sản lượng khoảng 5.713 tấn. Sản phẩm chủ yếu là sầu riêng, cam sành, nhãn edaw, thanh long, bưởi Năm Roi, cam xoàn. Tuy nhiên, diện tích này rất ít so với tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh.

Thanh Lâm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.