Nữ tài xế xe máy giải thích lý do vi phạm giao thông 26 lần/tháng
Liên quan đến sự việc nữ tài xế 26 lần vi phạm giao thông, bị phạt nguội gần 20 triệu đồng, tối 21/3, chia sẻ với PV, chị N.T.T. (41 tuổi, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) thừa nhận các lỗi vi phạm của bản thân và chấp nhận bị xử phạt hành chính.
Theo chị T, chị thường xuyên di chuyển giữa 2 nhà cách nhau khoảng 500m ở thị trấn Thắng. Một căn nhà chị bán hoa tươi, nằm ngay cạnh ngã tư, đối diện đèn tín hiệu giao thông. Do chủ quan quãng đường ngắn, nên chị nhiều lần điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ.
Lỗi vi phạm của chị T. bị camera giám sát ghi lại
Chiếc xe máy dính lỗi vi phạm, ngoài chị T điều khiển còn có chồng và con gái chị cũng thường xuyên dùng phương tiện này mà không đội mũ bảo hiểm. Camera giám sát ghi lại hình ảnh các thành viên trong gia đình chị đều dính lỗi. Tuy nhiên, chị T. là người đứng tên sở hữu phương tiện nên được công an mời lên làm việc.
“Tôi khá bất ngờ khi công an thông tin 26 lần vi phạm, song cũng chấp hành ký các biên bản vi phạt. Đây là bài học cho cả gia đình tôi”, chị T. nói.
Trước đó, Công an huyện Hiệp Hòa cho biết, qua trích xuất camera giám sát giao thông trên địa bàn, đơn vị ghi nhận từ ngày 1/2 đến 29/2, người điều khiển xe máy mang BKS 98D1-605.xx đã 10 lần không đội mũ bảo hiểm, 16 lần không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ).
Tra cứu trên cơ sở dữ liệu đăng ký xe, Công an huyện Hiệp Hòa đã gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện. Qua xác minh, người điều khiển xe máy trên là chị T. Sau đó, công an đã mời chị đến trụ sở công an làm việc. Với lỗi phạt 900.000 đồng/lần vượt đèn đỏ và 500.000 đồng/lần không đội mũ bảo hiểm, chị T bị xử phạt tổng số tiền là 19,4 triệu đồng.
VKS đề nghị giảm án cho tất cả bị cáo vụ Tân Hoàng Minh
Các bị cáo tại phiên tòa
Chiều 22/3, sau phần bào chữa của các luật sư và phản biện của bị hại, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội (VKSND TP Hà Nội) đã có những đánh giá và đề nghị mức án mới đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Theo đại diện VKSND TP Hà Nội, sau khi xem xét lại toàn bộ tính chất, mức độ, động cơ, mục đích trong quá trình phạm tội của các bị cáo, chứng cứ, cùng lời khai tại phiên tòa, cùng với đó, ngày 22/3, Công ty Ngôi Sao Việt (1 trong 3 công ty con phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh - PV) đã nộp khắc phục hậu quả thêm 2 tỷ đồng, đại diện VKSND TP Hà Nội xác định có thay đổi đề nghị, giảm nhẹ mức án cho các bị cáo so với trước đó.
Trong đó, Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh), bị đề nghị 8 – 9 năm tù (hôm 21/3, VKS đề nghị 9 - 10 năm tù).
Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, bị đề nghị 4 – 5 năm (hôm 21/3, VKS đề nghị 5 – 6 năm tù).
13 bị cáo còn lại cũng được đại diện VKSND TP Hà Nội thay đổi đề nghị mức án theo hướng giảm nhẹ hơn so với mức trước đó.
Vi phạm giao thông, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh bị kỷ luật
CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Ngày 20/3, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về kết quả xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng thống nhất kỷ luật hành chính bằng hình thức “Cảnh cáo” đối với ông Trần Quang Khải - Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh vì đã có 2 hành vi vi phạm khi tham gia giao thông. Trong đó, Hội đồng kỷ luật đề xuất hình thức “Khiển trách” đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông.
Trước đó, đêm 23/1, Công an thành phố Đà Lạt phát hiện người điều khiển ô tô mang biển kiểm soát 49A-478.18 là ông Trần Quang Khải (47 tuổi) có hành vi vi phạm điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở (0,112 mg/l); không có giấy phép lái xe.
Thời điểm vi phạm nồng độ cồn, ông Khải khai làm nghề tự do; tuy nhiên, qua xác minh thông tin, Công an thành phố Đà Lạt xác định ông Trần Quang Khải đang giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng.
Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa, chiều 19/3. Ảnh: Thanh Tùng (VNE)
Chiều 19/3, VKS hoàn tất luận tội đối với bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
VKS đánh giá bà Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức; không thành khẩn, khai báo quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới; hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi.
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Lan mức án 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 19-20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt bị cáo bị đề nghị là tử hình.
Sau phút mất bình tĩnh, ngã quỵ, bà Lan được phép ngồi thay vì phải đứng nghe VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án. Trong nhiều giờ sau đó, bà luôn cúi đầu, vẻ mệt mỏi.
Thuỷ điện xả nước, 3 nữ sinh tử vong
Thi thể nữ sinh thứ 3 được tìm thấy chiều nay ở khu vực nhà máy thủy điện xả nước
Chiều 18/3, Công an tỉnh Bình Phước vẫn đang điều tra nguyên nhân Nhà máy thủy điện Cần Đơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp xả nước khiến 3 nữ sinh đuối nước, tử vong.
Ông Lê Quang Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp, cho biết 3 nữ sinh gặp nạn đúng thời điểm Nhà máy thủy điện Cần Đơn xả nước vận hành.
Theo ông Oanh, báo cáo từ Nhà máy thủy điện Cần Đơn cho thấy công tác vận hành nhà máy từ 0h – 24h ngày 17/3. Qua kiểm tra, việc xả nước của nhà máy thủy điện được thông báo trước và đúng quy trình.
Ông Oanh cho rằng, có khả năng các em xuống sông chụp hình, không nghe được tiếng báo động nên gặp nạn.
Lý Nguyễn (t/h)