Nộp 1.179 tỷ đồng khắc phục hậu quả, Chủ tịch Phúc Sơn lĩnh án 30 năm tù

Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung

Thứ 6, 11/07/2025 11:34

TAND Tp.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hậu 30 năm tù, xác định đã khắc phục toàn bộ hậu quả nhưng hành vi đặc biệt nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm.

Sáng 11/7, Tòa án nhân dân Tp.Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn và 40 bị cáo khác trong vụ án đưa, nhận hối lộ; vi phạm quy định về đấu thầu và kế toán; xảy ra tại một số địa phương. Ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn bị tuyên án 30 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Nguyễn Văn Hậu và các đồng phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn đã thao túng, làm suy thoái, dẫn đến vi phạm pháp luật của nhiều cán bộ, đảng viên là lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, các sở, ngành tại các địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long. 

Những hành vi này bị đánh giá là đã làm sai lệch hoạt động công vụ, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên quan.

Toà tuyên án 30 năm tù với ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn - Ảnh 1.

Toà tuyên án 30 năm tù với ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn.

Hội đồng xét xử nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại lớn đến tài sản Nhà nước, làm mất công bằng, minh bạch trong đấu thầu, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, uy tín của hệ thống chính trị và gây bất bình trong dư luận. 

Hành vi đưa hối lộ của bị cáo Hậu còn bị đánh giá là đã làm băng hoại đạo đức cán bộ, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.

Với vai trò là người khởi xướng và trung tâm của các hành vi phạm tội, bị cáo Nguyễn Văn Hậu được xác định là nhân tố tạo điều kiện, tiền đề để các sai phạm tiếp theo xảy ra trong từng dự án, gói thầu tại các địa phương. Mỗi bị cáo khác trong vụ án là một mắt xích trong chuỗi vi phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Mặc dù vậy, Hội đồng xét xử ghi nhận bị cáo Hậu đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền liên quan đến hành vi phạm tội, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, đồng thời tích cực hợp tác trong quá trình điều tra, xét xử. 

Theo Hội đồng xét xử, tính đến thời điểm tuyên án, bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã chủ động nộp tổng cộng 1.179 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. 

Cụ thể, bị cáo đã nộp 880 tỷ đồng tiền mặt, 316 nghìn USD, 250 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm ngân hàng và 501 cây vàng đã bị kê biên trước đó.

Số tiền và tài sản nêu trên vượt mức nghĩa vụ khắc phục hậu quả mà bị cáo phải thực hiện theo bản án.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành gỡ bỏ mọi lệnh phong tỏa, kê biên đối với các tài sản, bất động sản liên quan đến bị cáo Nguyễn Văn Hậu.

Đồng thời, các tài sản này sẽ được trả lại cho người thân hoặc đại diện hợp pháp của bị cáo và các bị cáo khác có liên quan trong vụ án. Đây được xem là động thái tích cực của bị cáo trong việc tự nguyện khắc phục hậu quả, có tác động giảm nhẹ đáng kể trong quá trình xét xử.

Trước đó, theo kết luận của cơ quan tố tụng, vụ án liên quan đến bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.168 tỷ đồng. 

Trong đó, hành vi vi phạm quy định về kế toán làm thất thoát hơn 504 tỷ đồng, còn các sai phạm trong đấu thầu gây thiệt hại khoảng 459 tỷ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Văn Hậu còn chi hơn 132 tỷ đồng, bao gồm cả tiền mặt và USD, để hối lộ cho nhiều cá nhân là lãnh đạo và cán bộ tại các tỉnh nhằm tác động đến quá trình trúng thầu.

Tại toà, ngoài bị cáo Hậu, Hội đồng xét xử cho biết các bị cáo từng là lãnh đạo của các tỉnh cũng nhận được nhiều văn bản kiến nghị giảm nhẹ hình phạt từ các cơ quan, đơn vị từng công tác.

Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội và hậu quả gây ra, Tòa vẫn xác định cần xử lý nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

Do đó, tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hậu tổng cộng kịch khung 30 năm tù, gồm: 14 năm tù về tội Đưa hối lộ9 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Hội đồng xét xử cũng đánh giá cao sự hợp tác, khai báo thành khẩn và tinh thần khắc phục hậu quả của một số bị cáo, trong đó có Nguyễn Văn Hậu, các bị cáo thuộc Tập đoàn Phúc Sơn và bị cáo Đặng Trung Hoành, cho rằng điều này đã góp phần làm rõ bản chất vụ án.

Với nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, tòa tuyên phạt: bà Hoàng Thị Thúy Lan -nguyên Bí thư Tỉnh ủy 14 năm tù; ông Lê Duy Thành - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh 12 năm tù; ông Nguyễn Văn Khước - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh 7 năm tù; ông Hoàng Văn Nhiệm - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính 4 năm tù và một số cựu cán bộ khác bị tuyên từ 4 đến 8 năm tù.

Hội đồng xét xử khẳng định, việc truy tố và xét xử nghiêm minh các bị cáo là cần thiết nhằm trừng trị các hành vi đi ngược lại lợi ích Nhà nước và nhân dân, đồng thời góp phần ngăn ngừa, phòng chống tội phạm về kinh tế, chức vụ và tham nhũng trong thời gian tới.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.