Đã ngoài bảy mươi mà mái tóc NSND Tường Vy vẫn chưa một sợi bạc, đôi mắt vẫn ánh lên nét nhìn trẻ trung, đầy sức sống và nhân hậu. Ít ai biết được rằng, gần hai chục năm nay, người đàn bà trời phú cho giọng hát “chim sơn ca” này đã phải lặng lẽ kìm nén nỗi đau, niềm cô đơn, đấu tranh chống chọi với bệnh tật. Nhưng trái tim, sức lực, bà vẫn vẹn nguyên dành cho con cháu và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh bất hạnh.
Hoài niệm thuở ấu thơ
Tôi đến thăm NSND Tường Vy tại căn nhà 4 tầng rộng thênh thang và trống trải nằm sâu trong khu tập thể quân đội (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). Người con trai độc nhất đang sống bên Mỹ, để lại một mình bà vò võ với nỗi nhớ con cháu da diết. Các em học sinh trong Trung tâm Nghệ thuật Tình thương cũng đang nghỉ hè.
Sinh ngày 19/8/1938 tại thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam, tuổi thơ của NSND Tường Vy trôi qua êm đềm bên dòng sông Tam Kỳ hiền hòa. Thuở hoa niên, buổi chiều đi học về, Tường Vy thường dắt 2 mẹ con chú bò ra cánh đồng ăn cỏ. Cô bé Vy cũng giấu mẹ kẹp trong nách chiếc đàn măng-đô-lin cùng lũ trẻ nghêu ngao hát vang bài “Ngày mùa”, “Làng tôi”, “Sông Lô”... Phía trước nhà Tường Vy là cánh đồng, đằng sau là nhà thờ Tin Lành.
Ngày nhỏ, cô bé vẫn nép mình bên tường nhà thờ lắng nghe những bài thánh ca, rồi mê đắm. Âm nhạc vì thế đến với Tường Vy rất sớm. Bắt đầu là những điệu hò khoan nhặt trên sông, là giọng hát trong veo và ngọt ngào từ người mẹ, các bài hát dân gian và dòng âm nhạc thính phòng nhà thờ.
Cũng theo lời kể của NSND Tường Vy, nhà bà ngoại của bà có một khoảng sân khá rộng. Năm NSND Tường Vy 7 – 8 tuổi, bộ đội về đóng quân trong nhà rất đông. Sau này, có những người trở thành vị tướng lừng danh như Đại tướng Nguyễn Quyết, Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Đàm Quang Trung...
Vào những đêm trăng sáng, bộ đội hay sinh hoạt văn nghệ. Cô bé Tường Vy nhỏ nhắn với đôi mắt sáng, nước da trắng, khuôn mặt đẹp như trăng rằm bỗng “thần tượng” anh bộ đội cụ Hồ lúc nào không biết. Gia đình Tường Vy từ mẹ đến chị gái đều hát rất hay, riêng Vy bộc lộ tài năng thiên bẩm ngay từ nhỏ. “Cô trở thành ca sĩ là do ảnh hưởng từ tâm hồn của mẹ. Mẹ cô có giọng hát cao vút, rất thông minh, dí dỏm và làm thơ cực nhanh.
NSND Tường Vy kể: “Hồi đó, nhà tôi có cây mít rất to, quả nhỏ bằng ngón tay, người miền Trung gọi là “dái mít”. Cây mọc ngay cạnh giếng nước, người dân đi làm đồng qua dừng lại uống nước liền bứt quả chấm muối ăn. Nhìn cây mít bị vặt quả, tiếc công mình chăm sóc, mẹ tôi sững sờ hồi lâu. Nhưng bà không mắng, bà bảo: “Cô út, đưa cho mẹ tờ giấy để mẹ làm thơ”.
Rồi bà viết: “Mấy lời thưa với đồng bào/Đừng có mà phá hàng rào của tôi/ Chặt gai toác cả mồ hôi/Gai cào rách áo lần hồi vá may/Chị em không biết không hay/Mít tôi nó mới ra cái “nớ” mà hái nhàu sạch trơn. ”Kèm dấu chấm than to đùng phía dưới. Mẹ tôi đem dán bên cạnh cây mít, người đi qua liền phá lên cười. Từ đó, họ không hái mít nữa mà cẩn thận rào chắn lại cho bà. Mẹ tôi không bao giờ mắng chửi ai. Bà thường dùng tình yêu thương để giáo dục các con”.
Đọng lại trong tâm trí NSND Tường Vy là hình ảnh người cha dáng vẻ thư sinh, tính tình hiền lành. Còn nhớ, năm đó, miền Trung bão lớn, nóc nhà bị gió lật tung. Mẹ cô bảo: “Thầy giữ cái thang cho tôi trèo lên buộc lại mái nhà”. Lúc đó, cha đi đôi guốc mộc, mặc bộ đồ trắng, chạy đi chạy lại hô lớn: “Hướ làng! Hướ làng! Cứu tôi với, bão bay hết rồi!”. Mẹ cô mới cười bảo: “Ông ơi, ông Hướ làng gì nữa. Người ta ai cũng lo chống bão rồi. Tốt nhất ông giữ thang cho em trèo lên, dùng viên gạch nẹp lại mái nhà”.
Thuộc nhiều dân ca nước ngoài nhờ Bác Hồ
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù mắt đã mờ, chân đã mỏi, NSND Tường Vy vẫn nhớ mãi cái lần đầu tiên vinh dự được gặp Bác Hồ. “Đó là một ngày tháng 8/1955, cô được chọn vào đội ngũ duyệt binh chuẩn bị cho ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Khối quân y đi duyệt binh hàng thứ tư, xe Bác bỗng dừng lại ngay trước mặt. Bác khen: “Các cháu tập đều, đẹp lắm. Các cháu có khỏe không?”. Tất cả đồng thanh đáp lại: “Kính chúc Bác Hồ mạnh khỏe”. Người mặc chiếc áo kaki màu gi, đầu đội mũ, râu bạc trắng, đẹp “như ông Tiên””, cô kể lại.
Năm Tường Vy 15 - 16 tuổi, trong một trận bom của Pháp, bà ngoại bị trúng thương. Vết thương vào phần mềm nhưng do không ai biết cấp cứu, nên bà đã mất sau đó do bị mất máu quá nhiều. Đau lòng, mẹ Tường Vy bảo: “Út ơi, hay con vào bộ đội đi, học y tá cứu người con ạ”. “Lên xin mấy chú bộ đội tuyển quân cho vào chiến trường, nhưng mấy chú nói người nhỏ thế (36 kg) sao đi bộ đội được”, tôi nói: “Nhưng em hát hay, em làm y tá và hát cho thương binh nghe”, NSND Tường Vy nhớ lại. Thế là Tường Vy say sưa hát, liền một lúc 2 - 3 bài, khiến mấy chú bộ đội đành phải gật đầu, cho tòng quân ở Quảng Ngãi... |
Khi về Đoàn Ca múa Quân đội (thường được Bác Hồ chọn để phục vụ trong Phủ Chủ tịch mỗi khi tiếp đón các đoàn cao cấp, các nguyên thủ quốc gia các nước bạn), Tường Vy là một trong những đơn ca chính, được Bác luôn quan tâm.
“Bác Hồ rất thích nghe tôi hát mộc không nhạc đệm. Có lần, Bác gọi tôi vào bảo: “Sắp tới Bác tiếp hai chiến sĩ hòa bình Pháp là anh Henri Martin và chị Raymond Dieng. Bé có bài hát Pháp nào không?”, tôi trả lời: “Cháu có thuộc bài “La Normandie”. Bác bảo: “Thế thì tốt quá, Normandie là quê hương của anh Henri Martin đấy. Tuần sau, bé lên hát, hát không cần nhạc đệm nhé”.
Lần khác, Bác đón nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, Tường cũng hát “chay” một bài hát dân ca Triều Tiên. Bác đùa đồng chí Kim Nhật Thành: “Anh nghe có rõ không hay là tưởng hát tiếng Việt?”. Bác Kim Nhật Thành cười sảng khoái, giơ hai ngón tay cái khen: “Rất tốt”. Lần đó Bác Hồ khen Vy: “Bé hát những bài mới tốt đấy, nghe rõ lời. Bé cố gắng học thêm những bài dân ca của đất nước mình, nước ngoài nữa”. Nghe lời Bác, cô học rất nhiều dân ca nước ngoài và có thể hát được vài chục bài dân ca các nước.
NSND Tường Vy một lần vinh dự gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
“Mỗi lần chiếu phim, Bác đều gọi mọi người vào Phủ Chủ tịch xem. Có lần, tôi cùng chị Linh Nhâm và Minh Nguyệt đến trong lúc Bác đang cho cá ăn. Bác hỏi Tường Vy hát giọng gì, tôi trả lời: “Thưa Bác, con hát giọng “Soprano” (nữ cao). Rồi Bác quay sang hỏi tiếp: “Nhâm hát giọng gì con?”, chị Linh Nhâm trả lời: “Con hát Mezzo – Soprano” (nữ trung).
Sau khi nghe trả lời, Bác bảo: “Bác có một ca sĩ rất hay. Giờ Bác 3 cháu nghe giọng ca nam trầm nhé”. Thế là Bác đưa 3 chị em lại ao cá phía sau, Bác ra hiệu im lặng, bỗng trong lùm cây vang lên tiếng “oàng”. Bác cười: “Ca sĩ của Bác đó. Đây là con ếch nặng 2kg do nhân dân Cu Ba tặng. Chiều nào nó cũng luyện thanh đấy”, NSND Tường Vy xúc động nhớ lại.
Một kỷ niệm không bao giờ quên trong trái tim NSND Tường Vy. Hồi đang học trường âm nhạc quốc gia Việt Nam, Tường Vy sinh con đầu lòng. Do buồn chuyện gia đình và đi hát quá nhiều nên sau khi vượt cạn, đứa con đã mất do bị sinh non. Biết chuyện, Bác gọi Tường Vy đến, ôm vào lòng, động viên nhỏ nhẹ: “Tốn than mà tan lưỡi cày. Thua keo này ta bày keo khác”. Rồi Bác soi mi mắt của Tường Vy, nói tiếp: “Còn thiếu máu nhiều lắm, không được hát nữa. Đến khi khỏe rồi hãy đi”. Nghe đến đây, nước mắt Tường Vy trào ra.
“Bác là một nhà tâm lý bậc thầy, một người rất tế nhị”, NSND Tường Vy thoáng vẻ đăm chiêu. “Có lần Bác nhắn vào xem phim của Triều Tiên. Một cô gái nghèo khó nhưng phấn đấu, vươn lên rồi trở thành một NSND. Xem phim xong, Bác chỉ hỏi: “Bé thích xem phim này không”, nhưng ý của Bác thì rất sâu xa. Tường Vy đáp lời: “Con sẽ phấn đấu, Bác ạ!”.
Anh Đức
"Bí ẩn y khoa" và "khoảnh khắc bàng hoàng" của chính bạn Bạn muốn biết những chuyện gì đang xảy ra với sức khỏe của chính bạn? Có những căn bệnh nào mà y khoa thế giới chưa từng ghi nhận và "bó tay"? Có những khoảnh khắc mà sau đó, số phận bạn rẽ sang một hướng hoàn toàn khác? Nếu là thuê bao di động của Viettel, hãy nhắn tin theo cú pháp: DK YK gửi 9222 hoặc DK KK gửi 9222 để được trải nghiệm hàng ngày. |