Hỗ trợ địa phương để trồng mắc ca hiệu quả nhất
Không phải ngẫu nhiên gian hàng mắc ca lại trở thành địa chỉ “hút khách” giữa hàng trăm gian hàng trái cây bề thế trong Festival trái cây và sản phẩm OCOP, diễn ra trên quảng trường Tây Bắc, TP.Sơn La. Bởi cây mắc ca không còn lạ lẫm với nông dân Sơn La, dù nó chưa nhiều và phổ biến như xoài, mận.
Nhà ở huyện Thuận Châu, cách TP.Sơn La hơn 30 km, ông Trần Văn Toan đi xe máy đến festival thăm thú các gian hàng. Ông Toan khá bất ngờ khi thấy gian hàng mắc ca có nhiều sản phẩm. Mấy năm trước, ông Toan được bạn tặng cây giống, vườn nhà đang có 3 cây đã cho thu quả. “Tôi cứ nghĩ trồng chơi nhưng hóa ra nhiều người rất thích hạt quả, bán rất đắt này đang tìm hiểu để đầu tư trồng nhiều hơn”, ông Toan nói.
Ghé thăm gian hàng, chị Hoàng Thị Thinh, xã Cò Nòi (Huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) ngỡ ngàng khi lần đầu thấy dầu gội đầu mắc ca. Theo chị Thinh, nhiều năm nay, mắc ca là thứ hạt không thể thiếu trong nhà vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Chị Thinh đang sử dụng hạt mắc ca vào thực đơn ăn kiêng hàng ngày. Sau khi nghe tư vấn, chị Thinh mua dùng dầu gội đầu để dùng thử và “nếu tốt sẽ còn gọi lấy nhiều hơn”.
Trực tiếp có mặt ở gian hàng chiều 28/5, ông Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nhận được rất nhiều câu hỏi từ nông dân. Theo ông Hùng, nhiều bà con đến festival lần này đều biết đến cây mắc ca. Bà con ở nhiều địa phương chia sẻ kết quả bước đầu khả quan khi trồng cây cây này và đây là tín hiệu rất vui. “Hiệp hội mắc ca Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ các địa phương làm sao có được giống tốt, có được kỹ thuật và phát triển mạnh cây mắc ca ở địa phương mình, coi đó là một đối tượng cây trồng mới đầy triển vọng, giúp cho bà con xóa đói giảm nghèo, có thể vươn lên làm giàu”, ông Hùng nói.
Theo chị Dương Thùy Dung, cán bộ Hiệp hội mắc ca Việt Nam, ngoài hạt quả khô, gian hàng tại festival giới thiệu nhiều sản phẩm chế biến từ cây mắc ca như kẹo, sô cô la, dầu ăn, dầu gội đầu... Đặc biệt, nông dân quan tâm đến kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca. Ngoài cử cán bộ trực tư vấn tại chỗ, gian hàng tặng miễn phí hàng trăm bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc làm sao để cây mắc ca ra quả sai, đạt hiệu quả cao nhất.
Ngân hàng đi cùng nông dân trồng mắc ca
Theo đại diện LienVietPostBank chi nhánh tại Sơn La, tương tự mô hình cho vay theo chuỗi gai xanh tại huyện Sông Mã, nông dân trồng cây mắc ca sẽ được tạo điều kiện cũng như hướng dẫn thủ tục hành chính vay vốn. Sản phẩm thu hoạch được hỗ trợ bao tiêu đầu ra, tránh rủi ro “được mùa mất giá”.
LienVietPostBank đang cho nông dân vay trồng mắc ca với ân hạn trong 5 năm và đây là gói vay mang ý nghĩa an sinh xã hội. Cụ thể, mỗi hộ dân được vay vốn tối đa với diện tích 2 ha. Người dân sử dụng số tiền này đầu tư giống, công chăm sóc; được tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật. Đến năm thứ 6, mắc ca cho thu hoạch thì ngân hàng bắt đầu thu hồi vốn theo tiến độ, theo năng suất cây mắc ca với thời gian lên tới 10 năm. Người dân yên tâm sản xuất, không lo lắng về áp lực trả nợ.
Theo ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cho biết gói cho vay đối với cây mắc ca là mô hình cụ thể một ngân hàng đi cùng với một cây để đảm bảo xây dựng thành chuỗi giá trị nông sản. Trong mô hình này, giá trị mỗi gói vay không lớn nhưng tạo ra tâm lý yên tâm cho người dân khi đầu tư sản xuất. Ngân hàng định chế tài chính chuyên nghiệp sẽ tư vấn, định hướng tư vấn cho người dân, đây cũng là cách làm thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong phát triển các chương trình tài chính toàn diện, nâng cao kiến thức tài chính, ý thức tài chính cá nhân cho người dân.
“Mơ ước lớn nhất của tôi là chừng 5 năm nữa thôi, mô hình một ngân hàng đi cùng với một cây trồng có hiệu quả, đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước nhân rộng các ngân hàng khác cùng làm theo để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, phát triển bền vững. Và nếu giúp nông dân thành công sau 5 năm, ngân hàng có thêm tệp khách hàng rất lớn ở vùng nông thôn”, ông Huy nói.
Hoàng Phan