Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện video dài hơn 5 phút, quay lại cảnh một lớp học cãi nhau tay đôi với thầy giáo.
Trong video thể hiện khi giáo viên vào lớp, các học sinh đều đứng dậy chào. Lúc này, một nữ sinh bước lên phía trước, giáp mặt với thầy giáo. Trong lúc nói chuyện, nữ sinh này được cho đã có nhiều lời lẽ thô tục, xưng “mày - tao” với thầy giáo.
Nữ sinh xưng mày tao với thầy giáo. Ảnh: Cắt từ clip.
Trước những lời lẽ trên, thầy giáo sau đó về bàn giáo viên ngồi, nhưng nữ sinh này vẫn tiếp tục nói, rồi hai bên đáp trả qua lại. Trong đó, thầy giáo nói học trò là "mày" và "bố láo" khi nữ sinh mỗi lúc một to tiếng.
Sự việc khiến việc giảng dạy bị dừng lại, học sinh cả lớp ngồi đó nghe đoạn tranh cãi giữa thầy và trò.
Video này khi bị đưa lên mạng xã hội đã nhận rất nhiều bình luận, chia sẻ. Đa số cho rằng học sinh không thể dùng những từ ngữ, lời lẽ khiếm nhã để nói chuyện với thầy giáo. Đặc biệt, khi bối cảnh cuộc trò chuyện diễn ra ngay trong một lớp học, với sự chứng kiến của nhiều học sinh khác, càng khó chấp nhận.
Nhiều ý kiến nhìn nhận cách hành xử của nữ sinh trong video là không thể chấp nhận.
Về sự việc này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam nhận định, do nền tảng giáo dục học sinh chưa tốt, giáo dục kỹ năng sống chưa ngấm với học sinh nên mới xảy ra tình huống này.
“Kỹ năng sống thì chắc chắn trường nào cũng dạy nhưng chưa ngấm đến học sinh nên mới xảy ra sự việc đáng buồn này”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Ngoài ra, gia đình chưa đi sâu, đi sát nên dạy về kỹ năng cho con trẻ nên mới có trường hợp học sinh dám xưng hô mày-tao với thầy giáo.
“Gia đình chưa thấy hết tính cách của từng đứa con trong gia đình nên dạy cách ứng xử chưa phù hợp. Trong trường hợp này phụ huynh cũng phải chịu trách nhiệm”, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam cho hay.
Cũng theo TS Lâm, theo video được chia sẻ, thầy giáo cũng chưa khéo léo xử lý tình huống. Ngay từ đầu, thầy đã không nghiêm khắc với học sinh. Lẽ ra, thầy giáo phải yêu cầu học sinh ra khỏi lớp chứ không nên đôi co với học sinh. Vì vậy, thầy giáo cũng phải chịu trách nhiệm.
Trước câu hỏi của dư luận đặt ra là hình thức kỷ luật đình chỉ hoặc kiểm điểm đối với những học sinh xưng hô “mày-tao” với thầy giáo như trường hợp này là chưa đủ sức răng đe, phải đuổi học, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, không có chuyện đuổi học trong trường hợp này.
Ông lý giải, theo quy định, học sinh vi phạm nội quy chỉ đình chỉ nhiều nhất là 2 tuần. Trong thời gian đó, nhà trường và gia đình kết hợp giáo dục học sinh để học sinh nhận thức được những sai trái của mình. Từ đó, học sinh tâm phục, khẩu phục thầy cô và nhà trường.
Chuyên gia giáo dục đề nghị: Các trường cần đánh giá, xem xét lại các chương trình dạy kỹ năng sống trong trường học đã đúng chưa, đã phù hợp với học sinh chưa. Học sinh ngấm đến đâu để không xảy ra sự việc đáng tiếc.
Trước đó, ngày 16/10, ông Hà Văn Thọ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh - đã viết tâm thư "Hãy tin tưởng chúng tôi" đăng trên website nhà trường.
Ông Thọ mong muốn mọi người cùng đồng hành và chia sẻ với ban giám hiệu để giáo dục nữ sinh trên biết sai, sửa sai và tốt hơn khi rời ghế nhà trường.
DIỆU THU