Tôi không biết là trên thế giới này có nước nào mà chưa từng phải trải qua chiến tranh không? Và không chỉ chiến tranh, còn bao nhiêu tai họa dành cho con người, dành cho tổ quốc.
Nước ta thì, từ thế hệ chúng tôi học phổ thông, có mô típ mở bài của môn tập làm văn bằng câu: dân tộc ta, trải qua nhiều thế hệ, với thanh gươm đẫm máu, đã bảo vệ Tổ quốc của mình bằng những chiến công lẫy lừng. Bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống để cho chúng ta tận hưởng những ngày hòa bình hôm nay, dù khi tôi học cấp 2 vẫn còn chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, hết cấp 3 đất nước mới thống nhất. Nhưng văn mẫu thời ấy nó thế.
Có chiến tranh là có thương binh liệt sĩ, có những gia đình có công, có những bà mẹ mất con. Và không chỉ chiến tranh, tức địch họa, mà thiên tai cũng gây bao thiệt hại, và trong công cuộc ngăn thiên tai, bảo vệ dân ấy, vẫn có những hy sinh, những mất mát không nhỏ.
Dân tộc ta thì từ ngàn xưa đã có những phương thức sống rất nhân văn truyền từ đời này sang đời khác, "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" ...
Và những ngày tháng 7 này, chúng ta đang sống trong không khí kỷ niệm, tưởng nhớ thương binh liệt sĩ ấy.
Thực ra không phải chỉ những ngày này chúng ta mới tưởng nhớ, mới kỷ niệm, mà những việc này đã và đang diễn ra thường xuyên, ở khắp nơi, từ những đội K của các tỉnh âm thầm lặng lẽ đi tìm hài cốt, di vật liệt sĩ bên Campuchia, tới những việc rất nhiều người trên đường xuyên Việt đều ghé thắp hương hang 8 cô, ngã ba Đồng Lộc, mua gương lược đồ trang sức dâng các chị.
Nhà thơ Vương Trọng sau khi làm bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc", có những câu thơ nhói lòng: "Ngày bom vùi tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được/Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/Hương chia đều trong hư ảo khói nhang"... thì đã có 2 việc được thực hiện, một là có hai cây bồ kết đã được đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn, nguyên giám đốc công an Hà Tĩnh trồng ở đây. Và luôn có một chậu nước bồ kết ngâm sẵn đặt ở đấy, và hai là, bài thơ của nhà thơ Vương Trọng được khắc vào đá dựng ở đấy, thành một tấm bia thơ viếng các chị.
Nhà văn Nguyễn Thế Tường, tác giả truyện ngắn nổi tiếng "Hồi ức binh nhì" là người đầu tiên đốt bồ kết viếng các cô TNXP mở đầu cái mỹ tục hết sức đẹp này.
Những mỹ tục đẹp ấy có ở rất nhiều nơi.
Thế hệ chúng tôi hồi ấy, đang học cấp ba thì rất nhiều người có lệnh lên đường. Bạn bè tôi đi nhiều lắm, lớp vợi đi một nửa. Có những bạn nữ đi và mãi mãi không về. Sau này học xong đại học, tôi xung phong lên Gia Lai Kon Tum công tác, nhiều lần đi về trên con đường Hồ Chí Minh (cũ), gặp nhiều cảnh, nghe nhiều chuyện hy sinh rất bi tráng, có cả nữ TNXP, tôi viết bài thơ "Tháng năm này gió thổi dọc Trường Sơn" được rất nhiều nhóm cựu Thanh niên xung phong, cựu chiến binh đăng, nhất là vào dịp tháng 7 này: "Tháng năm này gió thổi dọc Trường Sơn, tôi lặng lẽ lần qua từng khu rừng lá đổ. Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng, gió thổi hoài rát ruột lắm gió ơi.
Ngày chia tay em kẹp tóc mảnh mai, dáng nhỏ thó đưa mắt nhìn rất vội. Vịn thành xe mưa giăng giăng ngõ tối, hương ngọc lan thảng thốt tỏa sau hè.
Biền biệt em đi, biền biệt mẹ chờ. Chiều tựa cửa ngóng hoài về phương ấy. Phương ấy ơi, phương ấy là nỗi nhớ, Trường Sơn mờ ngăn ngắt một màu xa.
Những con đường hoàn thành, những đoàn quân đi qua. Trùng trùng quân đi hướng về chiến thắng. Chỉ những cánh rừng là im lặng, chiều mỏng manh bóng con gái nhạt nhòa.
Đôi vai mảnh mai kia bao lần làm trụ đỡ cầu phà, bao lần em đứng làm cọc tiêu cho xe qua bến. Mà mưa bom bão đạn... Tiếng con gái ngọt ngào nâng bước những đoàn quân .
Tôi lật chiều lật cỏ để tìm em, chỉ gặp biết bao điều bình dị. Ngang dọc những cánh rừng con gái, nào đâu em thức ở phương nào?
Tôi đi nửa giờ xe để đến nơi ngày xưa em qua bằng một đời con gái. Bạt ngàn cao su rưng rưng nhựa trắng, lại gặp những bóng áo xanh một thời trận mạc. Lại gặp những vai tròn con gái, lại những tiếng cười trong trẻo tuổi hai mươi...
Em lẫn vào cây vào đất vào rừng, vào hôm nay khói hương nhòa nước mắt. Anh xin thay em chắp tay dõi về phương bắc, một dáng chiều tựa cửa phơ phơ..."...

Rất nhiều nước mắt, rất nhiều xót xa, dẫu cũng đã mấy chục năm rồi. Ảnh minh họa.
Tôi cũng nhiều lần đi dự lễ đón và an táng các liệt sĩ ở nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai). Hàng năm đội K52 của tỉnh đều đi tìm các anh, xuyên rừng tìm, vì nơi các anh hy sinh đa phần giờ là rừng sâu núi thẳm. Nâng niu từng mẩu xương, từng di vật nhỏ, để dành lại đấy, dựng lán trại thờ tạm, rồi đợi ngày đưa các anh về. Hết sức xúc động và thiêng liêng. Rất nhiều nước mắt, rất nhiều xót xa, dẫu cũng đã mấy chục năm rồi. Giờ về nghĩa trang, các anh cũng nằm trong tư thế hành quân.
Tôi cũng nhiều lần tới nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang của các nghĩa trang, là nơi quy tụ đông nhất các liệt sĩ từ mọi miền đất nước, và vì thế mà gần như tỉnh nào cũng có một khu riêng, với một cái nhà thờ theo phong cách văn hóa tỉnh ấy. Nghĩa Trang liệt sĩ Trường Sơn trong thơ tôi nó như thế này: "Những hàng bia tít tắp/ những ngôi mộ im lìm/ hàng vạn ngôi sao đỏ/ sư đoàn vừa điểm danh...". Rất nhiều, tuyệt đại bộ phận trong ấy, những người con ưu tú của dân tộc chúng ta, ra đi khi chưa biết cái mùi tóc con gái nó mềm mại thế nào, nó mỏng manh mời gọi bí ẩn hấp dẫn ra làm sao... thế mà lại vẫn còn những người chỉ đơn sơ dòng chữ: liệt sĩ chưa biết tên- ngày xưa còn lạnh lùng hơn với tấm biển "liệt sĩ vô danh". Một con người bình thường thì ngồn ngộn nghênh ngang như thế, nói cười đi đứng như thế, hoành tráng như thế... thế mà giờ, mỗi bác mỗi ô, im lìm dưới mưa, trong bàng bạc khói hương và nhòe nhoẹt nước mắt chúng tôi.
Có lần tôi còn đi cùng các cựu binh Mỹ, giờ là nhà văn, như Kevin Bowen, Lady Borton, Larry Heinemann, Bruce Weigl, Fred Marchant... có người từng đánh nhau ở chiến trường Quảng Trị, và đi cùng họ là các... đối chuyền, những cựu binh Việt Nam, giờ cũng là nhà văn, những là Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Đỗ Chu, Nguyễn Chí Trung, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy..., cũng có những người đã tham chiến ở chiến trường Quảng Trị này. Và mới hiểu, mới quý giá trị của máu xương để có hòa bình.
Tôi cũng có 2 ông anh nhà văn nhà báo là nguyên mẫu trong khổ thơ này: "Bạn khóc ngày trở lại/ cuộc đấu tăng năm nào/ chiều nghĩa trang rất chậm/ mắt dõi vào hư vô.../ Những người lính năm xưa/ trở về dòng sông cũ/ hoa thay người trôi mãi/Thạch Hãn ơi "đò lên"" là nhà văn Nguyễn Thế Tường, người trực tiếp tham gia cuộc đấu tăng lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam ở Cửa Việt với tư cách binh nhì lái tăng, và Lê Bá Dương, tác giả bài thơ "Đò lên Thạch Hãn" nổi tiếng, cũng được tạc bia dựng bên bờ sông Thạch Hãn lịch sử, tham chiến ở chiến trường Quảng Trị từ năm... 17 tuổi.
Cũng như thế, tôi đã lên thắp hương ở các nghĩa trang liệt sĩ phía Bắc, mới nhất là Hà Giang. Cũng hàng ngàn ngôi mộ, có tên và chưa biết tên, cũng im lìm như thế. Và quý nhất là, thường xuyên có các bạn đoàn viên thanh niên trực, hướng dẫn người tới viếng, thắp hương thường xuyên cho các liệt sĩ. Chắc các bác cũng ấm lòng vì lúc nào cũng có hương, có hoa đầy đủ. Và một chiều muộn, tôi bắt gặp hình ảnh một bà mẹ lên thăm con, một hình ảnh xót xa, rưng rưng nhưng cũng hết sức xúc động và cao cả. Với chiến tranh, mẹ là người đau đớn nhất khi phải cắt ruột tiễn con đi. Phải chăng vì thế mà nhà nước dành danh hiệu "bà mẹ Việt Nam anh hùng" cho các mẹ.
Bà mẹ ấy đã vào thơ tôi như này: "Mẹ khóc/ nén nhang cũng khóc/ tóc bạc phơ lặng ngắt nắng chiều/ con mẹ đấy, ngôi sao đỏ chói/ im lìm tấm bia im lìm chân hương.../ mẹ đến tìm con/ bốn mươi năm sau ngày đau thương ấy/ vai gầy như hơi thở/ con cười trong bia.../ con mãi tuổi hai mươi/ thương mẹ tảo tần/ bông hoa nở trong chiều muộn/ nghĩa trang gối đầu vào núi/ vẫn đội hình hành quân"...
Những ngày này, và nước mắt, nước mắt của tri ân, của tự hào, và của cả sự bao dung hòa bình. Những ngày mãi mãi không quên trong lịch sử và ký ức dân tộc, và trong chúng ta.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả