Kẻ xuống tay với những đứa trẻ không thể mang trong mình một tấm lòng và những người làm ngơ trước tội ác đáng sợ ấy cần sớm thức tỉnh. Một hành động kịp thời sẽ cứu mạng một đứa trẻ, cứu giúp một đời người.
Flavaine Carvalho, một nữ bồi bàn ở nhà hàng Mrs Potato, thành phố Orlando, bang California, Mỹ nhận thấy có điều bất thường khi một cậu bé 11 tuổi được bố mẹ đưa vào nhà hàng nhưng bị cấm gọi món.
Là một người mẹ, cô cảm nhận điều này thật không bình thường khi đưa con tới nhà hàng mà không cho con ăn. Cậu bé mặc áo hoddie, đeo kính và khẩu trang, nhưng Carvalho vẫn nhận ra vết hằn trên tay em, vết bầm tím ở thái dương và vết xước lớn giữa hai lông mày.
Cô lập tức viết mẩu giấy "Cháu có ổn không?" và giơ lên cho cậu bé xem ở góc mà bố mẹ em không nhìn thấy được. Cậu bé lắc đầu. Cô hiểu, cậu bé đang sợ và thử lại lần nữa. "Cháu có cần cô giúp gì không?" cô viết một mẩu giấy khác và lần này, cậu bé gật đầu.
Carvalho gọi điện cho ông chủ nhà hàng hỏi ý kiến trước khi báo cảnh sát. Ngay sau đó, chuỗi ngày đau đớn của cậu bé được lộ ra. Cậu bé bị cha dượng đấm đá, lấy chổi và cây gãi lưng quật vào người. Cậu còn bị buộc dây vào mắt cá chân, treo ngược người lên khung cửa, thậm chí từng bị trói vào ghế. Em cũng cho biết thường xuyên bị trừng phạt bằng cách nhịn đói. Cậu bé 11 tuổi thiếu 9 kg so với cân nặng trung bình của lứa tuổi.
Những vết thương chằng chịt trên người cậu bé đã nói lên tội ác tàn độc của kẻ cha dượng và sự im lặng đến kinh hoàng của mẹ cậu bé. Tất cả những người có mặt đã sốc khi nhìn thấy những vết thương của cậu bé.
Không thể biện minh cho bất kỳ hành động ngược đãi nào. Tên cha dượng tàn độc Timothy Wilson, 34 tuổi, bị bắt vì tội lạm dụng trẻ em. Kristen Swann, mẹ của cậu bé, cũng bị bắt và bị buộc tội bỏ rơi trẻ em.
UNICEF từng công bố một báo cáo đáng lo ngại về tình trạng bạo hành ở trẻ em. Bạo lực đối với trẻ em, kể cả những trẻ 1 tuổi, đang diễn ra phổ biến trong gia đình, trường học và cộng đồng.
"Trẻ nhỏ bị tát vào mặt, trẻ em gái và trẻ em trai bị ép tham gia các hành vi tình dục, trẻ vị thành niên bị giết hại tại chính cộng đồng của các em – bạo lực đối với trẻ em không chừa một ai và không có ranh giới”. Trên toàn cầu, cứ 7 phút lại có 1 trẻ vị thành niên tử vong do bạo lực.
Một thực tế đau lòng!
Ở Việt Nam, phép màu đã không đến với bé T.T.K.C. (SN 2017). Ngày 16/1, xác nhận từ bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bé gái 3 tuổi bị mẹ ruột bạo hành đã không qua khỏi. Bệnh nhân T.T.C.K (3 tuổi) tử vong vào 15/1.
Sau khi nắm được thông tin, đại diện hội Bảo vệ quyền trẻ em, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM có mặt tại bệnh viện hỗ trợ gia đình các thủ tục pháp lý đưa bé về quê.
Trước đó, cơ quan CSĐT Công an quận 12, TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Trần Thị Dung, SN 1994, quê Thừa Thiên - Huế, mẹ ruột của cháu C. để điều tra hành vi bạo hành trẻ em.
Một đứa trẻ ra đi ở độ tuổi bắt đầu cuộc đời, một người mẹ nghèo vật lộn kiếm sống phải nhận án tù vì hành động cuồng dại trong cơn nóng giận. Nỗi đau sẽ luôn hiện hữu!
Nước mắt là ngôn từ câm lặng của nỗi đau. Ta có thể lau những giọt nước mắt trên mặt nhưng chẳng thể xoá nhoà được những giọt nước mắt trong tim.
LÊ ANH