Trong trường hợp bình thường, nước tiểu trong, màu vàng nhạt, không màu khi uống nhiều nước. Tuy nhiên, một số người thỉnh thoảng nhận thấy nước tiểu của mình chuyển sang màu vàng đậm, vàng nâu, thậm chí sang màu đỏ, đen trông rất đáng sợ.
Nước tiểu màu vàng có nguy hiểm không?
Nước tiểu là sản phẩm của hệ bài tiết khi chất thải trong cơ thể được đào thải ra ngoài. Mọi người ít khi chú ý tới nó, nhưng sự thay đổi màu sắc nước tiểu cũng là một tín hiệu của sức khỏe có vấn đề.
Thông thường, nước tiểu sẽ đổi màu từ vàng nhạt sang vàng đậm hoặc vàng nâu, tình trạng này xảy ra khi đi tiểu buổi vào buổi sáng lúc vừa mới thức dậy. Nguyên nhân là do cơ thể người không được bổ sung nước vào ban đêm, quá trình trao đổi chất làm tăng lượng độc tố vào nước tiểu, vì thế nó sẽ có màu sẫm hơn mức bình thường.
Tương tự, đôi khi cơ thể thiếu nước, nồng độ các chất thải tăng lên, nước tiểu sẽ chuyển sang màu vàng sẫm.
Tuy nhiên, tiểu buổi sáng và thiếu nước chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến nước tiểu đổi màu. Ngoài ra, còn có 3 yếu tố khác dẫn tới sự thay đổi màu nước tiểu, trong đó có nhiều nguy cơ gây bệnh nên cần hết sức cảnh giác.
- Yếu tố chế độ ăn uống: Cà rốt, kiwi, thanh long và các loại rau củ có màu sắc đậm, khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng tới màu sắc nước tiểu.
- Yếu tố thuốc: Một số loại thuốc có chứa chất riboflavin cũng có thể khiến nước tiểu đổi màu. Màu sắc nước tiểu sẽ trở lại bình thường sau khi ngừng uống thuốc.
- Yếu tố bệnh tật: Khi cơ thể bị viêm hoặc tức giận thường xuyên, nước tiểu có thể trở nên sẫm màu hơn do mất nước. Sự suy giảm chức năng do các bệnh về gan và túi mật sẽ làm tăng urobilinogen hoặc bilirubin trong nước tiểu, làm cho nước tiểu sẫm màu hơn. Các bệnh về nhiễm trùng đường tiết niệu, tuyến tiền liệt cũng có thể khiến nước tiểu chuyển sang màu vàng.
7 loại màu sắc nước tiểu bất thường cần cảnh giác
Sau khi loại trừ sự ảnh hưởng của chế độ ăn uống, thuốc men, bệnh tật tới nước tiểu, bạn cần phải quan sát cẩn thận các loại màu sắc nước tiểu nước đây.
1. Màu đỏ
Liao Yongbin, bác sĩ trưởng khoa tiết niệu của bệnh viện trung ương Giang Môn, Trung Quốc chỉ ra rằng, nguyên nhân phổ biến nhất của nước tiểu có màu đỏ là do ăn nhiều thực phẩm có màu đỏ và tím như củ cải, thanh long, rau dền, cà rốt, việt quất.
Ngoài ra, nước tiểu có màu đỏ cũng có thể là tiểu ra máu, 1 lít nước tiểu sẽ chứa khoảng 1ml máu. Tình trạng này có liên quan tới nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, viêm thận, tăng sản tuyến tiền liệt, nhiễm độc kim loại nặng như chì và thủy ngân, bệnh bạch cầu, suy tim sung huyết…
2. Nâu sẫm, màu nước tương
Nước tiểu màu nâu sẫm có thể do chức năng gan bị suy giảm, nếu kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, vàng da, đau bụng trên, sẽ khiến lượng bilirubin trong nước tiểu tăng lên.
Đây là lời cảnh báo về các bệnh lý ở gan và túi mật. Lúc này lượng bilirubin không đi xuống ruột mà ngược vào máu, sau đó lọc qua thận và đào thải vào nước tiểu, khiến nước tiểu có màu nâu sẫm.
Ngoài ra, nước tiểu có màu nước tương thường do truyền máu không tương thích, tiêu cơ vân, thiếu máu tán huyết, tốt nhất nên tới bệnh viện khám ngay lập tức.
3. Màu đen
Nước tiểu màu đen có thể do u ác tính, sốt rét do falciparum hoặc ngộ độc phenol, cần cảnh giác.
4. Không màu
Khi uống quá nhiều nước có thể làm cho nước tiểu loãng và không có màu. Các bệnh như teo thận, đái tháo đường đều có thể gây ra hiện tượng nước tiểu không màu.
5. Các màu như trắng, xanh lá cây, xanh lam
Ngoài các màu trên, nước tiểu còn có thể xuất hiện các màu khác như chế độ ăn nhiều chất béo và đạm, viêm thận, viêm bàng quang và các yếu tố khác có thể gây ra nước tiểu trắng đục.
Nhiễm trùng do Pseudomonas aeruginosa và một số vi khuẩn, thuốc hóa trị, thuốc chống viêm… có thể gây ra nước tiểu màu xanh lá cây, xanh lam.
Cần lưu ý rằng, màu sắc của nước tiểu đôi khi là do chế độ ăn uống và thuốc gây ra, nhưng cũng liên quan đến bệnh tật nên bạn phải hết sức lưu ý. Ngoài màu sắc của nước tiểu, các đặc điểm về bọt nước tiểu, tổng thể tích cũng là tín hiệu báo động về sức khỏe.
HỒNG NHUNG (Theo Aboluowang)