Mới đây, diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) vừa đăng một cảnh báo về ô nhiễm không khí lên sức khoẻ của con người trong bối cảnh dịch bệnh do vi rút COVID-19 gây ra. Theo TS. Maria Neira – Giám đốc Y tế Công cộng và Môi trường thuộc tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) – những người tiếp xúc và sống trong môi trường có chất lượng không khí kém thì nguy cơ bị COVID-19 đe doạ cao hơn những người khác.
Nguyên nhân được cho là do khi hít thở trong môi trường không khí độc hại, hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn hại và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Các bệnh này bao gồm cả đường hô hấp, như ung thư phổi, viêm phổi, hen suyễn và viêm phế quản.
Quan trọng hơn, COVID-19 chính là bệnh về đường hô hấp. Ngày càng nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra mối liên hệ giữa hệ thống miễn dịch bị suy yếu do ô nhiễm không khí với mối đe doạ ngày càng lớn từ COVID-19. TS. Neira còn cho rằng: “Bây giờ chúng ta biết rằng những hạt độc hại này sẽ đến phổi và từ đó đi vào máu, và đến hệ thống tim mạch của chúng ta. Điều này có thể gây ra các tình trạng như bệnh tim, rối loạn thần kinh, đột quỵ và các vấn đề về hệ thống sinh sản”.
Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng do ô nhiễm không khí. Quả thực, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu. Bên cạnh Tổ chức Y tế Thế giới, bài nghiên cứu của TS. Jos Lelieveld (Viện Hóa học Max Planck) và cộng sự được đăng tải trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (Proceeding of the National Academy of Sciences) chỉ ra số người tử vong do ô nhiễm không khí có thể lên đến gần 9 triệu người.
Nguồn ô nhiễm này có nhiều dạng. Các nguồn tự nhiên có thể kể đến như phấn hoa và núi lửa, nhưng những hạt độc hại mà chúng ta thường xuyên hít thở lại được tạo ra bởi hoạt động con người. Cụ thể, các hoạt động chăn nuôi gia súc và đốt nhiên liệu hoá thạch như than đá sẽ hình thành các hạt nhỏ, lơ lửng trong không khí và được hít vào phổi của con người. Đặc biệt, các hạt có đường kính rất nhỏ như chỉ bằng một phần ba mươi đường kính của sợi tóc người, có thể xuyên qua thành phổi.
Để bảo vệ con người trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoặc các đại dịch liên quan đến đường hô hấp có thể xảy đến trong tương lai thì sản xuất vắc xin thành công thôi là chưa đủ, mà cần thêm những biện pháp khác để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Theo TS. Maria Neira, “Giải quyết các nguyên nhân của biến đổi khí hậu sẽ mang lại những lợi ích to lớn cũng như giảm thiểu các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, do đó đóng góp to lớn cho sức khỏe của cộng đồng”. Cụ thể, TS. Neira cho rằng nên ngừng đốt nhiên liệu hoá thạch và chuyển sang những nguồn năng lượng sạch hơn.
Ngoài ra, luật pháp có thể giúp các quốc gia thực thi các nguyên tắc về chất lượng khống khí theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế Thế giới. Các nhà hoạch định chính sách có thể thực hiện các thay đổi ở cấp địa phương hoặc thành phố để áp dụng các hệ thống giao thông công cộng, nhằm giảm thiểu việc sử dụng ô tô cá nhân, thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong các toà nhà và khuyến khích cuộc sống bền vững.
Việc xây dựng chính sách hiệu quả đòi hỏi phải có các nhiên cứu dựa trên bằng chứng, kết hợp các lý thuyết về xã hội để cung cấp thông tin chính xác cho việc hoạch định chính sách nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, ví dụ như nguyên tắc bán dẫn để hạn chế xả thải từ doanh nghiệp (semiconducting principle) hay khái niệm văn hóa tăng thặng dư sinh thái (eco-surplus culture).
Nguyễn Quang Lộc, SP Jain School of Global Management, New South Wales 2141, Australia
Nguồn tham khảo:
- Johnny, W. 2022. Air pollution can increase the threat posed by COVID-19. World Economic Forum. Retrieved from: https://www.weforum.org/agenda/2022/02/air-pollution-covid-19-public-health-emergency-threat?utm_source=facebook&utm_medium=social_scheduler&utm_term=Air+Pollution&utm_content=24/02/2022+02:00&fbclid=IwAR0R9IATRmWafryMePxESLoA2HT2Lg4ET4c-UhLU0mcIjusXOu2LL
- Vuong, Q.H., Le, T.T., La, V.P., Nguyen, H. T. T., Ho, M.T., Van Khuc, Q. & Nguyen, M.-H. 2022. Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework. Humanities and Social Sciences Communications, 9,
- Vuong, Q.H. (2018). The (ir)rational consideration of the cost of science in transition economies. Nature Human Behaviour, 2(1), 5.
- Kelly, F. J., & Fussell, J. C. (2015). Air pollution and public health: emerging hazards and improved understanding of risk. Environmental Geochemistry and Health, 37(4), 631–649.
- Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letter, 10(3), 284-290.