Ô nhiễm ở làng 'mổ máy' Quan Độ

Ô nhiễm ở làng 'mổ máy' Quan Độ

Thứ 7, 11/05/2013 | 10:20
0
Nghề thu gom máy móc hư hỏng đã đem lại cho người dân thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cuộc sống khá giả, sung túc hơn. Tuy nhiên, mặt trái của nó là ngõ xóm mất mỹ quan, môi trường bị ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân nơi đây.

Về thôn Quan Độ, xã Văn Môn chúng tôi thấy nơi đây không khác gì một công trường với đủ loại phế liệu, máy móc hư hỏng. Từ đầu ngõ chúng tôi đã cảm thấy mùi khen khét của nhựa cháy, mùi hăng hắc của dầu máy, tiếng búa đập, tiếng máy cắt thép… tạo thành một hỗn hợp âm thanh đinh tai, nhức óc. Trong vườn nhà, ngoài ngõ, nhiều loại máy móc hư hỏng như máy biến áp, máy xúc, máy cày, ô tô… nằm rải rác trên đoạn đường kéo dài khoảng 1km.

Việt Nam Xanh - Ô nhiễm ở làng 'mổ máy' Quan Độ

Một góc thôn "mổ" máy Quan Độ.

Ông Nghiêm Văn Hùng, 55 tuổi, trưởng thôn Quan Độ cho biết: Thôn có 650 hộ với 2.700 nhân khẩu. Nghề đồng nát ở đây có từ lâu đời, trước chỉ là những người làm ăn nhỏ lẻ, đi khắp nơi thu gom phế liệu. Khoảng năm 1990, khi Nhà nước có chủ trương thanh lý các loại máy móc, trang thiết bị hư hỏng của quân đội, điện lực, bưu điện đang tồn đọng, một số người dân thôn Quan Độ nhanh nhạy, tìm kiếm, đấu thầu thu mua các loại rác thải công nghiệp như máy biến thế, ô tô hỏng, máy bay, tàu thủy, ca nô… đem về chia thành từng loại phế liệu đồng, nhôm, kẽm, nhựa rồi đem bán cho các làng nghề lân cận như làng đúc Mẫn Xá, Đa Hội, Gia Bình…

Về Quan Độ không khó để tìm thấy những ngôi nhà biệt thự cao tầng. Trên các trục đường làng, ô tô vào ra lấy hàng liên tục, cho thấy người dân nơi đây ăn nên làm ra nhờ nghề đúc máy. Hiện tại có khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong thôn ai cũng biết gia đình vợ chồng anh chị Phương, Thuấn, từ hai bàn tay trắng, khởi nghiệp nghề  đồng nát từ năm 1990, hiện tại là chủ doanh nghiệp Tuấn Long với hơn 300 nhân công. Chị Đinh Thị Huyền, 35 tuổi, một chủ doanh nghiệp với 20 nhân công tâm sự: “Nghề nào cũng vất vả nhưng nghề đúc máy này tạo được công ăn việc làm cho nhiều người, nhà tôi mỗi năm cũng thu về 150-200 triệu đồng”.

Theo như lời ông Hùng thì thanh niên trong làng đi làm thuê cho các chủ xưởng thu về mỗi tháng từ 4-5 triệu đồng. Phụ nữ làm các công việc phụ như tước vỏ nhựa, cuốn sợi nhôm cũng được vài ba triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Quan Độ còn thu hút hàng trăm thợ thuyền từ các nơi khác về làm thuê. Ông Hùng tâm sự: “Đành rằng làm ra tiền của nhưng mặt trái của nó là tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra hằng ngày, gây ảnh hưởng sức khỏe người dân. Trong quá trình tháo dỡ máy móc, những chất dầu mỡ thải xuống kênh mương, chảy đen ngòm quanh làng, các ao hồ trong làng cá chết liên tục. Hiện đang là mùa gặt, chứ nếu qua vụ rồi ra cánh đồng, không ít người dân ngang nhiên đốt nhựa lấy đồng, khói bay mù mịt, theo gió ám vào làng, khét lẹt, hôi hám không chịu nổi”. Ông Hùng cũng cho biết, từ năm 1990 đến nay thì 90% người trong làng chết là do ung thư. Trẻ con trong làng thường mắc các bệnh về hô hấp, viêm phổi.

Anh Nguyễn Xuân Huy, 32 tuổi, một người thợ mổ máy lâu năm tâm sự: “Mổ máy là một công việc vất vả. Thợ mổ máy bị sứt chân, sứt tay là chuyện bình thường. Thiết bị nào cũng được phủ sơn, dính dầu mỡ, lúc đục ra dễ ảnh hưởng. Lúc hàn, sơn cháy cũng phả trực tiếp vào người thợ. Rồi thì sắt thép cháy, nhôm cháy khi bị cắt bằng lửa hàn, hay muốn lấy được lõi của những đoạn cáp điện phải đốt lớp nhựa bọc ngoài… Tất cả những thứ khí độc hại ấy, người làm công phải lĩnh đủ. Biết là độc hại nhưng vì miếng cơm, manh áo, vẫn phải làm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hậu, Bí thư Đảng ủy xã Văn Môn cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch và đã báo cáo với huyện Yên Phong về việc chuyển các hộ làm nghề ra một vùng đất mới, thành làng nghề tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trước đây vào khoảng năm 2003, xã đã có dự án chuyển các làng nghề về nơi tập trung với tổng diện tích 36ha nằm cách xa khu dân cư. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc với dân, họ không đồng tình vì sợ mất đất nông nghiệp, ảnh hưởng quyền lợi, nên UBND xã đành dừng dự án lại”.

Thiết nghĩ, phát triển làng nghề, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn là một việc làm cần thiết song cần có quy hoạch hợp lý và đặc biệt, cần quan tâm vấn đề vệ sinh môi trường.

Theo Quân Đội Nhân Dân

Chùm ảnh: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Hà Nội

Thứ 6, 10/05/2013 | 10:06
Tại một số điểm ở thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dù có biển hiệu cấm đổ rác, nhưng những con mương, sông, vìa hè... vẫn bị người dân đổ rác bừa bãi.

Bức xúc môi trường ô nhiễm tại CCN Tân Đức

Thứ 6, 10/05/2013 | 09:09
Hàng trăm hộ dân ở thôn Tân Đức (xã Nhơn Mỹ – thị xã An Nhơn – tỉnh Bình Định) đang hết sức khốn khổ bởi mùi hôi, bụi bặm và ruồi nhặng bao phủ cả khu dân cư, do các doanh nghiệp (DN) đang sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp (CCN) Tân Đức gây ra.

Hà thành ô nhiễm nhỏ +... ?

Chủ nhật, 05/05/2013 | 10:31
Không khó để nhận ra ở khắp các tỉnh, thành phố đều có những hộ gia đình kinh doanh bằng hình thức nhỏ lẻ như nghề thủ công, bán thủ công, dịch vụ... nhưng đem lại lợi nhuận đáng kể cho bản thân và góp phần phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, với sự nở rộ ồ ạt mà chưa chú trọng đến nguy cơ gây ô nhiễm, người ta đã vô tình hoặc cố ý quên hiệu ứng của sự "nhỏ +".

Làng nghề Hưng Yên ngập trong ô nhiễm rác thải

Thứ 3, 07/05/2013 | 13:53
Ông Lê Đức Lành, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, trên toàn tỉnh hiện có 85 làng nghề, trong đó có 35 làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận.