Olympic LonDon là “thần dược” cứu Anh qua khủng hoảng

Olympic LonDon là “thần dược” cứu Anh qua khủng hoảng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Người Anh đang được hưởng những tác động tích cực không ngờ từ việc tổ chức Thế vận hội, góp phần không nhỏ để kinh tế nước này vượt qua cơn khủng hoảng.

Lịch sử tốt đẹp dường như đang lặp lại với nước Anh. Năm 1948, đảo quốc sương mù lần đầu tiên tổ chức Thế vận hội trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của nền kinh tế thời hậu chiến. Thế chiến thứ Hai đã tàn phá hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp, hạ tầng của nước này. Vượt qua tất cả, Olympic 1948 đã thành công rực rỡ không chỉ về thể thao. Tinh thần Olympic đã giúp cả thế giới vượt qua nỗi đau chiến tranh. Kinh tế Anh sau đó đã hồi phục nhanh chóng mà một phần không nhỏ là nhờ sự kiện thể thao này mang lại.

Xã hội - Olympic LonDon là “thần dược” cứu Anh qua khủng hoảng

Dù đã kết thúc nhưng Thế vận hội vẫn là một liều thuốc trợ lực cho kinh tế Anh

Từ những dự báo bi quan về gánh nặng Olympic

Một sự trùng hợp là 64 năm sau, năm 2012, nước Anh lại trở thành chủ nhà của Đại hội thể thao thế giới trong bầu không khí u ám của nền kinh tế. Lần này không phải bởi chiến tranh, nhưng sức tàn phá lên nền kinh tế nước này của cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng nặng nề không kém gì bom đạn.

Các chỉ số kinh tế đều xấu: GDP giảm liên tục từ Quý III/2007, đến quý II/2012 - ngay trước ngày Olympic khởi tranh - tiếp tục giảm thêm 0,7%; tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng cao qua từng tháng. Nước chủ nhà Olympic 2012 lâm vào một cuộc suy thoái kép tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1970.

Việc phải chi ra tới 14,52 tỷ bảng cho Thế vận hội giữa thời khủng hoảng khiến các nhà kinh tế nhớ lại bài học đắt giá về sự phá sản của kinh tế Hy Lạp sau khi tổ chức Olympic Athens 2004. Các cảnh báo về gánh nặng Olympic liên tiếp được các tổ chức đánh giá uy tín đưa ra. Moody cho rằng kinh tế Anh có thể sôi động nhất thời trong thời gian diễn ra Olympic nhưng sẽ không có hiệu quả lâu dài.

Đồng quan điểm, Citigroup cho hay, kinh tế nước chủ nhà sẽ tăng trưởng chậm lại vào hai quý sau mùa Thế vận hội. Ngân hàng Goldman Sachs thì dè dặt dự báo với viễn cảnh mờ mịt thì khó có thể thấy được những động lực thực sự ấn tượng từ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này. Việc Ba Lan và Ukraine lỗ nặng sau khi đồng tổ chức Euro 2012 càng khiến dân Anh thêm nản lòng.

... Đến vị ngọt hậu Thế vận hội

Một tuần sau khi Olympic London 2012 kết thúc, Thủ tướng Anh cho biết doanh thu từ Thế vận hội trong thời gian diễn ra đã đạt khoảng 13 tỷ bảng. Riêng tiền bán bản quyền truyền hình đã là 7,5 tỷ bảng. Các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ ăn theo cũng lần lượt báo cáo các con số tăng trưởng đầy ấn tượng mà họ gọi là có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến trong thời buổi này, nếu như không có Olympic.

Kinh tế Anh quý III bất ngờ tăng 1% thay vì tiếp tục tăng trưởng âm như các dự báo trước đó. Trong đó, có đến 0,2% được xác định là nhờ doanh số bán vé Olympic. Du lịch, dịch vụ, hàng tiêu dùng tăng trưởng mạnh nhất. Riêng ngành dịch vụ - vốn đóng góp tới hơn 75% GDP, cho biết đã tăng trưởng 1,3%. Ngành công nghiệp tăng trở lại từ mức âm 0,1% trong quý II. Ngành xây dựng vốn đã được hưởng lợi từ các gói thầu thi công những công trình phục vụ Olympic, tiếp tục đà bứt phá ngoạn mục.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết, đây vẫn chưa phải là những đóng góp cuối cùng của Đại hội thể thao này. Các tác động tích cực từ Paralympic cũng chưa được tính đến. Sang quý IV, vị ngọt của Olympic và Paralympic mới thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ còn tiếp diễn ít nhất là đến hết quý II sang năm. Kinh tế Anh đang thoát khỏi khủng hoảng với tốc độ nhanh nhất khối các nền kinh tế phát triển G7.

Đầy phấn khởi, Thủ tướng Cameron tuyên bố trước Quốc hội Anh rằng tin tốt về nền kinh tế sẽ còn tiếp tục đến. Bộ trưởng Tài chính Anh, ông George Osborne thì tỏ ra thận trọng: "Hãy còn một chặng đường dài phía trước, những con số này chỉ cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng, ông nói. Sự cảnh giác của ông không phải là không có lý do. Tương lai của khu vực đồng tiền chung châu Âu ngày càng ảm đạm hơn khi hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp cũng đã lâm vào khủng hoảng, kinh tế Trung Quốc bắt đầu có những dấu hiệu suy thoái và vách đá tài chính ở Mỹ có thể khiến nước Anh bị ảnh hưởng không nhỏ".

Một bầu không khí đầy lạc quan đang đem đến những gam màu sáng hơn cho kinh tế Anh. Giới tài chính luôn là đối tượng phản ứng nhanh nhất trước các thông tin kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Anh (Bank of England) công bố trong vòng hai tuần nữa sẽ đưa ra chương trình nới lỏng tín dụng trị giá hơn 375 tỷ bảng để tiếp sức cho các doanh nghiệp nước này đón nhận các cơ hội đầu tư chạy sang từ khu vực Eurozone đầy rủi ro. Hàng loạt các ngân hàng khác cũng đánh tiếng sẽ cho vay mạnh trở lại.

Xã hội - Olympic LonDon là “thần dược” cứu Anh qua khủng hoảng (Hình 2).

Olympic London 2012 không mang đến những bi quan về kinh tế như dự báo

Lịch sử các kỳ Olympic đang ủng hộ kinh tế Anh

Ngoài minh chứng của chính mình trong quá khứ (Olympic 1948), người Anh đang rất phấn khích bởi lịch sử tổ chức Thế vận hội của các quốc gia khác đều cho thấy, nước đăng cai phần lớn đều được hưởng lợi lâu dài nhờ sự kiện này. Đồng minh thân cận bên kia bờ Đại Tây Dương của Anh chính là một ví dụ. Hoa Kỳ chỉ phải chi 546 triệu USD cho Olympic 1984, nhưng lại thu về tới 768 triệu USD từ tiền bản quyền, tài trợ thể thao, bán vé... Nước Mỹ đã lãi ròng đến 222,7 triệu USD bởi đã tận dụng được tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có. 12 năm sau, Mỹ tiếp tục tổ chức Olympic Atlanta 1996 và hòa vốn. Họ bỏ ra 1,8 tỉ USD và thu lãi 10 triệu USD.

Gần đây nhất là Olympic Bắc Kinh 2008. Dù mục tiêu chủ yếu là đánh bóng hình ảnh đất nước chứ không phải là kinh tế, nhưng Trung Quốc được coi là đã hưởng lợi lớn từ việc tổ chức Thế vận hội. Khoản tiền 40 tỉ USD bỏ ra đã nhanh chóng được thu hồi, chưa kể các công trình cho Olympic vẫn còn nguyên giá trị.

Tất nhiên, cũng có một số nước chịu đòn đau vì Olympic. Hy Lạp vẫn đang phải gánh chịu khoản nợ khổng lồ do việc tổ chức Olympic 2004 tại Athens để lại. Những khoản kinh phí chưa thể thanh toán hết, việc khai thác các công trình thể thao hậu Olympic không hiệu quả góp phần khiến nước này ngập sâu trong nợ nần. Cùng cảnh ngộ với Hy Lạp là Canada. Đến năm 2006, tức 30 năm sau khi đăng cai Thế vận hội Montreal 1976, nước này mới thanh toán hết khoản nợ 1,6 tỷ USD chi cho việc tổ chức.

Thanh Tùng