Trần Thăng Khoan năm nay 34 tuổi, đến từ Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Từ khi sinh ra, bàn chân anh đã bị biến dạng, không thể đi lại bình thường. Để di chuyển, thay vì đứng dậy tập đi, Trần chỉ biết bò. Năm 20 tuổi, anh được nhận vào làm công nhân của một nhà máy gần nhà.
Tại đây, Trần quen biết một cô gái cũng có hoàn cảnh tàn tật như mình. Hai người yêu nhau rồi kết hôn. Tháng 4/2013, cặp đôi chào đón con trai đầu lòng tên Trần Chiêu Viễn. Đứa trẻ khỏe mạnh, đáng yêu, khiến gia đình nhỏ luôn rộn rã tiếng cười.
Tuy nhiên, ngày 2/1/2015, cậu bé đột ngột mất tích. Buổi sáng hôm đó, trời lạnh, bà nội Chiêu Viễn phải lên phố làm việc nên để đứa trẻ ở nhà với ông nội.
Người ông để cháu chơi với những đứa trẻ khác trước cổng nhà. Đến 10h sáng, ông nội ra ngoài tìm thì không thấy cháu trai đâu nữa. Ông vội gọi điện cho các con đồng thời cùng người dân trong làng tỏa đi khắp nơi tìm kiếm.
Trần Thăng Khoan đang làm việc ở nhà máy biết tin liền tức tốc bắt taxi về nhà. Trên đường về, anh đỏ mắt tìm con nhưng không thấy. Phía cảnh sát cũng đã vào cuộc nhưng không có camera cũng như nhân chứng nên cuộc điều tra đi vào ngõ cụt. "Thời điểm đó tôi vô cùng tuyệt vọng, thậm chí còn không muốn sống", Trần nhớ lại.
Để vực dậy tinh thần, anh phải không ngừng tự nhủ, nếu để bản thân tuyệt vọng thì sẽ không bao giờ có cơ hội gặp lại con trai.
Vì vợ cũng là người tàn tật nên một mình Trần ra ngoài tìm con. Anh đã chi vài nghìn tệ phát thông tin trên đài truyền hình địa phương. Anh cũng dán thông báo về đứa trẻ mất tích và bò đi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn với hy vọng có thể gặp lại con. Ở những nơi có nhiều người qua lại như nhà ga, bến xe... Anh sẽ ở lại đó vài tiếng, hỏi hết người này đến người khác.
Khi đói, anh chỉ ăn một ít lương khô cho no bụng. Khi mệt mỏi, anh nằm xuống ven đường nghỉ ngơi. Cứ như vậy "dấu tay" của Trần đã in khắp Bắc Kinh, Nam Kinh và các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông ... "Có lẽ là gần nửa Trung Quốc rồi", Trần bộc bạch.
Mỗi lần có tin báo ở đâu đó nghi ngờ đó là con trai mình, anh lại lập tức lên đường. Tuy nhiên hết lần này đến lần khác anh đều trở về với nỗi thất vọng.
Mỗi chuyến đi của Trần Thăng Khoan thường kéo dài khoảng 10 ngày. Mặc dù tằn tiện hết mức có thể nhưng anh cũng đã tiêu hết số tiền tiết kiệm 30.000 tệ (107 triệu đồng). Vừa đi tìm con Trần vừa phải làm việc để duy trì cuộc sống cũng như có thêm lộ phí để tiếp tục cuộc hành trình mà anh chưa biết khi nào mới kết thúc.
Ông bố này cũng tham gia vào nhiều nhóm phụ huynh có con bị bắt cóc. Những nhóm này thường tổ chức các hoạt động tìm kiếm theo thời gian cụ thể, nhưng đôi khi mọi người cảm thấy Trần đi lại khó khăn nên không yêu cầu anh đi cùng. Tuy nhiên Trần vẫn nhất quyết tham gia bởi anh muốn ngày càng nhiều người biết tới câu chuyện của mình. "Con là mạng sống của tôi, bởi vậy dù ở đâu tôi vẫn đi tới cùng", Trần khẳng định.
Trong hành trình tìm con, anh cũng phải nhận về không ít lời chế giễu, thậm chí có người bảo anh "làm màu", lừa tình thương của người khác, nhưng Trần không quan tâm. Anh thừa nhận đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều nhà hảo tâm, có người mua cho nước và thức ăn, có người cho tiền hay giúp chỗ ở nhưng anh không lợi dụng lòng tốt của ai cả.
Hiện, Trần và vợ đã có thêm 1 con trai và 1 con gái, nhưng mỗi lúc nghĩ đến người con trai mất tích, nước mắt anh lại rơi và anh lại bò đi tìm con.
Hai năm trở lại đây, do áp lực nuôi dạy con cái và ảnh hưởng của dịch bệnh, Trần ít ra ngoài tìm con hơn nhưng trong lòng anh chưa lúc nào thôi nghĩ đến Chiêu Viễn. “Đợi khi dịch lắng xuống, tôi sẽ tiếp tục đi tìm con. Tôi luôn hy vọng một ngày nào đó có thể gặp lại đứa con thất lạc của mình”, Trần chia sẻ.
Minh Hoa (t/h)