Chiều 16/6, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì phiên họp.
Trong phần trao đổi, báo chí dành nhiều câu hỏi về vấn đề liên quan đến ngành Y tế với Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Bùi Văn Cường.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Công ty Việt Á.
Khi được hỏi về cảm xúc khi thực hiện việc bãi nhiệm này, ông Cường nói cảm giác rất đau xót, rất buồn, bởi cả ngành y tế và cá nhân ông Nguyễn Thanh Long cũng có những đóng góp rất lớn trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật và giữ đúng kỷ cương, kỷ luật thì buộc phải thực hiện những quyết định như vậy.
Ông Cường cũng cho biết, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức phiên họp bất thường để thi hành kỷ luật này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất nghẹn ngào khi nêu nguyên tắc kỷ luật của Đảng. “Kỷ luật của Đảng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ai vi phạm là phải xử lý”, ông Cường nhắc lại.
Vẫn liên quan đến ngành y tế, tại nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội yêu cầu sớm có biện pháp ổn định tổ chức bộ máy và tâm lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành y tế từ Trung ương đến địa phương trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân; tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.
Trả lời câu hỏi từ báo chí là giải pháp cụ thể hơn để thực hiện yêu cầu trên sẽ là gì, ông Cường nói giải pháp cụ thể thì phụ thuộc vào điều hành của Chính phủ và ngành y tế, còn nghị quyết của Quốc hội chỉ nêu yêu cầu chung như thế.
“Tinh thần của Nghị quyết 30 là phải có biện pháp để ổn định, tổ chức bộ máy, tâm lý cho các bộ công tác trong ngành y tế, từ Trung ương cho đến cơ sở”, ông Cường nói.
Trong bối cảnh xử lý nhiều người trong ngành y, dễ gây ra tâm lý và một bộ phận không phê duyệt mua sắm gì cả để an toàn, ông Cường nói thêm và khẳng định pháp luật về mua sắm hiện đã rất cụ thể, nếu cứ làm đúng thì không có sai phạm gì.
“Có thể nói, loạt cán bộ dính lao lý do liên quan đến Việt Á, rõ ràng là phải xử lý. Tuy nó có gây ra tâm lý, một bộ phận không nhỏ cán bộ không dám phê duyệt quyết định mua sắm vật tư y tế để đảm bảo an toàn. Nhưng trên thực tế, pháp luật của nước ta về đấu thầu, mua sắm là rất cụ thể, cứ theo đúng pháp luật, đúng quy trình thì làm sao có sai phạm”, ông Cường nhấn mạnh.
Còn như việc mua kít test trong vụ Việt Á thì khi chưa được hội đồng có chức năng thẩm định, ông Long (khi đó là Bộ trưởng) đã chỉ đạo ban hành mấy văn bản để cấp dưới mua theo giá chỉ đạo.
"Có trục lợi hay không thì cơ quan điều tra mới biết, nhưng anh cứ có văn bản thông báo giá để địa phương mua, như thế là bỏ sót quy trình, gây thất thoát lớn thì phải xử lý theo quy định của pháp luật", ông Cường khẳng định.
Ông Vũ Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Trước yêu cầu của thực tiễn, Quốc hội cũng đã linh hoạt điều chỉnh, bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp; quyết định tăng thêm thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhiều phiên thảo luận tại hội trường để thông tin rộng rãi hơn, đảm bảo các hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và nhân dân, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội.
Các nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp này đều đạt sự đồng thuận rất cao; mặc dù bổ sung thêm nội dung nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và thời gian kỳ họp như dự kiến.
Quốc hội đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.
Kết quả của Kỳ họp khẳng định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan luôn lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, chủ động, tích cực phối hợp để kịp thời đưa ra những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện Quốc hội luôn đại diện cho trí tuệ toàn dân, không ngừng đổi mới, cống hiến và hành động vì lợi ích của cử tri, Nhân dân và đất nước.