Sau khi bị đình chỉ chức Thủ tướng, nhà lãnh đạo Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết trên mạng xã hội rằng, ông sẽ tiếp tục giữ vai trò Bộ trưởng Quốc phòng của đất nước.
Đây là tuyên bố đầu tiên của ông Prayuth trước công chúng kể từ khi Tòa án Hiến pháp yêu cầu ông ngừng công tác với tư cách Thủ tướng trong khi xem xét giới hạn nhiệm kỳ của ông.
“Tôi sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ và trách nhiệm của mình với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng vì người dân và Thái Lan mỗi ngày”, ông Prayuth cho biết trên tài khoản Twitter của Văn phòng Thủ tướng Thái Lan hôm 25/8.
Trước đó, hôm 24/8, Tòa án Hiến pháp đã tiếp nhận bản kiến nghị do đảng đối lập đệ trình với lập luận rằng nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Prayuth nên được tính từ năm 2014 sau cuộc đảo chính, và sẽ kết thúc vào năm 2022. Theo quy định của Hiến pháp Thái Lan, nhiệm kỳ Thủ tướng của quốc gia Đông Nam Á này không quá 8 năm.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào tòa án này sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về kiến nghị trên.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan đang giữ cương vị quyền Thủ tướng của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á. Ông Prawit từ chối trả lời các câu hỏi của các nhà báo trong ngày đầu tiên làm việc tại Văn phòng Thủ tướng hôm 26/8.
Sau khi ông Prayuth bất ngờ bị đình chỉ công tác, người phát ngôn của chính phủ Thái Lan, Anucha Burapachaisri, hôm 26/8 cho biết Nội các vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường.
Trong một tuyên bố, văn phòng của ông Prayut cho biết, ông tôn trọng quyết định của tòa án.
Lệnh này “sẽ không ảnh hưởng đến việc điều hành quốc gia, công việc do các công chức thực hiện hoặc các chính sách đang thực hiện của chính phủ”, tuyên bố cho biết.
Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Thái Lan sẽ diễn ra vào tháng 5/2023, nhưng Thủ tướng đương nhiệm vẫn có quyền kêu gọi bầu cử sớm bằng cách giải tán Hạ viện.
Minh Đức (Theo Reuters, CNN)