Các học giả và cựu quan chức Mỹ nhận định, mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Nga đã chạm mức thấp vào tuần trước, dự kiến làn sóng trừng phạt mới nhằm vào Moscow sẽ được tiến hành, đi kèm với và một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới giữa hai bên, liên quan đến các vấn đề chính trị toàn cầu và lợi ích khu vực.
Mỹ khơi mào cuộc chiến
Trong bài phát biểu với ABC News hôm 17/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những lời lẽ công kích Tổng thống Nga Vladimir Putin khi gọi người đồng cấp là “sát nhân” và sẽ "phải trả giá" vì "can thiệp bầu cử".
Tuyên bố được đưa ra sau khi một báo cáo tình báo của Mỹ cho rằng Nga đã tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng nhằm "bôi nhọ ông Biden và làm suy yếu niềm tin của công chúng vào tiến trình bầu cử". Moscow ngay lập tức đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên là vô căn cứ.
Bình luận về những nhận xét nhằm vào mình, Tổng thống Vladimir Putin đã chúc Tổng thống Mỹ "sức khỏe tốt" và nói rằng Nga sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực lợi ích của Moscow.
Sau đó, ông Putin đã đề nghị Tổng thống Biden có cuộc đối thoại trực tiếp trên sóng truyền hình, nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng nói rằng lãnh đạo Mỹ “bận”.
Theo Tiến sĩ Paul Craig Roberts, một nhà kinh tế học người Mỹ và là cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, từ ngữ nặng lời mà ông Biden sử dụng đối với ông Putin là điều mà một tổng thống Mỹ thường dùng với các nhà lãnh đạo của Liên Xô trong thời kỳ Xô Viết.
"Washington công kích ông Putin và Nga kể từ khi nhà lãnh đạo này khôi phục quyền tự chủ của Nga và tuyên bố rằng kỷ nguyên bá quyền đơn cực của Washington đã kết thúc", Tiến sĩ Roberts giải thích. “Ông Biden đã tiếp tục truyền thống này, để nói với thế giới rằng Mỹ mạnh hơn Nga và có thể trừng phạt Nga theo ý muốn”.
Theo David Schultz, tác giả và là giáo sư khoa học chính trị và luật tại Đại học Hamline, bang Minnesota, dưới thời chính quyền mới của Mỹ, quan hệ Washington-Moscow sẽ thay đổi.
“Có nhiều lý do giải thích cho sự thay đổi, bao gồm cả vị trí đang phát triển của cả Nga và Mỹ trong chính trị quốc tế”, ông lưu ý. "Chắc chắn những bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia, và có những dấu hiệu cho thấy nơi chúng tôi hướng tới là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".
Vòng trừng phạt mới chờ đón
Theo Thomas R. Pickering, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, luận điệu của ông Joe Biden có thể là cái cớ cho một vòng trừng phạt khác. "Chúng ta phải chờ xem", Pickering lưu ý.
Tiến sĩ Roberts tin rằng Mỹ đang muốn xây dựng hình ảnh chính phủ Nga theo hướng tiêu cực. "Washington không sử dụng ngoại giao. Họ sử dụng những lời buộc tội và đe dọa", nhà kinh tế nói và nêu quan điểm rằng trong mắt chính phủ Mỹ, không thể có quyền lực nào khác ngoài Washington, khi tất cả mọi người phải phục tùng.
Peter Kuznick, giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ, cho rằng, thay vì bắt đầu trò chơi đổ lỗi, chính quyền Biden nên bắt đầu cách tiếp cận khác đối với Nga mang tính thân thiện và xây dựng hơn.
"Ông Biden đang khai mào với vai trò là một người cứng rắn", giáo sư nói. "Có nhiều ý kiến của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa kêu gọi một chính sách quốc phòng mạnh mẽ và phản kháng cứng rắn đối với Nga và Trung Quốc. Ông Biden đang đáp lại lời kêu gọi đó, nhưng tuyên bố của ông ấy chẳng có ích gì”.
Washington đã tiến hành các biện pháp trừng phạt liên quan đến Alexei Navalny và chính quyền Biden đang hứa hẹn các hành động tiếp theo, có thể sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt hoặc mở rộng các biện pháp trừng phạt, Kuznick lưu ý.
Học giả này tin rằng chính sách trừng phạt do ba chính quyền liên tiếp của Mỹ thực hiện đã không đạt được mục tiêu đề ra, vì nó đã khiến Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn và khiến Nga trở nên tự chủ hơn .
"Và phản ứng của giới lãnh đạo Nga, phản ứng của Tổng thống Putin đối với tuyên bố của ông Biden là khá đủ khi chúc ông Biden có sức khỏe tốt", giáo sư nhấn mạnh.