Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, cổ phiếu FLC tiếp tục giảm sàn

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 4, 30/03/2022 10:17

Nhóm cổ phiếu liên quan FLC như ROS, HAI, KLF, ART giảm sàn ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 30/3, sau tin Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam.

Thị trường chứng khoán đã khép lại 2 phiên giao dịch đầu tuần với diễn biến tiêu cực khi toàn bộ chỉ số chính đều giảm điểm mạnh. Nguyên nhân do thị trường bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết - người vừa bị bắt do thao túng chứng khoán.

Ngay phiên ATO sáng 30/3, hơn 240 triệu cổ phiếu hệ thuộc hệ sinh thái FLC bị chất sàn. FLC có gần 90 triệu cổ phiếu chất sàn, ROS 77 triệu cổ phiếu, KLF hơn 6,5 triệu cổ phiếu, HAI 3,4 triệu cổ phiếu, AMD 7,3 triệu cổ phiếu, ART 3,8 triệu cổ phiếu...

Nhóm cổ phiếu nhà FLC đã có 3 phiên giảm sàn liên tiếp. 2 mã chủ lực là FLC là ROS giảm về lần lượt 11.800 đồng và 7.590 đồng. HAI đạt 5.470 đồng, KLF về còn 5.400 đồng. AMD về còn 5.760 đồng và ART còn 8.800 đồng...

Đà giảm bắt đầu từ phiên đầu tiên của tuần (28/2). Vào cuối tuần trước đó, Tập đoàn FLC bị xử phạt gần nửa tỷ đồng vì công bố thông tin không đúng quy định và thời hạn nhiều tài liệu cần phải công bố theo quy định. Ngay sau đó, trên mạng xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực cho rằng ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Dù thông tin chưa được xác thực, tâm lý lo lắng rộ lên ở các cổ đông khiến nhà đầu tư đặt lệnh bán tháo. Đến hôm qua, Bộ Công An chính thức xác nhận bắt tạm giam và khởi tố ông Trịnh Văn Quyết.

Tài chính - Ngân hàng - Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, cổ phiếu FLC tiếp tục giảm sàn

Cổ phiếu hệ sinh thái FLC giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp. (Ảnh: SSI)

Ông Quyết bị xác định đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để thao túng giá chứng khoán và bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Thời điểm ông Quyết bán chui cổ phiếu, diễn biến hệ sinh thái FLC cũng gặp tình trạng bán tháo tương tự. 

Cụ thể, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên ông Quyết bán ra cổ phiếu (10/1), cổ phiếu FLC đã lập kỷ lục về thanh khoản với hơn 135 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và thỏa thuận. Thời điểm đó, lượng cổ phiếu này cao gấp 4-5 lần trung bình những phiên giao dịch trước đó (khoảng 30 triệu đơn vị/phiên) và tương đương 19% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Ngoài ra, riêng thanh khoản cổ phiếu FLC phiên 10/1 cũng chiếm tới gần 10% thanh khoản toàn sàn HoSE.

Ngay phiên hôm sau (11/1), tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên lại ghi nhận con số kỷ lục mới: gần 155 triệu cổ phiếu, cao nhất sàn chứng khoán từ trước đến nay và cao đột biến so với mức bình quân gần 26 triệu cổ phiếu FLC/phiên trong một năm gần nhất. Như vậy, chỉ trong 2 ngày bán tháo 10-11/1, tổng khối lượng giao dịch đạt 290 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 40% vốn công ty đã được sang tay nhanh chóng.

Tuy nhiên, lần này, cổ phiếu họ nhà FLC như ROS, HAI, AMD, KLF, ART... dù cũng được cho là sẽ trải qua những phiên giao dịch khốc liệt sắp tới, thì lượng thanh khoản của cổ phiếu họ này lại không đột biến như trước mà còn thấp hơn mức bình quân. Nhà đầu tư đã cẩn trọng hơn với việc sở hữu cổ phiếu này. 

Uỷ ban Chứng khoán hôm qua cũng ra thông cáo khuyến nghị nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích, nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp khi ra quyết định đầu tư.

Tính đến 10h ngày 30/3, FLC có 101 triệu cổ phiếu đang chất sàn, ROS có 92,3 triệu, KLF có 7,3 triệu, AMD có gần 10 triệu, ART có 4,7 triệu, HAI có 5,9 triệu.

Còn VN-Index, chỉ một phút đầu tiên khi phiên ATO kết thúc, chỉ số chung giảm tới 6 điểm. Song, chứng khoán lại ghi nhận dòng tiền đổ về giúp chỉ số hồi phục. Tính đến 9h50h ngày 30/3, chứng khoán đã phục hồi và quay về mốc tham chiếu. Đến 10h, VN-Index chính thức quay về mốc 1.500 điểm, tăng hơn 3 điểm so với tham chiếu.

Tài chính - Ngân hàng - Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, cổ phiếu FLC tiếp tục giảm sàn (Hình 2).

Chứng khoán về mốc 1.500 điểm trong phiên cổ phiếu FLC bị bán tháo. (Ảnh: FireAnt)

Dự báo thị trường thời gian tới, Chứng khoán Yuanta cho rằng VN-Index có thể sẽ tiếp tục đà tăng nhẹ và biến động trong vùng giá 1.495-1.500 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục phân hóa và duy trì ở mức thấp.

Chứng khoán MB (MBS) lại cho rằng thị trường đã lấy lại những gì đã mất sau phiên giảm mạnh hôm đầu tuần khi tác động bên lề nhanh chóng qua đi. Đáng chú ý là sự trở lại của nhóm cổ phiếu nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản đã giúp thị trường hồi phục trên diện rộng bất chấp thanh khoản thị trường sụt giảm.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định VN-Index có phiên tăng điểm khá tích cực với đà tăng được mở rộng về cuối phiên hôm qua. Tín hiệu bật tăng trở lại sau khi quay xuống điểm giữa của vùng tích lũy đi ngang giúp mở ra cơ hội một lần nữa thử thách lại cận trên của mô hình tam giác cân.

Mặc dù vậy, lực cản tại vùng cản gần quanh 1.500 sẽ làm gia tăng rủi ro xuất hiện các nhịp rung lắc trong các phiên kế tiếp. Nhà đầu tư được khuyến nghị tranh thủ các nhịp hồi phục để cân bằng lại tỉ trọng nắm giữ ở mức trung bình thấp. Việc gia tăng trở lại một phần tỉ trọng cho các vị thế trading chỉ nên được cân nhắc trong các nhịp điều chỉnh về quanh hỗ trợ của các mã mục tiêu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.