Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, nhìn lại hệ sinh thái FLC

Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, nhìn lại hệ sinh thái FLC

Lê Tuấn

Lê Tuấn

Thứ 4, 30/03/2022 16:47

Ông Trịnh Văn Quyết khởi nghiệp từ một công ty luật, sau đó lấn sân sang bất động sản và du lịch, ngành nghề mới nhất vài năm gần đây là nông nghiệp và hàng không.

Trước khi vướng vào vòng lao lý, ông Trịnh Văn Quyết đã đưa FLC trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản du lịch lớn nhất thị trường trong nước; xây dựng nhiều dự án nông nghiệp; đồng thời là chủ sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways...

Làm giàu từ bất động sản

Ông Trịnh Văn Quyết, 47 tuổi, khởi nghiệp với nghề luật sư khi cùng các cộng sự mở văn phòng luật SMiC năm 2001, với số vốn ban đầu là 18 tỷ đồng. Năm 2008, ông lập một loạt doanh nghiệp như Công ty TNHH Đầu tư Trường Phú (đổi tên là Công ty Cổ phần FLC từ tháng 1/2010), Công ty TNHH SG Invest và đặc biệt là Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Ninh Bắc (tiền thân của Công ty Cổ phần FLC Land). Thương hiệu FLC được hình thành đầu năm 2010 dựa trên việc hợp nhất các doanh nghiệp trên.

Tháng 10/2011, cổ phiếu FLC chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán là FLC. Đến ngày 22/11/2010, Công ty Cổ phần FLC chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 170 tỷ đồng. 

Tập đoàn này ngày càng lớn mạnh và được biết đến là chủ hàng trăm dự án bất động sản nổi bật trải dài từ Bắc đến Nam. Trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam, FLC vẫn liên tiếp công bố kế hoạch đầu tư vào loạt dự án mới và nghiên cứu đầu tư, xúc tiến pháp lý cho gần 300 dự án.

Hồ sơ doanh nghiệp - Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, nhìn lại hệ sinh thái FLC

Dự án khu quần thể nghỉ dưỡng FLC Samson Beach & Golf Resort với quy mô 200 ha của FLC. (Ảnh: FLC)

Chỉ riêng năm 2022, FLC muốn xúc tiến các thủ tục pháp lý để triển khai, ra mắt chính thức khoảng 25 dự án mới trong các lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và đô thị phức hợp tại Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… Tập đoàn này liên tục công bố các thông tin về việc mở rộng quỹ đất từ Bắc tới Nam, xây dựng các dự án có quy mô lớn.

Thậm chí, có dự án của FLC đề xuất ghi nhận tổng mức đầu tư lên tới 80.000 tỷ đồng. Theo đó, FLC hồi tháng 2 đã đề xuất xây dựng Khu đô thị nghỉ dưỡng trên địa bàn Bình Chánh (Tp.HCM) có quy mô hơn 1.150 ha với điểm nhấn của dự án là tòa tháp Landmark 99 tầng, kỳ vọng trở thành công trình biểu tượng mới tại phía tây thành phố.

Không chỉ thị trường trong nước, mới đây đại diện FLC cũng đề xuất Chính phủ Lào tạo điều kiện để doanh nghiệp được nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô trong lĩnh vực nghỉ dưỡng - sân golf, hàng không, khai khoáng tại nước này...

Lấn sân nông nghiệp

Tuy nhiên, nếu chỉ nhắc đến mảng bất động sản và du lịch vẫn chưa đủ. Hệ sinh thái của FLC còn lấn sân sang mảng nông nghiệp, được biết đến nhiều với việc sáp nhập Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM theo hình thức hoán đổi cổ phần, năm 2017. Nông sản FAM được thành lập vào 22/1/2008. Công ty này có trụ sở tại Tp.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Thời điểm đó, khi nói về lý do sáp nhập một công ty kinh doanh lương thực, thực phẩm, đại diện FLC cho rằng hoạt động này nằm trong hướng đi chiến lược của FLC là tập trung triển khai các lĩnh vực giúp tận dụng tối đa các tiềm năng và cơ hội hiện có của thị trường, hỗ trợ cho các hoạt động khác của tập đoàn, cũng như đón đầu các cơ hội kinh tế mới.

FLC cũng đặt mục tiêu sản xuất và phân phối sản phẩm nông, lâm nghiệp sạch, nhưng định hướng phát triển quy mô lớn để không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước bao gồm các khu nghỉ dưỡng của FLC, mà còn xuất khẩu ra thế giới. FLC cũng triển khai đồng loạt nhiều các dự án nông sản có quy mô lớn tại các khu quần thể của FLC, bổ sung thêm nhiều quỹ đất dành riêng cho mảng nông sản.

Hồ sơ doanh nghiệp - Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, nhìn lại hệ sinh thái FLC (Hình 2).

Trang trại trồng dưa lưới của FLC FAM tại Quy Nhơn. (Ảnh: FLC FAM)

FLC thực chất đã gián tiếp góp mặt vào mảng nông nghiệp khi liên tục mua cổ phần của Nông dược HAI (mã chứng khoán: HAI) từ năm 2015. Đơn vị thành viên của Tập đoàn FLC là CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (mã chứng khoán: KLF) đã sở hữu xấp xỉ 25% vốn điều lệ HAI trước đó. FLC cũng ký kết chiến lược toàn diện với Tập đoàn YAO của Israel thành lập liên doanh FLC YAO Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Việc Tập đoàn FLC nêu định hướng mở rộng đầu tư này đã khiến thị trường bất ngờ bởi đại gia tưởng như "ngoại đạo" trong lĩnh vực nông nghiệp giờ đây lại tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông sản. Tuy nhiên, ít ai biết rằng FLC vẫn sở hữu quỹ đất nông nghiệp lớn tại những khu vực được đánh giá là có thời tiết thuận lợi để phát triển những giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Quy Nhơn, Quảng Trị, Nghệ An...

Với định hướng phát triển quy mô lớn, FLC từng đặt mục tiêu sản xuất không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước bao gồm các khu nghỉ dưỡng của FLC mà còn xuất khẩu ra thế giới. FLC cũng xác định nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực đầu tư trọng điểm.

Từ mặt đất đến bầu trời

Năm 2017, Tập đoàn FLC bất ngờ công bố nghị quyết về việc thành lập công ty con trong lĩnh vực hàng không. Theo đó, FLC thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airlines) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng và hoàn toàn do Tập đoàn nắm giữ.

Ông Trịnh Văn Quyết từng bước hiện thực hóa việc bước vào lĩnh vực hàng không với thương hiệu Bamboo Airways khi ký hợp đồng mua 24 máy bay A321NEO từ Tập đoàn Airbus (châu Âu) dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy.

Bamboo Airways nhanh chóng phát triển và thu hút thị phần hàng không nội địa với phản hồi tích cực từ khách hàng. Hãng này có nhiều đường bay thẳng chưa từng có trong lịch sử hàng không Việt Nam như Hà Nội - Rạch Giá, Tp.HCM - Điện Biên… Chưa dừng lại, Bamboo Airways liên tục mở rộng thị phần, nối dài đường bay ra quốc tế. Mới đây, hồi tháng 2 vừa rồi, doanh nghiệp này cũng chính thức khai trương đường bay thẳng thương mại thường lệ kết nối Việt Nam - CHLB Đức.

Hãng này cũng liên tục dẫn đầu về tỉ lệ đúng giờ toàn ngành hàng không Việt Nam.

Hồ sơ doanh nghiệp - Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, nhìn lại hệ sinh thái FLC (Hình 3).

Hãng Bamboo Airways liên tục dẫn đầu về tỉ lệ đúng giờ toàn ngành hàng không Việt Nam.

Vốn điều lệ của Bamboo Airways cũng tăng dần theo sự phát triển của hãng bay này. Trong năm vừa rồi, hãng này tăng vốn đến 4 lần. Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2020, hãng có vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng. Đến đầu tháng 2/2021, vốn điều lệ tăng 50%, lên 10.500 tỷ đồng. Trong tháng 4/2021, Bamboo Airways liên tiếp tăng vốn 2 lần, vào ngày 13/4 và 26/4, lần lượt lên 12.500 tỷ đồng và 16.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn điều lệ tăng thêm trong năm nay của Bamboo Airways là 11.500 tỷ đồng. Vốn điều lệ từ 16.000 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng.

Hệ sinh thái trên sàn chứng khoán

Thực tế, hệ sinh thái của Tập đoàn FLC còn lớn hơn vậy. Theo số liệu cập nhật, Tập đoàn FLC có 15 công ty con, 2 công ty liên kết do Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT, trải dài nhiều ngành nghề. Chỉ riêng hệ sinh thái của FLC đang niêm yết trên sàn chứng khoán đã đủ thấy mức độ phủ sóng của Tập đoàn này. 

Cụ thể, hệ sinh thái FLC và liên quan đến tỷ phú Trịnh Văn Quyết gồm FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS) và GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC). Đây đều là những mã được nhiều nhà đầu tư quan tâm và thường có thanh khoản cao. Thậm chí, thanh khoản cao nhất, lập kỷ lục trên sàn chứng khoán cũng thuộc về mã FLC với 155 triệu cổ phiếu sang tay, hôm 11/1, sau hôm ông Quyết bán "chui" cổ phiếu. 

Chỉ riêng hệ sinh thái này đã giúp tài sản hiện tại của ông Quyết đạt trên 4.000 tỷ đồng. Thậm chí, vào năm 2017, thời kỳ đỉnh cao của các cổ phiếu, tài sản của ông Quyết lên tới hơn 2 tỷ USD. 

Hệ sinh thái rộng lớn của FLC cũng giúp FLC thu về dòng tiền "khủng". Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, FLC đang trong giai đoạn tăng trưởng liên tục ở chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu của tập đoàn này đã tăng liên tục 10 năm (từ năm 2009 đến 2019), từ mức vài chục tỷ đồng/năm trước 2010, lên mức 15.780 tỷ đồng vào năm 2019. Đây cũng là năm FLC đạt kỷ lục doanh thu. Lợi nhuận của FLC thu về mỗi năm cũng đạt hàng trăm tỷ đồng, thậm chí năm 2019, FLC lập kỷ lục lợi nhuận với 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện và FLC nằm trong nhóm doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực. Cả ngành hàng không và du lịch bị ảnh hưởng, dẫn tới kết quả kinh doanh giảm mạnh trong 2 năm gần nhất.

FLC kinh doanh ra sao trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt?

Dù vậy, bước sang năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu là gần 27.000 tỷ đồng, với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ đồng. Con số này chưa tính thêm hàng không và đầu tư thi công - hai lĩnh vực liên quan mật thiết tới hệ sinh thái FLC. Nếu bổ sung hai mảng này, kế hoạch doanh thu của Tập đoàn FLC cho toàn bộ hệ thống sẽ là 42.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18.000 tỷ đồng; chiếm hơn 67% tổng doanh thu. Các lĩnh vực thương mại, sản xuất, du lịch và các dịch vụ khác dự tính đóng góp gần 33% doanh thu.

Trong thông cáo phát đi tối 29/3, sau thông tin ông Quyết bị tạm giam, ban lãnh đạo FLC vẫn nhấn mạnh, với khoảng 300 dự án đang được nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý trên cả nước, FLC sẽ tiếp tục hoàn thành pháp lý để triển khai hàng loạt dự án trong năm nay.

Trần Thảo - Lê Tuấn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.