Ngày 16/11, hãng dược phẩm Pfizer công bố một thỏa thuận cho phép sản xuất và bán phương pháp điều trị Covid-19 của mình với chi phí rẻ ở 95 quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình, những nơi chiếm khoảng 53 % dân số thế giới. Đó là loại thuốc viên Ritonavir hay còn gọi là PF-07321332, trong một liệu trình kết hợp với một loại thuốc kháng virus cũ hơn có tên gọi là Ritonavir.
Theo CNN, kết quả sơ bộ thử nghiệm lâm sàng loại thuốc dùng trong điều trị Covid-19 mang thương hiệu Paxlovid của Pfizer cho thấy hiệu quả có thể giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở bệnh nhân trưởng thành thuộc nhóm có nguy cơ bệnh nặng. Loại thuốc này rất cần thiết ở những nơi mà người dân ít có cơ hội tiếp cận với tiêm chủng. Loại thuốc này có thể được uống tại nhà nên sẽ dễ dàng phân phối hơn nhiều so với vắc-xin.
Theo thỏa thuận, Pfizer sẽ cấp giấy phép miễn phí bản quyền sản xuất thuốc cho Tổ chức Sáng chế Thuốc, một tổ chức phi lợi nhuận được LHQ hậu thuẫn nhằm tạo điều kiện cho người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận nhanh chóng với y tế. Pfizer sẽ chuyển giao công thức cho các nhà sản xuất để họ có thể cung cấp thuốc tới 95 quốc gia nghèo, chủ yếu ở châu Phi và châu Á.
Theo ông Charles Gore, Giám đốc điều hành Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc: “Điều này thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Bởi nó dễ thực hiện, chỉ trong vòng khoảng 5 ngày với chi phí rẻ”.
Thỏa thuận này tương tự động thái trước đó của hãng dược phẩm Merck. Vào ngày 10/11, hãng dược phẩm Merck của Đức đã cam kết đảm bảo phân phối công bằng thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 cho các nước giàu cũng như nước nghèo, nhằm giảm những bất cập trong chuỗi cung ứng vắc-xin toàn cầu hiện nay. Theo ông James Love, nhà điều hành tổ chức phi lợi nhuận Knowledge Ecology International, “Việc có giấy phép sản xuất hai loại thuốc này ở bất kỳ đâu là một sự thay đổi lớn so với sự hạn chế trong việc cấp phép sản xuất vaccine hiện nay”.
Tuy nhiên, sự chuyển giao này làm dấy lên những lo ngại về việc liệu thỏa thuận có đảm bảo cung cấp đủ cho các nước đang thiếu vắc-xin hay không.
Tương tự động thái của Merck trước đó, thỏa thuận của Pfizer lần này đã loại trừ một số quốc gia nghèo chịu thiệt hại nặng bởi đại dịch, trong đó có Brazil, một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới.
Một số nước như Cuba, Iraq, Libya và Jamaica phải mua thuốc trực tiếp từ Pfizer với giá có thể cao hơn so với mức các quốc gia khác được cam kết trong thỏa thuận. Trung Quốc và Nga - những quốc gia có thu nhập trung bình - bị loại khỏi cả hai thỏa thuận của Pfizer và Mẻck.
Pfizer cho biết hãng này dự kiến sẽ sản xuất 180.000 liệu trình thuốc điều trị Covid-19 vào cuối năm nay và ít nhất 50 triệu liệu trình đến cuối năm sau, bao gồm 21 triệu liệu trình trong nửa đầu năm 2022. Hãng dược phẩm cũng thông báo sẽ tính giá mua thuốc ở các nước nghèo thấp hơn so với các quốc gia giàu có khác.
Phạm Thu Thanh (theo New York Times, CNN)