6h ngày 21/9, Hà Nội kết thúc 60 ngày giãn cách xã hội khi cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Kết quả này là nhờ thực hiện đồng loạt các biện pháp chống dịch cao nhất, từ việc tập trung tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhiều chiến lược giãn cách, khoanh vùng, cách ly phù hợp.
Trong 15 ngày tới, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 và mức cao hơn tuỳ vào tình hình thực tế.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc Hà Nội bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 là cần thiết. “Đây là điều kiện để thành phố dần quay trở lại cuộc sống bình thường trong trạng thái mới”, ông nói.
Nhận định tình hình tại Hà Nội, ông Nga đánh giá dịch cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn còn nguy cơ khi sự lây nhiễm có thể vẫn còn âm thầm trong cộng đồng. Cùng với đó, còn rất nhiều người chưa được tiêm vắc-xin như trẻ em, một số người già có bệnh nền,…
“Vì vậy, dù người dân đã được tiêm 1 mũi hay 2 mũi thì cũng nên tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch đã được quy định. Bởi ngay cả khi được tiêm đủ liều, cũng không thể bảo vệ bản thân 100%”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Theo nhận định của nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc đưa cả nước về trạng thái “zero Covid” rất khó, chỉ có thể đạt được ở những địa phương chưa có dịch như Cao Bằng, các huyện miền núi. Còn tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao, sự lây lan chỉ giảm dần.
“Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, nghiêm túc thực hiện theo quy định 5K của Bộ Y tế, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, giãn cách và đeo khẩu trang ở những nơi công động, nơi có mật độ dân tập trung cao, đi lại đông, lao động sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu, những nơi xếp hàng mua sắm... vì đó đều là những nơi có thể bùng, phát dịch”, ông nói.
Ông cũng nhìn nhận, sau khi Hà Nội bắt đầu nới lỏng, cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng đến người dân tránh tâm lý buông xuôi, chủ quan. Đồng thời cũng giám sát chặt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm phòng, chống dịch tại những nơi công cộng.
Liên quan đến vấn đề khoanh vùng, truy vết khi có dịch, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, ngành y tế cần thay đổi nhận thức giữa điểm dịch và vùng dịch.
Theo đó, những nơi phát hiện dịch nên được coi là “điểm dịch” thay vì “vùng dịch” như trước đây, để từ đó tiến hành khoanh vùng theo diện hẹp dập dịch nhanh chóng, ít ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh, để từ đó chấm dứt tình trạng phong tỏa tràn lan, gây ảnh hưởng đến khu vực khác.
Tại phiên họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội chiều 20/9, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, đối với dịch bệnh thì “không thể nói trước điều gì” và hiện tại thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Cụ thể, vẫn còn F0 ngoài cộng đồng dù đã tầm soát diện rộng và chúng ta phải xác định sống chủ động, sống an toàn với Covid-19.
Song, dựa trên cơ sở các thành tựu đã đạt được sau 4 đợt giãn cách, Thành phố quyết định trong giai đoạn tới sẽ nới lỏng một số hoạt động, tạo điều kiện cho người dân sản xuất kinh doanh, phát triển phục hồi trở lại.
“Tuy nhiên, các hoạt động được nới lỏng vẫn dựa trên tinh thần phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, đảm bảo thành quả đã đạt được sau 60 ngày giãn cách xã hội”, ông Phong nói và nhấn mạnh việc bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết.
Theo Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Hà Nội còn nguy cơ rất cao là bị lây bệnh từ bên ngoài. Bởi lẽ, dịch bệnh vẫn có trên cả nước và các tỉnh thành liên quan. Trong khi đó, Hà Nội là huyết mạch của giao thông, văn hóa, kinh tế, chính trị. Ông Phong cho rằng, về tinh thần, tư tưởng trong cả hệ thống của thành phố cũng như người dân đang giống như lò xo bị nén.
“Khi mở ra một chút sẽ quá đà. Vì vậy để đảm bảo bền vững thành quả cần nhiều yếu tố trong đó có ý thức chấp hành các quy định phòng, chống dịch của người dân, nhất là việc thực hiện khai báo y tế thường xuyên”, ông Phong yêu cầu.