PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Cân nhắc giãn cách xã hội ngắn ngày

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Cân nhắc giãn cách xã hội ngắn ngày

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 10/05/2021 18:30

Trước tình hình số ca bệnh Covid-19 của nước ta liên tục tăng cao, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, cần cân nhắc giãn cách xã hội ngắn ngày.

Đợt dịch này rất nghiêm trọng

Từ ngày 27/4 đến 10/5, tức 14 ngày kể từ khi tái xuất hiện đợt dịch thứ 4, đến nay dịch Covid-19 đã “loang” ra 25 tỉnh thành trên cả nước, có 6 địa phương áp dụng cách ly xã hội vùng dịch và nhiều nơi cũng đang thực hiện giãn cách xã hội.

Tại Hà Nội, số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, đặc biệt từ hai ổ dịch bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Trước số ca bệnh vẫn đang hàng ngày tăng, nhiều ý kiến lo ngại dịch bùng phát mạnh sẽ khó kiểm soát, đồng thời bày tỏ mong muốn chính quyền ban hành quyết định giãn cách.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật về tình hình dịch Covid-19 hiện tại, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội bày tỏ: “Đợt bùng phát dịch lần này rất nghiêm trọng, nguy hiểm hơn là dịch lây lan đến các cơ sở y tế.  Đợt dịch này chúng ta ghi nhận nhiều ổ dịch, nhiều nguồn lây nhiễm”.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng chia sẻ rằng điều khiến ông lo lắng nhất hiện nay chính là việc phong toả các bệnh viện ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, bệnh viện có số lượng người ra vào rất đông, nên việc kiểm soát lây nhiễm chéo, truy vết khó khăn.

“Bởi, bệnh viện là thành trì cuối cùng chống lại dịch bệnh, nếu thành trì bị xâm phạm thì sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ. Vấn đề mà tôi lo ngại nhất là virus lây lan đến các khoa, phòng hồi sức tích cực, dẫn đến người mắc Covid-19 có thể rơi vào tình trạng nặng, nguy cơ tử vong cao hơn”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

Sự kiện - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Cân nhắc giãn cách xã hội ngắn ngày

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng cân nhắc giãn cách xã hội ngắn ngày.

Giãn cách vật lý ngắn khoảng 3-5 ngày

Trước nhiều ý kiến cho rằng nên giãn cách xã hội như những đợt dịch trước, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng cân nhắc giãn cách xã hội ngắn ngày.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phân tích: “Tôi hy vọng giãn cách vật lý ngắn khoảng 3-5 ngày để CDC, lực lượng chức năng có thời gian truy vết, khoanh vùng dịch tễ rõ ràng. Khoanh được vùng dịch tễ thì sớm bỏ giãn cách để trở lại trạng thái bình thường mới”.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cần có kế hoạch rõ ràng khi nào cần giãn cách xã hội dựa trên các bằng chứng khoa học như: Covid-19 xâm nhập vào vị trí trọng điểm, nhiều bệnh viện, số ca mắc tăng cấp số nhân trong ngày… Không nên giao cho địa phương hoàn toàn quyết định, bởi có địa phương làm căng và kiên quyết nhưng cũng có địa phương không làm vậy, dễ gây bất an cho dân.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng nhìn nhận, chúng ta thực hiện giãn cách xã hội ngắn ngày nhưng phải thật quyết liệt. Việc giãn cách để chặn dịch, lực lượng chức năng đỡ mất sức hơn trong công tác truy vết, giảm nguy cơ mất dấu F0, người dân dù khó khăn, vất vả trong giai đoạn ngắn nhưng cũng sẽ thông cảm.

Thêm nữa, cần có tiêu chuẩn ngưng giãn cách xã hội rõ ràng, ví dụ như khi nhiều ngày số ca nhiễm không tăng, ổ dịch được khống chế, các bệnh viện an toàn thì có thể dừng giãn cách.

Sự kiện - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Cân nhắc giãn cách xã hội ngắn ngày (Hình 2).

Khi khống chế được ổ dịch, ca bệnh không tăng, bệnh viện an toàn thì có thể dừng giãn cách (Trong ảnh: Bệnh viện K Tân Triều tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân ngày 7/5. Ảnh: Hữu Thắng).

Nói thêm về các biện pháp đảm bảo an toàn trong các bệnh viện, tránh nguy cơ virus SARS-CoV-2 xâm nhập, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng: “Phải giãn cách xã hội để lực lượng chức năng y tế phục hồi sức lực. Tiếp theo, ban hành quy trình cụ thể cho các bệnh nhân nhập viện, cần được xét nghiệm virus SARS-CoV-2, bảo hiểm y tế thanh toán để các bệnh viện yên tâm tăng cường xét nghiệm sàng lọc, có quy trình cụ thể trong việc vận chuyển các bệnh nhân giữa các cơ sở y tế với nhau.

Tiếp đó, cố gắng tiêm vắc-xin đợt 2 cho các cán bộ, nhân viên y tế để lực lượng tuyến đầu yên tâm chống dịch. Đồng thời, bộ Y tế cần tăng cường nhập vắc-xin bằng mọi hình thức để làm sao số lượng vắc-xin về Việt Nam càng nhiều càng tốt”.

Nguy cơ ở đâu, khoanh vùng ở đấy

Trả lời trên báo chí về việc có nên giãn cách xã hội ở thời điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng cục Y tế Dự phòng, cố vấn trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, “không phản đối chuyện giãn cách” nhưng “còn đánh giá được nguy cơ thì chưa phải dùng từ giãn cách để tránh gây ảnh hưởng tới tâm lý người dân”.

Quyết định giãn cách theo ông Phu được thực hiện khi các địa phương không kiểm soát được yếu tố nguy cơ và dịch lây lan trong cộng đồng lớn.

 “Nguy cơ ở đâu, khoanh vùng ở đấy. Tránh phong tỏa trên diện rộng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Khi nào không kiểm soát được yếu tố nguy cơ thì phải giãn cách hoặc thấy lây lan ra cộng đồng nhiều rồi thì phải giãn cách. Điều quan trọng nhất là phải đánh giá được nguy cơ chính xác”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Thanh Lam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.