PV: Là Giám đốc bệnh viện đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương, sau hơn 1 tháng tăng cường cho Bình Dương, ông đánh giá như thế nào về năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh?
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Hiện nay, ở tầng 3 trong mô hình “tháp điều trị 3 tầng” của bộ Y tế, Bình Dương đang thiết lập thêm 1 bệnh viện hồi sức tích cực nữa đặt tại bệnh viện Quốc tế Becamex Thuận An với năng lực điều trị là 337 giường hồi sức để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện mới chỉ sử dụng được 37 giường. Tôi hy vọng thời gian gần đây, chúng ta sẽ đẩy nhanh việc lắp đặt trang thiết bị đầy đủ hơn, bổ sung thêm nhân lực để vận hành toàn bộ bệnh viện và như vậy chúng ta có tầng 3 tốt.
Ngoài ra, Bình Dương cũng đã triển khai cải tạo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Tôi hy vọng với 3 trung tâm điều trị bệnh nhân nặng là bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Quốc tế Becamex Thuận An và bệnh viện Lao – Bệnh phổi, Bình Dương sẽ đáp ứng được việc cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng.
Còn ở tầng 2, việc cung cấp oxy y tế cho các bệnh viện huyện như Dĩ An, Thuận An, Dầu Tiếng, Bàu Bàng đã được thiết lập và tới đây sẽ mở rộng thêm tới bệnh viện ở Bắc Tân Uyên. Đây là tuyến điều trị rất quan trọng vì nếu bệnh nhân có triệu chứng trở nặng được sớm điều trị tích cực thì sẽ không phải chuyển lên tầng 3 – tầng điều trị bệnh nhân nặng.
PV: Những ngày qua, số bệnh nhân mắc mới Covid-19 của Bình Dương liên tục tăng cao do tỉnh đang đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng. Dự báo số ca mắc mới tiếp tục tăng cao. Vậy, tỉnh Bình Dương đã lường hết được vấn đề này chưa và địa phương chuẩn bị mở rộng giường điều trị như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Đúng là số ca mắc mới của Bình Dương đang tăng cao. Tuy nhiên với việc áp dụng đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế thì số lượng bệnh nhân ra viện của Bình Dương những ngày qua đã lập những kỷ lục. Có ngày lên đến gần 5.000 người được ra viện. Số bệnh nhân công bố khỏi bệnh nhiều hơn số người mắc mới.
Tỉnh đang đẩy mạnh xét nghiệm nhằm phát hiện người nhiễm Covid-19 là đúng hướng. Vì vậy, việc mở rộng cơ sở điều trị là cần thiết. Chúng tôi đã tư vấn và tham mưu cho ngành y tế là gộp số khu cách ly nhỏ, đang thu dung ít lại để tăng cường nhân lực dồn cho nơi điều trị bệnh nhân ở tầng 2.
Chúng ta gom các khu cách ly lại tăng cường nhân lực, năng lực cho bệnh viện ở tầng 1 điều trị sớm người bệnh. Đóng cửa khu cách ly nhỏ và tăng cường rà soát điều trị và cho người bệnh ra viện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, trở về cách ly tại nhà.
PV: Bình Dương đã thực hiện theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ ở nhà. Theo ông, chính quyền địa phương, y tế cơ sở sẽ phải làm gì để hỗ trợ người dân?
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Thứ nhất, chúng ta phải tập huấn theo đúng quy định của bộ Y tế. Chúng ta điều trị người nhiễm Covid-19 nhẹ, không triệu chứng ở nhà nhằm 2 mục đích: không để bệnh nhân diễn biến nặng, chuyển xấu tại nhà; hạn chế sự lây nhiễm.
Chính quyền địa phương, y tế cơ sở, tổ Covid cộng đồng, chính quyền địa phương phải nắm thật chắc hướng dẫn chi tiết của bộ Y tế. Công việc này không chỉ có ngành y tế đảm trách mà phải có sự tham gia của chính quyền địa phương, các đoàn thể.
Mới đây, bộ Y tế đã tổ chức hướng dẫn tổ cấp cứu lưu động để sẵn sàng ứng cứu bệnh nhân tại nhà. Phải hạn chế tối đa tình trạng bệnh nhân chuyển nặng mà chúng ta không biết. Tôi rất mong muốn chính quyền địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong theo dõi bệnh nhân để phát hiện sớm, điều trị sớm cho người bệnh.
Người nhiễm Covid-19 đang theo dõi sức khỏe và điều trị tại nhà phải tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế. Phải nắm rõ đầu mối liên lạc của nhân viên y tế được phân công theo dõi. Luôn lắng nghe cơ thể của mình để kịp thời báo cho nhân viên y tế những diễn biến mình gặp phải.
Khi có các biểu hiện cảm cúm như đau cơ nhiều hơn, vã mồ hôi, huyết áp tụt cần phải liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hướng dẫn.
Nếu điều kiện kinh tế, nhân lực cho phép, nhân viên y tế hoặc người được phân công theo dõi người mắc Covid-19 có thể trang bị được máy đo oxy máu SPO2 ở đầu ngón tay và cho thuốc kháng viêm và chống đông để có thể sử dụng tại nhà.
Tôi luôn lưu ý người nhiễm Covid-19 điều trị ở nhà phải liên hệ chặt chẽ với nhân viên y tế.
PV: Bình Dương đã đặt mục tiêu sớm trở lại trạng thái bình thường mới ngay đầu tháng 9 này. Là người theo sát tình hình tại Bình Dương, ông có thể nói gì về mục tiêu này?
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Cách đây 1 tuần tôi có nói Bình Dương chưa lên đỉnh dịch, bệnh nhân, người nhiễm mới vẫn còn đông. Những ngày gần đây bệnh nhân được công bố khỏi bệnh đã nhiều hơn đây là một tín hiệu rất mừng, chứng tỏ chúng ta đang đi đúng hướng. Thời điểm này, tôi nghĩ Bình Dương đang ở đỉnh dịch, vì số ca nhiễm mới và số người ra viện đang đi song song.
Quyết định chống dịch thành công hay không là chúng ta đảm bảo số ca nhiễm trong cộng đồng không tăng cao nữa và phải có xu hướng giảm, lúc đó chúng ta mới nghĩ đến trạng thái bình thường mới.
Tôi rất hy vọng hết tháng 8 này chúng ta đi qua đỉnh dịch. Để đạt được mục tiêu này, tôi rất mong muốn người dân Bình Dương "ai ở đâu, ở yên đấy". Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã, đang vào cuộc rất mạnh mẽ với quyết tâm tách người nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng; phát hiện sớm, điều trị sớm đúng phác đồ và cho ra viện. Chỉ như vậy, chúng ta mới ra khỏi cuộc chiến chống Covid-19 này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông
Thanh Lam