Phải làm gì nếu lỡ tất tay vào cổ phiếu đầu cơ?

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 2, 24/01/2022 07:00

Nhà đầu tư F0 thường bị cuốn vào vòng xoáy khi thị trường tăng giá. Khi thị trường đảo chiều, cổ phiếu đầu cơ mất thanh khoản, nhiều người đã có bài học nhớ đời.

Tuần vừa qua có thể coi là "ác mộng" với nhóm cổ phiếu đầu cơ khi thị giá nhóm này lên - xuống thất thường, khi giảm sốc, mất thanh khoản rồi lại đột ngột nổi sóng, tăng trần. 

Cuộc chơi "tàu lượn" của thị trường

Tuần vừa rồi, trong 3 phiên đầu tuần từ ngày 17-19/1, VN-Index "bốc hơi" tới 58 điểm. Chỉ riêng phiên ngày 17/1, chứng khoán mất tới hơn 43 điểm do "vạ lây" sau biến cố từ sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm và Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu.

Tâm lý hoảng loạn khiến nhà đầu tư tiếp tục bán mạnh trong 2 phiên tiếp đó. Các cổ phiếu đầu cơ hầu hết đều mất thanh khoản. Lệnh call margin dồn dập đã buộc nhà đầu tư phải lựa chọn giữa nạp thêm tiền vào tài khoản hoặc bán giải chấp.

Áp lực lớn khiến cổ phiếu nóng la liệt nằm sàn, bán không ai mua dẫn đến phải bán lan sang cả cổ phiếu thuộc nhóm cơ bản tốt để giữ tỉ lệ an toàn.

Thanh khoản thị trường trong các phiên đầu tuần luôn duy trì ở mức thấp. Dòng tiền tập trung nhiều vào các cổ phiếu trong rổ VN30. Những cổ phiếu nóng "nhốt sàn" nhà đầu tư. Các mã nóng như DIG, CEO, CII, QCG, LDG, DRH đã bị chất sàn cứng hàng triệu cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu "họ F" như ROS, KLF, HAI, AMD, ART mất 20-30% thị giá. Nhóm cổ phiếu nóng này phần lớn giảm sâu dưới mốc tham chiếu.

Tài chính - Ngân hàng - Phải làm gì nếu lỡ tất tay vào cổ phiếu đầu cơ?

Nhiều cổ phiếu bất động sản nằm sàn khổi lượng lớn vào phiên ngày 18/1.

Tuy nhiên, ngay sau những phiên giảm sàn, chứng khoán đứt chuỗi giảm và tăng 3 phiên liên tiếp. VN-Index tăng gần 8 điểm trong phiên cuối tuần vừa rồi (21/1), kéo dài mạch đi lên phiên thứ 3 trên nền thanh khoản thấp, cổ phiếu đầu cơ bắt đầu "hồi phục".

Các cổ phiếu đầu cơ bắt đầu có thanh khoản trở lại. Hàng loạt mã nóng tăng hết biên độ lên giá trần như DIG, CEO, HQC, SCR, SGR, PVL, L14, HDC, SAM... trong những phiên cuối tuần. CII sau nhiều phiên đã thoát cảnh mất thanh khoản khi khớp gần 28 triệu cổ phiếu (phiên ngày 20/1). Nhóm cổ phiếu FLC Group có biến động lớn khi nhiều mã bất ngờ có thanh khoản trở lại để giúp nhiều nhà đầu tư có thể cắt lỗ sau chuỗi giảm giá dữ dội.

Có thể nói, thị trường chứng khoán trong tuần vừa rồi giống cuộc chơi "tàu lượn" với những phiên tăng mạnh và giảm sốc bất ngờ. Nhà đầu tư mua cổ phiếu nóng đã có những ngày giao dịch "nhớ đời". Không ít người "tất tay" đu đỉnh cổ phiếu nóng và phải nhìn cảnh thị giá cổ phiếu biến thành mô hình "cây thông" ngậm ngùi cắt lỗ khi có cơ hội.

Phải làm gì nếu lỡ "all-in" cổ phiếu nóng?

Theo ông Nguyễn Khoa Bảo - Trưởng phòng đầu tư Chứng khoán VPS, nếu nhà đầu tư chẳng may "đu đỉnh" cổ phiếu nóng, nên mạnh dạn cắt lỗ 30-50% danh mục để bình tĩnh trở lại. 

Ông Bảo cho rằng khi đầu tư, mục đích cơ bản nhất là thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường chỉ chỉ nghĩ về cách chọn cổ phiếu mà chưa xác định được tầm quan trọng của việc bán cổ phiếu. Bán cổ phiếu đôi khi là chốt lời, nhưng cũng có lúc là cắt lỗ.

"Khi đầu tư, những nhà đầu tư F0 thường bị cuốn vào vòng xoáy khi thị trường tăng giá, hoặc đặt kỳ vọng quá cao với mức sinh lời của một cổ phiếu. Vì thế, họ thường đặt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, tức là muốn chốt lời đúng đỉnh. Nếu bán xong mà giá cổ phiếu vẫn tăng, lòng tham thường khiến những nhà đầu tư này lao theo đà tăng giá. Nhiều trường hợp, điều này để lại những hậu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền họ" - ông cho hay. 

Ví dụ cụ thể nhất là với nhóm nhà đầu tư giữ cổ phiếu "họ F" trong tuần qua. Theo ông Bảo, sóng đầu cơ khó xác định nên không thể biết lúc nào cổ phiếu tăng trở lại. "Nếu chẳng may đu đỉnh và chịu cảnh cổ phiếu mất thanh khoản như vừa rồi, nếu có cơ hội phải cắt lỗ ngay lập tức. Nếu không thể cắt lỗ 100% bởi số tiền đầu tư quá lớn, ít nhất cũng nên cắt lỗ 30%" - ông nhấn mạnh.

Tài chính - Ngân hàng - Phải làm gì nếu lỡ tất tay vào cổ phiếu đầu cơ? (Hình 2).

VN-Index tăng lại gần 8 điểm trong phiên cuối tuần, nhà đầu tư lỡ "tất tay" cổ phiếu nóng sau nhiều phiên giảm sàn đã có thể cắt lỗ. 

Ông Bảo nói thêm, ở phương diện đầu tư, khó có trường hợp rủi ro thấp mà lợi nhuận cao. Khi nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có lãi lớn trong ngắn hạn thì phải luôn chuẩn bị sẵn tâm lý là thị trường có thể bị đảo chiều. "Tuần vừa rồi, chứng khoán đã đảo chiều khi dừng chuỗi giảm sâu và có thanh khoản trở lại. Những nhà đầu tư tất tay vào cổ phiếu nóng kịp cắt lỗ trong những phiên tăng lại chắc hẳn đã có bài học nhớ đời" - ông cho hay. Nhà đầu tư cần chủ động cắt lỗ nếu thị trường không diễn biến đúng theo tính toán ban đầu. 

Nên đặt ra quy chuẩn quản trị rủi ro riêng

Ông Bảo cho rằng diễn biến thị trường chứng khoán tuần vừa qua là bài học để mỗi người đặt ra quy chuẩn đầu tư và quản trị rủi ro của riêng của bản thân.

"Nhà đầu tư cần có một quy trình quản trị rủi ro cho riêng mình nhằm xác định, điều chỉnh và quản lý tất cả các rủi ro tiềm ẩn mà tài khoản phải đối mặt để tổn thất được giảm thiểu ở mức tối đa" - ông Bảo nói. 

Với những nhà đầu tư thích các cổ phiếu nóng, ông Bảo cho rằng không dễ gì khuyên nhà đầu tư tránh xa nhóm cổ phiếu này. Thay vào đó, ông Bảo nhận định nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, không "tất tay" cổ phiếu nóng mà phân chia để danh mục vẫn có các mã an toàn, không biến động quá lớn nếu thị trường thay đổi mạnh.

Cũng theo ông bảo, trong chứng khoán, rủi ro và lợi nhuận thường tỉ lệ thuận với nhau. "Nhà đầu tư nên đặt cho mình cụ thể một mức sinh lời kỳ vọng và bán ra khi đã đạt được mức đó" - ông Bảo cho hay. Thị trường chứng khoán luôn biến động, ngay những nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng luôn phải chuẩn bị những "kịch bản xấu".

Ông Bảo lấy ví dụ, nhà đầu tư đặt mục tiêu sẽ chốt lời khi cổ phiếu đạt tỉ suất sinh lời 30-35%, thì cũng nên đặt ra mức cắt lỗ nếu giảm quá 15%. "Khi đã đặt mục tiêu, thì chắc chắn việc bán ra phải thực hiện khi một trong hai điều kiện này xảy ra, dù đó là chốt lời hay cắt lỗ. Đôi khi, giá cổ phiếu có thể giảm tới 20-30% rồi phục hồi, nhưng cũng có trường hợp, mức giảm sẽ lớn hơn" - ông Bảo cho hay.

Ông Bảo cũng nhấn mạnh phải kiên định theo quy chuẩn đặt ra ban đầu, bởi nếu vi phạm nguyên tắc đầu tư một lần thì sẽ có lần thứ hai. "Nếu vi phạm lặp lại, việc đầu tư sẽ chuyển thành đầu cơ và chỉ còn là cảm tính" - ông Bảo nói

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.