Phải làm sao khi trẻ chậm nói vì nghỉ dịch Covid-19 kéo dài?

Phải làm sao khi trẻ chậm nói vì nghỉ dịch Covid-19 kéo dài?

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Chủ nhật, 17/04/2022 15:27

Sau thời gian nghỉ dịch Covid-19 kéo dài, trẻ mầm non chậm nói đang có chiều hướng gia tăng do “làm bạn” với thiết bị điện tử, cha mẹ ít tương tác với trẻ...

Trẻ mầm non gặp khó khăn về ngôn ngữ tăng 50%

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã gây ra những lo ngại đáng kể và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về chăm sóc trẻ em, cũng như việc học tập của trẻ, đặc biệt là với trẻ mầm non đang ở độ tuổi học nói.

Với việc gián đoạn học tập ở trường, hạn chế đi chơi, giao tiếp, thay vào đó là “làm bạn” với thiết bị điện tử quá nhiều, cha mẹ ít tương tác với trẻ khiến tình trạng trẻ mầm non chậm phát triển ngôn ngữ gia tăng ở mức đáng báo động.

Sức khỏe - Phải làm sao khi trẻ chậm nói vì nghỉ dịch Covid-19 kéo dài?

Chuyên gia tâm lý tương tác với trẻ chậm nói.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, chuyên gia tâm lý Vũ Thị Kim Thêu, hiện đang làm việc tại một Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em ở Hà Nội cho biết: “Trong số những trường hợp tới khám và xin tư vấn về rối loạn sức khỏe tâm thần thì hầu hết là trẻ gặp tình trạng chậm nói. Trong đó, độ tuổi của các bé từ 18 - 36 tháng tuổi. Thời điểm sau dịch bệnh Covid-19, lượng trẻ đến thăm khám và tư vấn về chậm nói tăng lên rất nhiều, số lượng tăng khoảng 50% so với trước kia, nhất là khi trẻ mầm non đi học trở lại. 

Theo tôi, khi trẻ được đến trường thì sự chênh lệch về ngôn ngữ so với các bạn cùng trang lứa sẽ rõ ràng hơn. Lúc ấy, giáo viên mầm non sẽ tư vấn cho gia đình đưa con đi thăm khám và phát hiện sớm tình trạng khó khăn về ngôn ngữ của trẻ”. 

Theo chuyên gia, trẻ gặp tình trạng khó khăn về ngôn ngữ thường có biểu hiện như: nói không rõ từ, khó phát âm, khó bắt chước các âm thanh, diễn đạt khó khăn hoặc nói lắp, nói nhại lời, nói ngược, nói ngọng, vốn từ của trẻ rất hạn chế… Mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ bị chậm so với cột mốc phát triển. Trẻ tới 2, 3 tuổi nhưng chỉ có thể nói được 1 hoặc 2 từ đơn, không thể nói được các câu hoàn chỉnh.  

Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỉ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục.

Trẻ chậm nói có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về bệnh lý như: vấn đề thính lực khiến trẻ không nghe thấy hoặc khả năng nghe kém, hay khuyết tật bộ máy phát âm.

Về những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói gia tăng sau thời gian nghỉ dịch Covid-19, chuyên gia tâm lý Kim Thêu phân tích yếu tố môi trường có tác động rất lớn đến trẻ.

“Do đặc thù trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch dịch bệnh, đa phần trẻ phải ở nhà, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không có sự giao lưu trò chuyện với bạn bè. Trong khi đó, thứ mà trẻ tiếp xúc nhiều hơn cả là công nghệ bao gồm: tivi, điện thoại, máy tính, ipad... Điều này, khiến trẻ chỉ tiếp nhận thông tin một chiều mà không có tương tác qua lại.

Với trẻ dưới 2 tuổi, não bộ chưa phát triển toàn diện, nếu tiếp nhận khối lượng thông tin một chiều quá lớn sẽ xử lý không kịp dẫn đến rối loạn thông tin, rối loạn ngôn ngữ”, chuyên gia tâm lý phân tích.

Sức khỏe - Phải làm sao khi trẻ chậm nói vì nghỉ dịch Covid-19 kéo dài? (Hình 2).

Từ hạn chế về ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát vận động, kiểm soát hành vi (Ảnh minh họa).

Một nguyên nhân khác được vị chuyên gia này đưa ra là do sự mất cân bằng về vận động khiến trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, trẻ phải ở nhà nhiều nên sự vận động về mặt thể chất bị hạn chế trong khi nhu cầu vận động của trẻ rất cao. Trên thực tế, thông qua vận động, trẻ có thể phát triển về mọi mặt, trong đó có cả ngôn ngữ.

Khi bị hạn chế vận động kéo theo cả ngôn ngữ và nhận thức của trẻ bị ảnh hưởng. Do yếu tố khách quan là dịch bệnh khiến trẻ không được ra ngoài giao lưu, không giải phóng được năng lượng thừa cộng thêm việc trẻ không có ngôn ngữ dẫn đến bùng nổ về mặt kiểm soát, rối loạn hành vi.

Từ hạn chế về ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát vận động, kiểm soát hành vi của trẻ bởi ngôn ngữ không có thì trẻ sẽ dùng cách phi ngôn ngữ như la hét, cáu giận... để thể hiện nhu cầu.

Bên cạnh đó, việc phụ huynh ít tương tác hay tương tác với trẻ không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc dạy trẻ học nói kém hiệu quả.

Giải pháp nào cho trẻ?

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thị Kim Thêu, việc trẻ đã được đến trường là điều kiện vô cùng thuận lợi để các con giải phóng khỏi môi trường chật hẹp sau thời gian dài nghỉ dịch Covid-19. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ đi học để có sự giao lưu với bạn bè, thầy cô và làm quen với môi trường mới ngoài môi trường gia đình.

Ngoài ra, phụ huynh cần cắt giảm các yếu tố có thể gây tác động đến trẻ đang có khó khăn về ngôn ngữ như hạn chế cho trẻ xem tivi, điện thoại, ipad...

Sức khỏe - Phải làm sao khi trẻ chậm nói vì nghỉ dịch Covid-19 kéo dài? (Hình 3).

Phụ huynh cần chủ động cải thiện kênh giao tiếp, tương tác phù hợp với trẻ.

Song song với đó là cải thiện mối quan hệ tương tác nhằm khơi gợi nhu cầu giao tiếp ở trẻ.

Trước hết, cha mẹ phải nắm bắt được sở thích, mong muốn của con để bắt đầu tạo kênh giao tiếp, tương tác phù hợp. Dựa trên lộ trình phát triển ngôn ngữ của trẻ mà cha mẹ cung cấp vốn từ phù hợp cho con bắt đầu từ việc bập bẹ nói đến học các từ đơn, từ ghép, cụm từ, câu. 

“Với trường hợp cha mẹ gặp khó khăn trong quá trình tập nói cho con như: trẻ không tập trung, thiếu hợp tác hay khó bật âm thì nên đưa trẻ đến gặp các chuyên gia để có sự tư vấn, can thiệp hỗ trợ thời gian đầu giúp việc tập nói cho trẻ hiệu quả hơn”, chuyên gia tâm lý Kim Thêu nhấn mạnh

Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong thời điểm vàng:

1.Phụ huynh tăng cường tiếp xúc, trò chuyện với trẻ: kể chuyện, hát cho con nghe và khuyến khích con lặp lại những gì được nghe, được kể.

2.Phụ huynh không nên đáp ứng ngay các nhu cầu của trẻ nên có các “bình luận” kèm theo và đệm lời giúp trẻ tăng vốn từ.

3. Khi dạy trẻ nói cần kết hợp nét mặt, cử chỉ, giọng nói uyển chuyển, sinh động nhằm thu hút sự chú ý của trẻ.

4. Tập nói cho trẻ từ từ, thời gian không nên kéo dài khiến trẻ mệt mỏi. Khi trẻ có dấu hiệu chán, mệt thì nên dừng lại.

5. Nên dạy trẻ những từ ngắn, đơn giản, dễ hiểu, củng cố nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định. 

6. Ưu tiên dạy trẻ ngôn ngữ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mục đích củng cố ngôn ngữ gắn liền với các đồ vật, hành động thường gặp.

7. Bố mẹ không nên cầu toàn. Hãy dạy trẻ nói từ ít tới nhiều, ngôn ngữ của trẻ sẽ dần trở nên hoàn thiện. 

Thu Lan

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.