Dưới chân dãy núi Himalaya, ở gần hồ Lugu thơ mộng, là nơi sinh sống của tộc người Mosuo. Nơi đây được biết đến với tên gọi "Vương quốc nữ nhi".
Đây là nơi hiếm hoi vẫn còn tồn tại chế độ mẫu hệ, mọi quyền lực và sự điều hành đều nằm trong tay của người phụ nữ. Đặc biệt, phụ nữ nơi đây có quyền lựa chọn người bạn đời theo ý muốn và đàn ông không có quyền quyết định trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái.
Chuyện "hôn nhân" có 1-0-2
Tại đây tồn tại một nét truyền thống văn hóa được gọi là zouhun (hôn nhân tự do). Khi đến tuổi trưởng thành, người phụ nữ Mosuo bắt đầu chọn bạn tình tùy ý họ. Những người đàn ông sẽ được phụ nữ mời đến nhà, nếu họ ưng ý chàng trai nào thì sẽ mời người đó ở lại qua đêm.
Căn phòng này được gọi là "phòng hoa" giống như phòng cưới. Ngày hôm sau người đàn ông sẽ phải rời đi mà không được ở lại. Cứ như vậy, cặp đôi sẽ chỉ gặp nhau vào buổi tối và không sống chung với nhau. Tất cả những đứa trẻ được sinh ra đều do người phụ nữ và gia đình của cô nuôi nấng, dạy dỗ.
Tộc người Mosuo duy trì hôn nhân tự do.
Yang Zhaxi, một nhạc công trẻ lớn lên trong gia đình Mosuo đơn thuần. Anh được mẹ, các dì và các cậu nuôi lớn. Mặc dù vậy, người cha ruột vẫn hiện diện thường xuyên trong suốt tuổi thơ của anh. Yang vẫn nhớ là ông thường đưa anh đi cùng khi đi hái nấm hay nhặt củi. Cha anh là người sống trong cùng ngôi làng và họ vẫn gắn bó tình cảm khăng khít với nhau.
Điều độc đáo của các cuộc hôn nhân ở Mosuo so với xã hội truyền thống khác đó là các mối quan hệ được phép diễn ra một cách tự nhiên, bởi người phụ nữ không lệ thuộc vào người đàn ông về mặt thu nhập.
Người dì của Zhaxi, Yang Congmu, là người chủ trong gia đình, được trao cho những chiếc chìa khoá của ngôi nhà kho, một hành động mang tính biểu tượng nhằm xác nhận bà là người chủ hộ. "Người chồng" đầu tiên của bà là một thợ mộc, họ gặp nhau khi ông tới dựng nhà cho bà.
Người phụ nữ nơi đây tự do lựa chọn bạn tình phù hợp với mình.
Mọi thứ dần thay đổi
Theo quan niệm của người dân nơi đây, "chìa khóa" để các cặp đôi duy trì mối quan hệ là tình yêu chân chính, không phải là một đám cưới linh đình với giấy tờ kết hôn hợp pháp. Trong trường hợp tình cảm phai nhạt hoặc xuất hiện những bất đồng thì mối quan hệ này có thể kết thúc bất kỳ lúc nào.
"Cuộc hôn nhân" tự do này đã gây ra nhiều tranh cãi khi một bộ phận cho rằng đó là quan niệm thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với con cái và gia đình. Mặc dù người đàn ông không đóng vai trò trụ cột trong gia đình nhưng họ vẫn là một phần không thể thiếu trong xã hội Mosuo.
Người phụ nữ Mosuo sống độc lập, không phụ thuộc tài chính vào đàn ông.
Theo truyền thống, đàn ông thường vắng mặt khỏi làng, đi rong ruổi trên các xe hàng để bán sản phẩm địa phương, kiếm thêm thu nhập. Họ cũng chịu trách nhiệm xây nhà và đánh bắt cá, giết mổ gia súc.
Ngày nay, quan niệm của người Mosuo về tình yêu và hôn nhân đang dần thay đổi do họ tiếp xúc ngày càng nhiều với thế giới bên ngoài. Lớp trẻ Mosuo ngày càng có nhiều người chọn kết hôn theo cách thức truyền thống của người Trung Quốc: Đó là họ tổ chức đám cưới và về chung một nhà sau khi đã đăng ký kết hôn.
Bản thân Yang Zhaxi đã kết hôn với một người không thuộc sắc tộc mình. Anh sống chung với vợ con và tin rằng đó là một cách sống vô cùng đơn giản, tăng thêm sự gắn bó, thân thiết giữa các thành viên trong gia đình. Đồng thời, anh cũng vẫn chịu trách nhiệm chăm sóc các cháu, con của chị gái mình.
Ngọc Linh