Phần Lan không muốn NATO triển khai vũ khí hạt nhân hoặc thiết lập các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình ngay cả khi Phần Lan đã là thành viên của liên minh này, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói với một tờ báo Ý trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 19/5, Reuters đưa tin.
Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hôm 18/5, một quyết định được thúc đẩy bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ bước đầu tiên của quá trình gia nhập.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, trong chuyến thăm đến Rome để gặp gỡ người đồng cấp Ý Mario Draghi, cho biết, bà tin rằng vấn đề có thể được giải quyết thông qua đối thoại.
Bà Marin nói với nhật báo Ý Corriere della Sera: “Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn này, điều quan trọng là phải bình tĩnh, thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả các nước thành viên khác, trả lời các câu hỏi có thể có và điều chỉnh mọi hiểu lầm”.
Bà Marin cũng cho biết, vấn đề NATO triển khai vũ khí hạt nhân hay thiết lập căn cứ ở Phần Lan không nằm trong các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Helsinki với liên minh quân sự phương Tây.
“Tôi cũng không nghĩ rằng có bất kỳ lợi ích nào trong việc triển khai vũ khí hạt nhân hoặc đặt các căn cứ của NATO ở Phần Lan”, bà Marin cho biết.
Thủ tướng Magdalena Andersson của nước láng giềng Thụy Điển, cũng như Phần Lan đang nộp đơn xin gia nhập NATO, cũng cho biết Thụy Điển không muốn các căn cứ NATO hoặc vũ khí hạt nhân được đặt lâu dài trên lãnh thổ của mình.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO từ năm 1952, đã bày tỏ phản đối kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, cáo buộc các nước Bắc Âu chứa chấp các cá nhân có liên hệ với các nhóm mà nước này coi là khủng bố.
Ankara cũng viện dẫn các lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí của 2 nước Bắc Âu đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc chiến ở Syria vào năm 2019.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö và Thủ tướng Thụy Điển Andersson dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington vào cuối ngày 19/5.
Ý ủng hộ mạnh mẽ việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO và sẵn sàng đẩy nhanh mọi thủ tục nội bộ để 2 nước gia nhập liên minh càng sớm càng tốt, Thủ tướng Draghi cho biết hôm 18/5 sau cuộc gặp với bà Marin.
Về phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong một cuộc họp báo hôm 18/5: Phản ứng của Moscow đối với quyết định gia nhập NATO của Helsinki sẽ là một "bất ngờ" và chủ yếu liên quan đến biện pháp quân sự sau khi tính tới toàn bộ các nhân tố và điều kiện cụ thể đối với việc Phần Lan trở thành thành viên của liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Khi được một phóng viên Phần Lan hỏi về các biện pháp quân sự - kỹ thuật và khung thời gian Nga dự định đưa ra phản ứng với việc Phần Lan gia nhập NATO, nữ phát ngôn viên này cho biết "đó sẽ là một bất ngờ", Hãng thông tấn Nga TASS đưa tin hôm 18/5.
Minh Đức (Theo Reuters, TASS)