Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO có tạo "trend" ở châu Âu?

Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO có tạo "trend" ở châu Âu?

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 4, 18/05/2022 16:05

Có nhiều câu hỏi được đặt ra về tác động của việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, trở thành một phần của liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.

Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào sáng ngày 18/5. Phái viên của Phần Lan và Thụy Điển đã gửi thư bày tỏ mong muốn của quốc gia Bắc Âu đối với việc gia nhập NATO cho Tổng thư ký Jens Stoltenberg tại trụ sở của liên minh ở Brussels, Bỉ.

Động thái trên đánh dấu một bước chuyển đổi lớn khỏi chính sách phi liên kết quân sự của 2 quốc gia Bắc Âu.

Những lo ngại về an ninh nảy sinh từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã làm thay đổi các tính toán của Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời khiến các quốc gia trung lập (neutral) truyền thống khác ở châu Âu phải suy xét lại về ý nghĩa thực sự của thuật ngữ đó (neutrality) đối với họ.

Ngoài ra, động thái của Helsinki và Stockholm cũng gây chia rẽ giữa các thành viên NATO, với việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối 2 nước Scandinavia gia nhập liên minh.

Thế giới - Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO có tạo 'trend' ở châu Âu?

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại Cung điện Adelcrantz, ở Stockholm, ngày 17/5/2022. Ảnh: Politico

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây tuyên bố việc NATO mở rộng sang Phần Lan và Thụy Điển không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với Nga, nhưng cảnh báo liên minh quân sự phương Tây không nên chuyển vũ khí vào lãnh thổ của 2 nước.

Có nhiều câu hỏi được đặt ra về tác động của việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành một phần của liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.

Sự mở rộng mới nhất của NATO

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được thành lập sau Thế chiến II, hiện là liên minh quân sự lớn nhất thế giới với 30 thành viên.

Nền tảng của NATO là Điều 5, trong đó quy định rằng, một cuộc tấn công vào một thành viên NATO đồng nghĩa với một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của liên minh, mang lại cho các nước nhỏ hơn sự bảo vệ và quyền tiếp cận các thiết bị quân sự.

NATO, kể từ khi thành lập vào năm 1949, đã mở rộng tới nhiều quốc gia châu Âu khác, đáng chú ý nhất là đợt mở rộng vào năm 2004 khi một loạt các nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ tham gia liên minh.

Nga vẫn khẳng định rằng, sau Chiến tranh Lạnh, NATO đã hứa sẽ không mở rộng về phía Đông sang các nước thuộc Liên Xô cũ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vì lo ngại rằng NATO sẽ mở rộng hơn nữa để tích hợp Kiev vào liên minh này.

Nhưng dường như như hy vọng của ông Putin về việc chống lại sự mở rộng hơn nữa của NATO ở châu Âu đã tan thành mây khói.

Các nước láng giềng Phần Lan và Thụy Điển từ trước đến nay vẫn theo đuổi chính sách không liên kết (non-alignment) để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga.

Tuy nhiên, dư luận ở 2 quốc gia Bắc Âu đã chuyển hướng mạnh mẽ sang ủng hộ tư cách thành viên NATO sau khi Nga tấn công quân sự Ukraine.

Một khi Phần Lan và Thụy Điển được tích hợp vào NATO, tổng số quốc gia thành viên của liên minh này sẽ là 32. Đây cũng sẽ là sự mở rộng mới nhất của NATO kể từ năm 2009, khi Albania và Croatia gia nhập.

Thế giới - Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO có tạo 'trend' ở châu Âu? (Hình 2).

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với Nga. Ảnh: Politico

Phát biểu trước một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu gồm 6 nước thuộc Liên Xô cũ gọi là CSTO, Tổng thống Putin nói rằng Moscow "không có vấn đề gì" với việc Thụy Điển hay Phần Lan xin gia nhập NATO, nhưng tất nhiên việc NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ 2 quốc gia này “chắc chắn sẽ khiến chúng tôi phải đáp trả”.

Nguyên nhân Thổ Nhĩ Kỳ phản đối

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, ông không thể cho phép Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO vì 2 quốc gia Bắc Âu đã không làm gì để chống lại các chiến binh người Kurd lưu vong mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là "những kẻ khủng bố" và đang truy nã và muốn dẫn độ.

“Không quốc gia nào (trong số 2 quốc gia này) có lập trường cởi mở, rõ ràng chống lại các tổ chức khủng bố”, ông Erdogan nói, ám chỉ rõ ràng đến các nhóm chiến binh người Kurd như Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Thụy Điển đã chào đón hàng trăm nghìn người tị nạn từ Trung Đông trong những thập kỷ gần đây, bao gồm cả người Kurd đến từ Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nhiều quan chức ngạc nhiên và nếu ông Erdogan thực hiện lời đe dọa của mình, điều này có thể ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Đó là bởi vì tất cả 30 thành viên NATO hiện tại, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, phải nhất trí mở cửa cho các ứng cử viên thì họ mới được gia nhập.

Các quan chức Thụy Điển cho biết, họ sẽ cử một phái đoàn ngoại giao tới Thủ đô Ankara để thảo luận về vấn đề này, nhưng ông Erdogan cho rằng họ đang lãng phí thời gian.

Bàn về tính trung lập

Trong khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến một số người ủng hộ trung lập ở Phần Lan và Thụy Điển chuyển hướng sang chấp nhận tư cách thành viên NATO, tình hình ở các nước trung lập khác ở châu Âu vẫn chưa có gì biến động.

Tuy nhiên, nhà sử học Samuel Kruizinga của Đại học Amsterdam (Hà Lan) nói: "Điều quan trọng của tính trung lập là: Nó có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau".

Ngoài Thụy Điển và Phần Lan, ở châu Âu còn có một số quốc gia trung lập hoặc tự xem là trung lập, gồm Thụy Sĩ, Áo, Ireland, Malta, và Síp (Cyprus).

Tính trung lập của Áo là một thành phần quan trọng trong nền dân chủ hiện đại của nước này. Để các lực lượng Đồng minh rời khỏi đất nước và Áo giành lại độc lập vào năm 1955, quốc gia này đã tuyên bố trung lập về mặt quân sự.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết đất nước của ông không có kế hoạch thay đổi tình trạng an ninh hiện tại.

Thủ tướng Ireland, Micheál Martin, đã nhấn mạnh lập trường của đất nước vào đầu năm nay: "Chúng tôi không trung lập về mặt chính trị, nhưng chúng tôi trung lập về mặt quân sự".

Cuộc xung đột ở Ukraine đã hâm nóng cuộc tranh luận về ý nghĩa trung lập của Ireland. Ireland đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và gửi viện trợ phi sát thương tới Ukraine để đáp trả sự gây hấn của Nga đối với Ukraine.

Ireland đã tham gia vào các nhóm chiến đấu của EU - một phần trong nỗ lực của khối này nhằm tăng cường sự hài hòa của quân đội các nước thành viên.

Thế giới - Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO có tạo 'trend' ở châu Âu? (Hình 3).

Các nước thành viên EU và NATO ở khu vực châu Âu. Ảnh: NPR

Ông Samue Kruizinga, người đã đóng góp cho cuốn sách “Lịch sử Cambridge về Chiến tranh Thế giới thứ nhất” bàn về tính trung lập, gợi ý rằng các thành viên EU và NATO càng giống nhau thì càng tốt để khối "thể hiện mình là một siêu cường địa chính trị".

Quốc đảo Malta nhỏ bé ở Địa Trung Hải chính thức trở nên trung lập, tuân theo chính sách "không liên kết và từ chối tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào".

Tổng thống Síp, Nicos Anastasiades, cho biết hôm 14/5 rằng "còn quá sớm" để Síp cân nhắc việc gia nhập NATO.

Trung lập không phải là một mục tiêu

Được cho là quốc gia trung lập nổi tiếng nhất ở châu Âu, Thụy Sĩ, đã đưa tính trung lập vào hiến pháp của mình và các cử tri Thụy Sĩ đã quyết định đứng ngoài Liên minh châu Âu (EU) từ nhiều thập kỷ trước.

Có rất ít khả năng Thụy Sĩ sẽ xa rời vị thế trung lập của mình. Chính phủ nước này đã yêu cầu Đức không chuyển thiết bị quân sự của Thụy Sĩ cho Ukraine.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, vị thế trung lập của Thụy Sĩ sắp phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong nhiều thập kỷ, với việc Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đang nghiêng về phía các cường quốc quân sự phương Tây để đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đang lập một báo cáo về các lựa chọn an ninh, bao gồm các cuộc tập trận quân sự chung với các nước NATO và tái nạp đầy kho đạn dược của mình, bà Paelvi Pulli, người đứng đầu chính sách an ninh của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ nói với Reuters.

Chi tiết về các lựa chọn chính sách đang được thảo luận trong Chính phủ.

Thế giới - Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO có tạo 'trend' ở châu Âu? (Hình 4).

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Charles Q. Brown Jr. (trái) và Tư lệnh Không quân Thụy Sĩ Peter Merz phát biểu trong cuộc họp báo khi ông Brown kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Căn cứ Không quân Payerne, Thụy Sĩ, ngày 15/3/2022. Ảnh: Euractiv

Trong chuyến công du tới Washington trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Viola Amherd nói, Thụy Sĩ nên hợp tác chặt chẽ hơn với liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, nhưng không tham gia, truyền thông Thụy Sĩ đưa tin.

Tính trung lập, điều đã giúp Thụy Sĩ vượt qua cả 2 cuộc Chiến tranh Thế giới trong thế kỷ 20, bản thân nó không phải là một mục tiêu mà là nhằm tăng cường an ninh của Thụy Sĩ, bà Pulli cho biết.

Các bước để vào NATO

Các quan chức NATO cho biết, thủ tục về tư cách thành viên có thể được hoàn tất "trong vài tuần".

Tuy nhiên, phần tốn nhiều thời gian nhất là việc 30 nước thành viên NATO phê chuẩn nghị định thư gia nhập của quốc gia ứng cử viên. Quá trình này đôi khi liên quan đến Nghị viện các nước thành viên hiện thời, do đó có thể mất hàng vài tháng.

Đầu tiên, Bộ trưởng hoặc Lãnh đạo Chính phủ nước ứng cử viên phải trình đơn xin gia nhập. Ngày 18/5, Thụy Điển và Phần Lan đã cùng nhau thực hiện bước này.

Tiếp theo là quá trình NATO đánh giá đơn xin gia nhập. Quá trình này được thực hiện trong cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC) gồm 30 quốc gia thành viên, có thể là ở cấp đại sứ.

NAC sẽ quyết định xem có tiếp nhận đơn xin này không và các bước phải thực hiện để đạt được tư cách thành viên.

Nếu NAC bật đèn xanh, các cuộc đàm phán gia nhập sẽ bắt đầu. Bước này có thể được hoàn thành chỉ trong một ngày.

Quốc gia ứng cử viên sau đó được yêu cầu cam kết thực hiện Điều 5 và cam kết thực hiện các nghĩa vụ chi tiêu liên quan đến ngân sách nội bộ của NATO.

Sau khi thảo luận thêm với tất cả các quốc gia thành viên, NAC đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tiếp nhận đơn xin gia nhập đó hay không.

Thế giới - Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO có tạo 'trend' ở châu Âu? (Hình 5).

Trụ sở chính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ.

Nếu Thụy Điển và Phần Lan thành công vượt qua bước này, một buổi lễ nhỏ sẽ được tổ chức, đánh dấu sự khởi đầu của quá trình phê duyệt tư cách thành viên của quốc gia ứng cử viên tại 30 nước thành viên NATO hiện thời, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Nghị định thư của quốc gia ứng cử viên sau đó được gửi tới Thủ đô các nước thành viên để phê duyệt theo quy định của 30 nước thành viên, trong đó thủ tục ở một số nước có thể cần sự thông qua của Quốc hội nước đó.

Minh Đức (Theo ABC News, Reuters, Mainichi)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.