Quốc vương Qatar vui mừng với chiến thắng của đội tuyển Ma Rốc.
Dù là ở Baghdad (Iraq) hay Casablanca (Ma Rốc), các cổ động viên bóng đá đều ăn mừng việc có một đội tuyển nói tiếng Ả Rập lần đầu tiên lọt vào tứ kết World Cup.
Đội tuyển Ma Rốc đã đánh bại Tây Ban Nha 3-0 trên chấm phạt đền, sau khi hai đội hòa 0-0 trong 120 phút thi đấu. Ở thủ đô Rabat của Ma Rốc, các cổ động viên tràn ra đường ăn mừng, khiến các con phố dẫn đến quảng trường trung tâm chật cứng người. Người hâm mộ Ma Rốc vẫy quốc kỳ từ cửa sổ và nhiều người liên tục bấm còi xe hơi ăn mừng.
"Đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác như bây giờ", Fahd Belbachir, người đang diễu hành tới quảng trường trung tâm, nói. "Chúng tôi rất tự hào".
Cổ động viên Ma Rốc ăn mừng chiến thắng lịch sử của đội tuyển.
Các lãnh đạo ở nhiều quốc gia Ả Rập cũng ca ngợi chiến thắng của Ma Rốc. "Xin chúc mừng những chú sư tử Atlas, các bạn đã khiến chúng tôi kinh ngạc. Các bạn đã một lần nữa gây bất ngờ", nữ hoàng Rania của Jordan nói.
Làn sóng ăn mừng cũng diễn ra ở Cairo (Ai Cập), Beirut (Liban), Tunis (Tunisia), Amman (Jordan) hay Ramallah - thành phố của người Palestine.
Người Ả Rập ở khắp nơi đều thể hiện sự tự hào, niềm vui mừng vượt biên giới, trái ngược với những mâu thuẫn chính trị từ lâu đã chia rẽ các quốc gia Ả Rập.
Ở bên ngoài sân vận động tại Doha, các cổ động viên Ma Rốc áp đảo số lượng cổ động viên Tây Ban Nha ít ỏi, liên tục khuấy động bầu không khí bằng các điệu nhảy và âm nhạc.
Cổ động viên Ma Rốc theo xe buýt chở các cầu thủ về khách sạn ở Doha.
Không ít cổ động viên Ma Rốc đã tới Qatar để chứng kiến trận đấu giữa đội tuyển và Tây Ban Nha. "Tôi lớn lên với những ký ức về CLB Barcelona hay Real Madrid của Tây Ban Nha. Vậy nên đánh bại TBN là một chiến thắng lớn với Ma Rốc", cổ động viên người Ma Rốc, Taha Lahrougui, 23 tuổi, nói.
Chiến thắng này càng đặc biệt hơn khi Ma Rốc từng là quốc gia thuộc địa nằm dưới quyền kiểm soát của Tây Ban Nha. Không ít người Ma Rốc sinh sống và làm việc ở Tây Ban Nha. Tuyển thủ Achraf Hakimi, người đá quả penalty quyết định cho Ma Rốc, cũng sinh ra ở Madrid, Tây Ban Nha.
Ahmed Inoubli, một cổ động viên Ả Rập có vợ là người Ma Rốc, hiện đang sống ở Doha, nói: "Không gì là không thể xảy ra". "Chúng tôi có một đội tuyển Ả Rập. Hãy nhìn các cổ động viên mà xem, không phải chỉ là đội Ma Rốc, mà là Ả Rập", Inoubli nói, theo Reuters.
Các cổ động viên Ma Rốc ăn mừng trên sân vận động ở Qatar.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani có mặt tại khán đài vận động Education City để theo dõi trận đấu. Quốc vương Tamim ra dấu hiệu chúc mừng khi đội tuyển Ma Rốc giành chiến thắng.
Giáo sĩ người Iraq Moqtada al-Sadr, tiểu vương Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum, Thủ tướng Liban Najib Mikati và Thủ tướng Libya Abdulhamid al-Dbeibah cũng đã lên tiếng chúc mừng Ma Rốc.
"Đây là chiến thắng của tất cả người Ả Rập, không chỉ Ma Rốc", Hazem al Fayez, công dân Jordan, tham gia ăn mừng ở thủ đô Amman (Jordan).
Ma Rốc là quốc gia Bắc Phi nhưng có số đông người Ả Rập sinh sống. Cộng đồng người Ả Rập đông đảo ở Ma Rốc xuất phát từ cuộc chinh phạt của các bộ lạc Hồi giáo Ả Rập trong giai đoạn thế kỷ thứ 7.
Vượt qua Ma Rốc, đội quân Ả Rập hùng mạnh còn kiểm soát Tây Ban Nha và chỉ dừng bước khi đối đầu với người châu Âu ở vùng lãnh thổ ngày nay là Pháp.
Ngoài việc lập nên kỳ tích đối với thế giới Ả Rập, Ma Rốc cũng là đội tuyển châu Phi thứ 4 lọt vào tứ kết World Cup, sau Cameroon năm 1990, Nigeria năm 1994 và Ghana năm 2010.
Đăng Nguyễn - Reuters