Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 24/3 tuyên bố ông sẽ thúc đẩy cải cách, né tránh lời kêu gọi của lãnh đạo một nghiệp đoàn về việc đình chỉ luật hưu trí mới trong bối cảnh biểu tình đã nhường chỗ cho bạo lực đường phố tồi tệ nhất ở quốc gia Tây Âu trong nhiều năm.
Đã xảy ra những cuộc đụng độ dữ dội trên khắp nước Pháp vào tối 23/3 bên cạnh các cuộc biểu tình ôn hòa vốn đã tập hợp những đám đông khổng lồ trong nhiều tuần để phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 của chính phủ Pháp.
Một đồn cảnh sát đã bị nhắm mục tiêu ở thị trấn Lorient phía Tây, lối vào chính của tòa thị chính ở thành phố Bordeaux đã bị đốt cháy, và hàng trăm vụ cháy đã được ghi nhận trên toàn quốc. Theo cơ quan chức năng Pháp, khoảng 441 cảnh sát bị thương và 475 người bị bắt giữa. Hàng chục người biểu tình cũng bị thương.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm cấp nhà nước của Vua Charles III tới Pháp, dự kiến diễn ra từ 26-29/3, đã bị hoãn lại.
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu nghiệp đoàn CFDT, Laurent Berger, đã kêu gọi ông Macron xoa dịu tình hình bằng cách tạm dừng kế hoạch cải cách trong 6 tháng và tìm kiếm sự thỏa hiệp.
Nhưng khi được hỏi về điều này sau khi dự một hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) hôm 24/3, ông Macron chỉ lặp lại những bình luận mà ông đưa ra hồi đầu tuần về việc sẵn sàng thảo luận về những thay đổi chính sách trong tương lai với các nghiệp đoàn.
“Chúng ta sẽ tiếp tục tiến về phía trước. Nước Pháp không thể dậm chân tại chỗ”, ông Macron nói. “Chúng tôi sẽ không khuất phục trước bạo lực, tôi cực lực lên án bạo lực”.
Nhà lãnh đạo Pháp cho biết thêm rằng luật hưu trí – đã được Quốc hội Pháp thông qua – sẽ tiếp tục lộ trình của nó, với bước cuối cùng là được Hội đồng Hiến pháp Pháp xem xét về tính hợp pháp của nó.
Ngày 23/3 là ngày đình công thứ 9 ở Pháp và là hành động phối hợp đầu tiên kể từ khi chính phủ của Tổng thống Macron thúc đẩy kế hoạch cải cách hưu trí thông qua Hạ viện Pháp mà không cần bỏ phiếu.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, ngày đình công chủ yếu là hòa bình – chứng kiến 119.000 người tuần hành ở Paris – đã làm gián đoạn mạng lưới giao thông, nhà máy lọc dầu và trường học. Nó cũng ảnh hưởng đến giao thông hàng không, với 30% chuyến bay bị ảnh hưởng tại sân bay Paris Orly.
Theo một phát ngôn viên của chính phủ, người biểu tình cũng đã phong tỏa một nhà máy lọc dầu lớn ở Normandy và một nhà máy khác ở Fos-sur-Mer ở phía Nam đất nước. Và trước đó trong ngày, khoảng 70 người biểu tình đã chặn nhà ga số 1 tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris, một phát ngôn viên của sân bay nói với CNN.
Trước cuộc đình công, chính quyền Pháp đã huy động 12.000 cảnh sát khắp cả nước, trong đó có 5.000 cảnh sát ở Paris.
Hôm 24/3, tại Paris và nhiều thành phố trên khắp đất nước, công cuộc dọn dẹp bắt đầu với các mảnh kính vỡ, thùng rác bị cháy thành than và bến xe buýt đổ nát sau các cuộc đụng độ dữ dội trong đêm giữa các nhóm người biểu tình cực đoan mặc áo đen và cảnh sát.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đa số cử tri Pháp phản đối tăng tuổi nghỉ hưu. Họ càng tức giận hơn trước cách chính phủ đã sử dụng để buộc cải cách được thông qua mà không cần bỏ phiếu tại quốc hội, và việc ông Macron so sánh một số cuộc biểu tình với cuộc tấn công vào Điện Capitol ở Mỹ ngày 6/1/2021.
Làn sóng biểu tình và đụng độ mới nhất đã trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với chính quyền của ông Macron kể từ cuộc biểu tình Áo vàng của tầng lớp lao động bất mãn 4 năm trước.
Các nghiệp đoàn đã kêu gọi tiếp tục hành động vào cuối tuần và tiến hành các cuộc đình công và biểu tình mới trên toàn quốc vào ngày 28/3 tới.
Minh Đức (Theo Reuters, CNN)