Các binh sĩ quân đội Pháp.
Trước làn sóng phản đối của NATO và các quốc gia châu Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp hôm 27/2 lên tiếng bảo vệ ý tưởng mà ông Macron đưa ra.
"Nói không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine không thể hiện sự yếu kém và cũng không nhằm leo thang căng thẳng", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu phát biểu trước các nghị sĩ.
Ông Lecornu nhấn mạnh ý tưởng phương Tây đưa quân đến Ukraine không nhằm kích động xung đột trực tiếp với Nga. "Điều này không có nghĩa là phương Tây gây chiến trực tiếp với Nga", ông Lecornu nói.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne nói phương Tây có thể điều quân tới Ukraine nhưng không trực tiếp tham chiến. "Sự hiện diện quân sự của phương Tây ở Ukraine nếu có sẽ không vượt qua ranh giới chiến đấu", ông Sejourne nói thêm.
Hôm 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gây tranh cãi khi tuyên bố phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine và sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn Nga đạt được mục tiêu trong xung đột.
Giới chức Pháp cho rằng, ông Macron nói như vậy vì muốn khơi dậy tranh luận về chủ đề này. Ông Macron cũng có thể muốn Pháp đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn trong nhóm các quốc gia châu Âu ủng hộ Ukraine. Nhiều quốc gia châu Âu và NATO sau đó lên tiếng khẳng định chưa hề đồng thuận về khả năng đưa quân đến Ukraine.
Hôm 27/2, Nhà Trắng cũng khẳng định Mỹ không có kế hoạch gửi binh sĩ đến Ukraine. Adrienne Watson, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thuộc Nhà Trắng, nói: "Tổng thống Joe Biden đã làm rõ rằng Mỹ sẽ không đưa quân đến Ukraine".
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nêu quan điểm tương tự. "Mỗi quốc gia đều có quyền lên tiếng vì lợi ích riêng. Nhưng Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẽ không gửi quân tham chiến ở Ukraine, NATO cũng loại bỏ khả năng đưa binh sĩ tới Ukraine chiến đấu", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói.
Ông Miller kêu gọi Quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách bổ sung cho Ukraine. "Chúng tôi nghĩ con đường đưa Ukraine tới chiến thắng bây giờ nằm ở Hạ viện", ông Miller nói thêm, theo CNN.
Đăng Nguyễn - CNN