Các nhà thiên văn học vừa công bố phát hiện mới đầy hứa hẹn về một ngoại hành tinh có kích thước gần bằng Trái Đất, nằm trong vùng có thể sinh sống được của ngôi sao chủ. Điều này đồng nghĩa với khả năng tồn tại nước lỏng trên bề mặt hành tinh, một yếu tố quan trọng cho sự sống.
Ngoại hành tinh này có tên Gliese-12b, nằm cách chúng ta khoảng 40 năm ánh sáng trong chòm sao Song Ngư. Gliese-12b quay quanh một ngôi sao lùn đỏ có nhiệt độ thấp hơn và kích thước nhỏ hơn Mặt Trời.
Ngoại hành tinh Gliese-12b có điều kiện lý tưởng cho sự sống.
Mặc dù khoảng cách giữa Gliese-12b và ngôi sao chủ khá gần, nhưng do ngôi sao này có nhiệt độ thấp nên ngoại hành tinh này vẫn nhận được lượng năng lượng vừa đủ để duy trì nước ở dạng lỏng trên bề mặt nếu có.
Các nhà khoa học chưa xác định được liệu Gliese-12b có bầu khí quyển hay không. Nếu không có, nhiệt độ bề mặt trung bình của hành tinh này ước tính khoảng 42 độ C, một mức nhiệt khá ôn hòa, tương đương với một ngày hè nóng nực ở Trái Đất, nhưng chắc chắn đủ để nước lỏng tồn tại.
Phát hiện này được thực hiện nhờ vào dữ liệu từ vệ tinh TESS của NASA và các đài quan sát khác. Gliese-12b được coi là một ứng cử viên sáng giá để nghiên cứu sâu hơn bằng kính viễn vọng không gian James Webb, nhằm tìm hiểu về thành phần và khả năng tồn tại sự sống trên hành tinh này.
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tìm kiếm các hành tinh có khả năng sinh sống được ngoài Hệ Mặt Trời, mở ra hy vọng về việc khám phá sự sống ngoài Trái Đất. Các bài báo về hành tinh mới được phát hiện đã được công bố trên The Astrophysical Journal Letters và Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Phong Nguyễn