Hình ảnh đầu tiên về hố đen nặng gấp 4 triệu lần Mặt trời nằm ở trung tâm Dải Ngân hà.
Sagittarius A*, hố đen khổng lồ nằm ở trung tâm Dải Ngân hà, được xác định là ngủ yên từ lâu, nhưng từng thức giấc vào cuối những năm 1800, một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature cho biết.
Hố đen nặng gấp 4 triệu lần Mặt trời, nằm cách Trái đất 27.000 năm ánh sáng, từng thức giấc cách đây 200 năm. Theo phát hiện mới, hố đen này thức giấc trong một năm, nuốt chửng các vật thể trong vũ trụ trước khi một lần nữa quay trở lại trạng thái ngủ đông cho đến nay.
"Hãy tưởng tượng hố đen là một con gấu quay trở lại giấc ngủ đông sau khi ngấu nghiến mọi thứ xung quanh nó”, Frederic Marin, tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Trong giai đoạn thức giấc vào cuối thế kỷ 19, hố đen "tạo ra quầng sáng bao quanh với cường độ lớn hơn ít nhất 1 triệu lần so với ngày nay", ông Marin nói. Các nhà khoa học phát hiện dấu hiệu hố đen nặng gấp 4 triệu lần Mặt trời thức giấc nhờ vào các tia X phát ra trong giai đoạn này.
"Nó giống như tiếng vang nhắc lại hoạt động từng xảy ra trong quá khứ. Điều mà chúng tôi lần đầu quan sát được", ông Marin nói thêm.
Trong khi các nhà khoa học tỏ ra phấn khích với phát hiện mới, nguyên nhân hố đen Sagittarius A* thức giấc vẫn còn là bí ẩn.
Một giả thuyết phổ biến là một ngôi sao hoặc đám mây khí có thể đã di chuyển quá gần, tình cờ đánh thức hố đen. Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng, phát hiện mới có thể hé lộ những manh mối về cơ sở khiến các hố đen thức giấc sau thời gian dài ngủ đông.
Năm ngoái, các nhà thiên văn học đã lần đầu tiên chụp ảnh hố đen Sagittarius A* nặng gấp 4 triệu lần Mặt trời. Hố đen là vùng không gian tương đối nhỏ nhưng dày đặc, nơi lực hấp dẫn có cường độ lớn đến mức không thứ gì có thể thoát ra ngoài, kể cả ánh sáng. Hình ảnh về Sagittarius A* không phải hố đen mà là vòng khí phát sáng bao quanh nó.
Đăng Nguyễn - RT