Phát triển KCN đảm bảo cho người lao động sinh sống ổn định lâu dài

Phát triển KCN đảm bảo cho người lao động sinh sống ổn định lâu dài

Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung

Thứ 3, 24/05/2022 16:45

"Cơ quan chức năng sẽ sửa đổi, giảm tối đa thủ tục, đặc biệt là thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp", đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ hậu Covid-19

Làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ trong năm 2021 cùng với các gói kích thích kinh tế và đầu tư hạ tầng tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi nhu cầu thuê đất công nghiệp gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam có 291 khu công nghiệp đang hoạt động và 104 khu công nghiệp đang được quy hoạch. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp đến từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vì vậy Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu trong khu vực nên thị trường bất độngsản công nghiệp đang được đa dạng hóa ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau.  Tuy nhiên, so với Indonesia, Malaysia và Philippines, giá đất công nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối thấp.

Phát biểu tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp năm 2022 với chủ đề “Gỡ điểm nghẽn – Đón dòng vốn mới”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: “Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương”.

Bất động sản - Phát triển KCN đảm bảo cho người lao động sinh sống ổn định lâu dài

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông.

Vị lãnh đạo nhận định, trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp song song với các yếu tố địa chính trị, Việt Nam vẫn là một điểm sáng thu hút nguồn vốn đầu tư trên toàn thế giới đổ về.

“Tính riêng 4 tháng đầu năm năm 2022, đã có 10,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh và vốn góp, vốn mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 92,5% và74,5% so với cùng kỳ. Cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 của Chính phủ”, ông Đông chia sẻ.

Đồng tình với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu Tư cho biết rất nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, dù đứng trước rất nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển nhưng với khẩu vị khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia sẽ đòi hỏi sự điều chỉnh hành lang cơ chế, chính sách liên quan của Chính phủ Việt Nam để có thể mở đường cho “đại bàng về làm tổ”.

Điểm nghẽn còn tồn đọng, Bộ chắc chắn sẽ "gỡ"

Theo các chuyên gia, hiện chúng ta vẫn còn những "điểm nghẽn" trong thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam như: tắc nghẽn kết nối hạ tầng giữa các địa phương; chi phí logistics tăng cao do thiếu kho bãi, tàu chở hàng và container; thiếu các tiêu chí cụ thể về môi trường, hình thành khu công nghiệp sinh thái.

Bên cạnh đó còn có những vướng mắc về sự chồng chéo, thiếu sự đồng nhất trong phân cấp quản lý-cấp phép phát triển bất động sản công nghiệp và đầu tư giữa Trung ương và Ban quản lý Khu công nghiệp các địa phương; thiếu chính sách khuyến khích và các đơn vị tư vấn ESG chuyên nghiệp; thiếu hụt nhân lực sau dịch…

Từ đó, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Bộ hoàn toàn chia sẻ với khó khăn của các nhà đầu tư trong các vấn đề về đất đai, về điện, về nguồn nhân lực, đặc biệt là việc giữ chân công nhân lao động ở lại làm việc lâu dài cho các doanh nghiệp.

Bất động sản - Phát triển KCN đảm bảo cho người lao động sinh sống ổn định lâu dài (Hình 2).

Ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn.

Chính vì thế hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, có thể trong quý II/2022 này Thủ tướng sẽ xem xét ban hành nghị định này. Trong phần sửa đổi, có nhiều nội dung hết sức quan trọng như về vấn đề quy hoạch, các thủ tục hành chính…

“Chúng tôi sẽ sửa đổi để giảm tối đa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đặc biệt là thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp, giảm bớt các thủ tục trùng lắp để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh nhất. Ngoài ra trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 82 chúng tôi cũng đưa vào một số quy định để khi phát triển khu công nghiệp đảm bảo phải cung cấp các dịch vụ cho người lao động sinh sống ổn định lâu dài", ông Trung nhấn mạnh.

Theo ông Trần Quốc Trung, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế cũng bổ sung thêm một số cơ chế chính sách giao thẩm quyền cho các UBND cấp tỉnh có thể ban hành thêm cơ chế nhằm thu hút đầu tư cho các khu công nghiệp sinh thái, bổ sung thêm một số cơ chế chính sách để các nhà đầu tư có thể kết nối với nhau.  Một  số chính sách ưu đãi khác như tín dụng xanh, quỹ bảo vệ môi trường  cũng được bổ sung vào Nghị định để các khu công nghiệp sinh thái có thể hướng tới.

Việt Nam có nhiều ưu thế để đón đầu sóng đầu tư

Nền kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục sau đại dịch, tình hình giải ngân vốn FDI trong Quý I/2022 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong năm 5 gần đây. Trong đó, có 78% vốn giải ngân trong Quý I/2022 được dành cho lĩnh vực sản xuất.

Bên cạnh đó, GDP cũng đang trên đà phục hồi. Việc Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN năm 2022 với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5%.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lance Li, Tổng giám đốc Công ty BW Industrial cho hay, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều triển vọng đón đầu dòng vốn mới.

“Lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng khởi sắc, thị trường lao động trên đà phục hồi do tỉ lệ tiêm chủng Covid-19 cao. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút các doanh nghiệp FDI lớn. Có thể kể đến những thương hiệu nổi tiếng như: LG, Samsung, Nike, LEGO, Pandora…”, ông Lance Li nói.

Bất động sản - Phát triển KCN đảm bảo cho người lao động sinh sống ổn định lâu dài (Hình 3).

Ông Pao Jirakulpattana, Phó chủ tịch Warburg Pincus, Singapore.

Chia sẻ về sự dịch chuyển của dòng vốn, ông Pao Jirakulpattana, Phó chủ tịch Warburg Pincus, Singapore cho rằng, dòng vốn đang quay lại Trung Quốc, đây là một thị trường rất lớn. Nhưng khi đặt trong một bối cảnh đầu tư lớn hơn, đặc biệt khi trên thế giới đang có những căng thẳng thì khu vực ASEAN sẽ là khu vực tốt để thu hút các nhà đầu tư, các nhà đầu tư mới muốn khám phá. Trong đó, Việt Nam chính là một điểm đến lý tưởng. 

"Tôi mới đến Việt Nam nhưng thấy mức độ tăng trưởng của thị trường rất tốt, với định vị như vậy thì đây là nơi rất tốt để thu hút vốn của nhà đầu tư", ông Warburg Pincus chia sẻ.

Tuy nhiên, để có thể tiếp tục thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đa quốc gia đến với Việt Nam, theo ông Pao Jirakulpattana thì chúng ta cần xác định rõ những ngành ưu tiên phát triển tại từng khu vực. Về dài hạn, nên tiếp tục phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, duy trì định hướng trong tương lai để thu hút đầu tư.

"Việt Nam thường có kế hoạch phát triển trong 5 năm, 10 năm, 15 năm… nên mọi thứ đều có lộ trình rõ ràng. Do vậy, các nhà đầu tư có thể căn cứ vào kế hoạch phát triển này để lập kế hoạch cho mình. Tuy nhiên, điểm nghẽn trên thị trường vẫn còn và sẽ cần thêm thời gian để tháo gỡ", ông Pao Jirakulpattana chia sẻ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.