3 giờ phẫu thuật cứu bệnh nhân
Ngày 11/8, thông tin từ Bs.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc trung tâm Tim mạch bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim vừa phẫu thuật cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân lớn tuổi bị khối u nhầy nhĩ trái lớn lấp van hai lá kèm nhiều bệnh lý nội khoa nghiêm trọng.
Bệnh nhân nữ H.T.Đ, sinh năm 1953, ngụ tỉnh Vĩnh Long được tuyến trước chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhập viện cấp cứu vào lúc 0h20 ngày 3/8 trong tình trạng khó thở phải ngồi, đau ngực trái, tụt huyết áp.
Kết quả siêu âm tim cấp cứu: Khối u nhầy nhĩ trái dọa vỡ cực dưới, di động gây lấp và cản trở dòng máu qua van hai lá; hở van hai lá mức độ nặng do giãn vòng van hai lá, hở van ba lá mức độ nặng, dãn nhĩ trái, dãn buồng tim phải.
Bệnh nhân được chẩn đoán, khối u nhầy nhĩ trái gây lấp van hai lá, hở van ba lá nặng; phù phổi cấp, suy tim độ IV kèm theo nhiều bệnh lý nội khoa như: Đái tháo đường type 2, rối loạn đông máu.
Tiến hành hội chẩn chuyên khoa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy u nhầy nhĩ trái kèm sửa van hai lá và van ba lá. Bệnh nhân được chuyển thẳng đến phòng mổ sau khi làm xét nghiệm tầm soát Covid-19 và chụp cấp cứu khảo sát hệ thống động mạch vành.
Suốt 3 giờ phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ nhanh chóng lấy trọn u kèm cuống, sửa van hai lá bằng vòng cứng, tái tạo vách liên nhĩ bằng màng ngoài tim, sửa van ba lá Devega.
Hiện, bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đi lại được. Dự kiến xuất viện vào ngày 12/8.
Bác sĩ khuyến cáo
U nhầy (Myxoma) là u nguyên phát thường gặp nhất ở tim. U nhầy thường là loại u lành tính. Tuy là u lành tính nhưng hậu quả gây ra về mặt huyết động học thường rất nặng, cần phải điều trị ngay, nếu chậm trễ có thể gây tử vong.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất và phải mổ càng sớm càng tốt ngay sau khi có chẩn đoán.
Theo các khuyến cáo, bệnh u ở tim là bệnh lý không thể dự phòng, bệnh ghi nhận ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Vì thế khi có biểu hiện đau ngực, nhịp tim nhanh biểu hiện bằng đánh trống ngực, khó thở, mệt mỏi và đặc biệt ngất khi thay đổi tư thế, người bệnh cần được kiểm tra tại cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để có thể phát hiện bệnh sớm.
Bệnh có tỷ lệ tái phát dù đã được phẫu thuật, vì vậy người bệnh nên tuân thủ tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo Bs.CK2 Phạm Thanh Phong, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc triển khai nhanh chóng phẫu thuật tim cấp cứu có ý nghĩa quan trọng. Không chỉ giải quyết kịp thời, hiệu quả cho người bệnh mà còn giảm tải cho các bệnh viện tại TP.HCM.
Điều trị hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng tại ĐBSCL
Bs.CK2 Phạm Thanh Phong cho biết, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai khu điều trị hồi sức các trường hợp Covid-19 nặng khu vực ĐBSCL, song song với nhiệm vụ đảm bảo điều trị cấp cứu các bệnh lý khác kể cả các trường hợp cấp cứu kỹ thuật cao (mổ tim cấp cứu, can thiệp mạch vành cấp cứu, mạch não,… ) từ các tuyến chuyển đến. Đặc biệt, bệnh viện đã thực hiện tốt vấn đề an toàn bệnh viện trong phòng chống dịch.
Dự kiến trong 3 ngày tới, một trung tâm hồi sức kỹ thuật cao (ICU) lớn nhất miền Tây đang được hoàn thiện tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và sẽ đưa vào hoạt động để tiếp nhận điều trị những ca nhiễm Covid-19 nguy kịch ở cả khu vực ĐBSCL. Đây là một trong 12 trung tâm hồi sức tích cực Quốc gia được bộ Y tế thành lập trên cả nước.
Hiện, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng cần phải can thiệp các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu. Đặc biệt đã thực hiện thành công 2 trường hợp ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nặng.
Thanh Lâm