Trước đó, 17h30 ngày 6/9, Khoa Cấp cứu bệnh viện Đa Khoa Gia Đình tiếp nhận bệnh nhân N.H.B, 81 tuổi là F1, trong tình trạng bệnh lơ mơ, kích thích, đáp ứng chậm, bụng chướng căng, gõ vang, đau tức nhiều.
Các cận lâm sàng nhanh chóng được thực hiện, hội chẩn diễn ra chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột. Phẫu thuật cấp cứu đã được thực hiện ngay trong đêm để cứu sống bệnh nhân.
Cụ N.H.B là F1 thuộc đối tượng cách ly, có tiền sử rối loạn tâm thần kinh đang điều trị, không đi đại tiện được đã 7 ngày. 2 ngày trước cụ mệt nhiều, bụng chướng căng, gia đình đã liên hệ để hết thời gian cách ly cụ được chuyển đến Bệnh viện Gia Đình điều trị.
Ghi nhận tại Khoa Cấp cứu ở thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân lơ mơ, kích thích, đáp ứng chậm, buồn nôn nhưng không nôn được, bụng chướng căng, chưa đại tiện, bụng gõ vang, đau tức nhiều.
Qua xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu bệnh nhân tăng đến hơn 20 nghìn so với bình thường, siêu âm bụng kết hợp CT scan phát hiện khung đại tràng giãn lớn tận trực tràng, chứa đầy phân và hơi.
Hội chẩn diễn ra trong tình huống khẩn cấp, khi bệnh nhân đã lớn tuổi, rối loạn tâm thần kinh và nghiêm trọng hơn là tắc ruột biến chứng sốc nhiễm trùng, rối loạn điện giải, suy kiệt đe dọa đến tính mạng.
Trong hoàn cảnh tất cả những thành viên trong gia đình bệnh nhân đều đang cách ly vì thuộc diện F1, ThS.BS Nguyễn Hoàng, Phó khoa Ngoại Bệnh viện Gia Đình sau cuộc hội chẩn cấp cứu với Trưởng khoa, PGĐ Chuyên môn, Ban Phòng chống dịch, bác sỹ gây mê và hồi sức tích cực đã trực tiếp liên hệ với người nhà qua điện thoại, giải thích tình trạng bệnh và được sự đồng thuận từ gia đình, ekip quyết định phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm để cứu sống bệnh nhân.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 1 giờ 30 phút. Cụ N.H.B được mở đại tràng sigma tháo phân và đặt hậu môn nhân tạo.
Sau phẫu thuật, cụ nằm phòng hồi sức tích cực trong thời gian 2 ngày. Vì người thân không thể ở bên cạnh chăm sóc, cụ được thực hiện chế độ chăm sóc toàn diện.
Ngoài bác sỹ theo dõi điều trị, toàn bộ ăn uống, vệ sinh cá nhân, tập vận động, xoa bóp cho cụ đều do điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật viên phụ trách.
Ngày thứ ba sau phẫu thuật, cụ đã có thể tự thở, không cần máy hỗ trợ và uống được dung dịch. Sau 5 ngày nuôi dưỡng tĩnh mạch và sử dụng các thuốc điều trị tích cực, cùng với chế độ chăm sóc toàn diện, cụ đã ăn được cháo, nói chuyện linh hoạt và gọi video gặp người thân qua điện thoại.
Mặc dù tình trạng sức khỏe đã ổn định, nhưng theo nguyện vọng của gia đình, cụ sẽ vẫn tiếp tục theo dõi tại bệnh viện để được chăm sóc cho đến khi người thân cách ly trở về.