Ngày 29/9, Bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM (cơ sở 2) cho biết, vừa phẫu thuật thành công cho một nam bệnh nhân bị khối u lớn tuyến giáp. Nam bệnh nhân là anh Nguyễn Phúc Thành, SN 1971, quê tỉnh Bến Tre.
Theo người nhà bệnh nhân, anh Thành bị u tuyến giáp khoảng 20 năm. Thời gian đầu vị trí ở cổ bệnh nhân xuất hiện một khối u nhỏ bằng ngón tay cái, thời gian sau khối u to bằng quả trứng gà. Gia đình cứ nghĩ là bị bệnh bướu cổ như thường gặp nên đưa anh Thành đi khám tại bệnh viện địa phương và được chẩn đoán bị u tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật nhưng do gia đình khó khăn, lại lo sợ chuyện không may xảy ra nên chưa phẫu thuật.
Thời gian gần đây, khối u phát triển quá nhanh khiến bệnh nhân Thành có các triệu chứng như khó thở, ăn uống khó nuốt, suy giảm sức khỏe. Lo anh Thành có biến chứng nặng, gia đình đưa anh đến Bệnh Viện Đại học Y Dược Tp.HCM (cơ sở 2) khám và được chỉ định mổ gấp.
Sáng 27/9, ê-kíp mổ do bác sĩ Nguyễn Khánh Quang, chuyên Khoa Lồng ngực - Mạch máu - Bướu cổ làm trưởng ca tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u ở cổ cho anh Thành.
Sau gần 3 giờ đồng hồ, ê-kíp mổ đã bóc tách thành công khối u có kích thước 20cm nặng gần 700gr cho bệnh nhân mà không cần mở ngực, bảo tồn được thần kinh quặt ngược và tuyến cận giáp, không làm tổn thương các cơ quan lân cận và không gặp biến chứng trong quá trình phẫu thuật.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Khánh Quang cho biết, đây là trường hợp đặc biệt, bướu tuyến giáp phát triển ngày càng to dần gây biến dạng vùng cổ kèm một phần thòng xuống trung nhất, chèn ép khí quản gây khó khăn trong việc đặt nội khí quản gây mê, khói u quá lớn làm ảnh hưởng các cấu trúc giải phẩu kế cận và tình trạng tăng sinh mạch máu của khối u làm tăng nguy cơ chạy máu trong phẩu thuật.
“Phẫu thuật cắt tuyến giáp không phải là một phẫu thuật phức tạp, tuy nhiên khi khối u bướu với kích thước quá lớn khiến cho việc phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn do vùng cổ bệnh nhân có nhiều cấu trúc nằm kế cận”, bác sĩ Quang chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Quang, sau phẫu thuật khoảng 1 giờ đồng hồ, bệnh nhân Thành được rút ống nội khí quản, phát âm rõ, giảm rõ cảm giác nuốt vướng nuốt khó sau khi mổ, sau 2 ngày bệnh nhân đã được rút ống dẫn lưu, ăn uống sinh hoạt bình thường.