Philippe Troussier: Chai vang để càng lâu có càng ngon?

Nguyễn Ngọc Trung

Nguyễn Ngọc Trung

Thứ 5, 16/02/2023 15:57

Hãy bắt đầu câu chuyện về “Phù thủy trắng” Philippe Troussier không phải từ góc nhìn bóng đá…

Bóng đá Việt Nam - Philippe Troussier: Chai vang để càng lâu có càng ngon?

Chai vang của Troussier

…Bên cạnh việc là một chiến lược gia lão luyện từng có nhiều chiến tích trên nhiều lục địa khác nhau, Troussier còn là một nhà sản xuất rượu vang. Thương hiệu riêng của ông được mang tên Sol Beni, và chính sản phẩm được Troussier trao gửi rất nhiều tâm huyết này cũng nói lên rất nhiều điều về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Vào khoảng năm 2014, Troussier nhận được một điền trang rộng 1,5 ha tại vùng Saint-Émilion từ quyền thừa kế của gia đình bên vợ. Vị chiến lược gia người Pháp quyết định biến điền trang hoang vu, hẻo lánh ấy thành nơi trồng nho và sản xuất rượu vang. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo ngành thực phẩm, Troussier là một người sành sỏi ẩm thực và hiểu rõ những giá trị của việc xây dựng một thương hiệu riêng. Vậy là hãng rượu vang Sol Beni ra đời.

Tại sao Troussier lại chọn cái tên “Sol Beni”? Đó là tên trung tâm đào tạo của CLB ASEC Mimosas ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, nơi Troussier nhận công việc đầu tiên sau khi rời nước Pháp. Sol Beni là nơi đã sản sinh ra rất nhiều những ngôi sao của bóng đá Bờ Biển Ngà như anh em nhà Toure hay Gervinho. Nói cách khác, khi đặt bước chân đầu tiên vào một ngành hoàn toàn mới, Troussier đã lựa chọn cho mình cái tên thương hiệu gợi nhắc đến điểm bắt đầu của một hành trình kỳ lạ đã đưa ông đến những quốc gia rất xa quê hương của mình. Nhưng đó không chỉ là điểm “giao thoa” duy nhất giữa trái bóng và rượu vang của Troussier. Sol Beni được phân phối chủ yếu tại Nhật Bản, với nắp chai màu xanh lam gợi nhắc đến chiếc áo đấu của đội tuyển quốc gia xứ mặt trời mọc. Nhật Bản là cửa ngõ đưa Troussier tới với châu Á, nơi những khúc quanh số phận dẫn ông đến với Việt Nam sau này. Chưa hết, trên chai rượu vang Sol Beni chúng ta còn tìm thấy công thức 3-4-3, sơ đồ chiến thuật đã gắn bó với Troussier trong suốt những năm tháng đỉnh cao của sự nghiệp. Một gợi mở cho những gì ông sẽ làm với đội tuyển Việt Nam khi chính thức ngồi vào chiếc ghế nóng mà thầy Park để lại?

Giờ thì hãy quay trở lại với bóng đá. Sinh năm 1955 và lớn lên ở Paris, Troussier đến nay vẫn nhớ rất rõ lần đầu tiên tiếp xúc với môn thể thao vua: “Tôi tình cờ thấy một đôi giày bóng đá cũ trong nhà để xe khi mới 8 tuổi. Tôi lấy chúng và đi vào. Chúng quá to đối với tôi, nhưng tôi nhớ mình đã có cảm giác như “Chú mèo đi hia”. Tôi có cảm tưởng rằng chúng đã cho tôi một sức mạnh kỳ lạ cho phép tôi chạy nhanh hơn và nhảy cao hơn”.  Vài năm sau, cậu thiếu niên Troussier được chứng kiến những màn trình diễn ma thuật của “Vua bóng đá” Pele tại World Cup 1970 và quyết định biến bóng đá thành cuộc đời mình.

Troussier bắt đầu sự nghiệp bóng đá của mình khi mới 19 tuổi với tư cách là cầu thủ của AS Choisy le Roi vào năm 1974. Trong những năm từ 1975 đến 1983, ông chơi cho RC Joinville, Angouleme, Redstar 93 và Rouen. Tuy nhiên sự nghiệp cầu thủ của ông phải sớm kết thúc vào năm 1983 ở tuổi 28 tại  đội bóng chuyên nghiệp cuối cùng là Stade de Reims trước khi chuyển sang công tác huấn luyện.

Troussier bắt đầu cầm quân INF Vichy ở mùa giải 1983/84. Trong mùa giải tiếp theo, ông chuyển đến câu lạc bộ nghiệp dư CS Alencon để tích lũy theem kinh nghiệm. Sau đó, ông trở lại câu lạc bộ cũ Red Star 93 một thời gian ngắn trong mùa giải 1987/88. Ông đã dẫn dắt họ đến cuối mùa giải 1988/89 và rời câu lạc bộ vào năm 1989. Những chuyến thiên di khắp thế giới của Troussier bắt đầu khi ông chuyển đến Bờ Biển Ngà vào năm 1989 để dẫn dắt ASEC Mimosas. Đó cũng là điểm bắt đầu sự nghiệp cầm quân đầy kỷ niệm ở lục địa đen của nhà cầm quân người Pháp. Ông đã từng dẫn dắt các đội tuyển quốc gia ở Nigeria, Burkina Faso và Nam Phi. Chính trong những năm này, ông đã được biệt danh là “Phù thủy trắng” vì khả năng biến những đội bóng, cầu thủ vô danh có sự tiến bộ vượt tầm.

Philippe Troussier đã trải qua 4 năm ở Bờ Biển Ngà, nơi ông huấn luyện đội tuyển quốc gia nước này vào năm 1993 và dẫn dắt câu lạc bộ hàng đầu ASEC Mimomes trong 3 năm. Đặc biệt trong ba năm ở ASEC Mimosas, ông khôn thua một trận đấu nào. Trong thời gian ở Nigeria, ông cũng đã đưa “Siêu đại bàng xanh” Nigeria, nhà vô địch Olympic Atlanta 1996, vượt qua vòng loại World Cup trước khi từ chức vì bộ trưởng thể thao nước này can thiệp quá nhiều vào công việc của anh ấy.

“Nếu ai đó can thiệp quá nhiều vào công việc của ông ấy, ông ấy sẵn sàng từ bỏ mọi thứ”, người đại diện lúc đó của Troussier, Mamadou Gaye, giải thích về quyết định của nhà cầm quân người Pháp. Điều này đã xảy ra thêm một lần nữa khi Troussier từ chức HLV trưởng Morocco vào năm 2005 chỉ sau 2 tháng cầm quân vì những mâu thuẫn với liên đoàn bóng đá nước này. Nó cho thấy tính cách rất mạnh mẽ của “Phù thủy trắng”, người luôn luôn muốn có được toàn quyền xử lý công việc của mình. Troussier có thể là một người dễ mến, điềm đạm và luôn toát ra vẻ chỉn chu về văn hóa ở bên ngoài; nhưng khi bước vào công việ, ông là một người cực kỳ quyết đoán. Troussier rất giỏi trong việc phát hiện ra những cầu thủ trẻ và đào tạo họ trở thành những ngôi sao, tuy nhiên sẽ chỉ có những người thái độ tốt được ông cất nhắc. Trong thời gian làm việc tại Nigeria, những ngôi sao của bóng đá nước ngày như Victor Ikpeba và cả Jay Jay Okocha đều từng phải cảm nhận “bàn tay sắt” của “Phù thủy trắng” khi vi phạm kỷ luật. Đó cũng là một lời cảnh tỉnh với các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam, đặc biệt là những ngôi sao trẻ.

Bóng đá Việt Nam - Philippe Troussier: Chai vang để càng lâu có càng ngon? (Hình 2).

Hành trình nâng tầm “Samurai xanh”

Rời châu Phi vào năm 1998, hành trình của “Phù thủ trắng” chuyển hướng sang châu Á. Sau World Cup 1998 mà Pháp đăng quang sau chiến thắng vang dội trước Brazil hùng mạnh, mọi con mắt hướng về đất nước hình lục lăng và Les Bleus. Trên trường quốc tế, danh tiếng của những chiến lược gia người Pháp cũng được nâng lên đáng kể. Từ châu Á, Nhật Bản đặt mục tiêu có một nhà cầm quân người Pháp cho đội tuyển quốc gia và kinh nghiệm huấn luyện các đội tuyển ở Châu Phi của Troussier đưa ông lên đầu danh sách ứng viên.

Cuộc phiêu lưu tại Nhật Bản của Troussier bắt đầu không mấy suôn sẻ. Do bất đồng về ngôn ngữ và phải sử dụng phiên dịch viên, ông đã gặp rất nhiều khó khăn để truyền tải những gì ông muốn đến các cầu thủ. Trong giải đấu lớn đầu tiên của Troussier với “Samurai Xanh”, đội bóng này bị loại từ vòng bảng Copa América 1999. Họ để thua Peru, Paraguay và chỉ có được một trận hòa với Bolivia. Màn trình diễn đáng thất vọng trong giải đấu đã gây ra phản ứng tiêu cực từ giới truyền thông Nhật Bản.

Troussier quyết định áp dụng cách tiếp cận trẻ trung hơn và nắm quyền điều hành đội U20 Nhật Bản tham gia Giải vô địch bóng đá trẻ thế giới 1999. U20 Nhật Bản đã có một chiến dịch thành công và là á quân của giải đấu. Troussier tiếp tục dẫn dắt U23 Nhật Bản dự Olympic Sidney 2000 và dẫn dắt họ đến vòng tứ kết. Phần lớn đội hình này sau đó được triệu tập tham dự Asian Cup 2000 và vô địch giải đấu. Đây là tiền đề giúp Troussier tự tin bước vào World Cup 2002, nơi Nhật Bản là đồng chủ nhà với Hàn Quốc. Dưới sự dẫn dắt của “Phù thủy trắng”, Nhật Bản đã gây ấn tượng mạnh khi lần đầu tiên vượt qua được vòng bảng trước khi bị Thổ Nhĩ Kỳ loại ở vòng 1/8.

Những gì mà Troussier đã làm với bóng đá Nhật Bản có lẽ cũng là điều mà người Việt Nam kỳ vọng ở “Phù thủy trắng”. Ngay khi đặt chân đến xứ sở mặt trời mọc, Troussier nhanh chóng nhận ra rằng các cầu thủ ở đây không thiếu kỹ năng, kỹ thuật. Chất lượng đào tạo bóng đá ở Nhật Bản cũng rất tốt thông qua hệ thống trường học và cơ sở vật chất của họ. Tuy nhiên, điều mà các cầu thủ Nhật Bản thiếu khi ấy là kinh nghiệm thi đấu ở nước ngoài. Troussier chia sẻ: “Khi bạn ra thi đấu ở nước ngoài, bạn tập luyện với một phương pháp khác, với những huấn luyện viên khác nhau. Bạn cũng thi đấu ở những giải đấu khác nhau, bạn có thể gặp nhiều vấn đề… Không may cho bóng đá Nhật Bản là họ không có nhiều các cầu thủ ra nước ngoài, vì vậy họ chưa thể phát triển”.

Sự thiếu kinh nghiệm lúc đó của “Samurai xanh” còn cộng thêm bởi thực tế khi đó là không một cựu cầu thủ nào của Nhật Bản từng thi đấu ở nước ngoài sẵn lòng truyền lại kinh nghiệm của mình trên tư cách là huấn luyện viên. “Không ai trong ban huấn luyện ở Nhật Bản lúc đó có kinh nghiệm ở nước ngoài. Họ đều đến từ các trường học. Tất nhiên họ biết bóng đá qua sách vở, họ có thể nói chuyện với bạn về bóng đá bằng kiến thức, nhưng bóng đá trình độ cao nhất là một dạng triết học. Đó là những thứ bạn không thể nhìn thấy mà chỉ có thể cảm thấy!” – Troussier phân tích.

Trong khi Troussier đánh giá cao tính tổ chức và sự cống hiến của các cầu thủ Nhật Bản, ông cũng nhận thấy rằng những phẩm chất này là điểm yếu của họ. Ông nhận thấy các cầu thủ tin rằng họ phải tập luyện đến kiệt sức để học được bất cứ điều gì. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn vì họ quá tập trung vào những gì họ đang làm đến mức họ không thể tách mình ra khỏi một tình huống và xem xét nó theo kiểu phân tích, đánh giá.

“Tôi nghĩ đó là một điểm yếu vì họ không tạo ra khoảng cách để có một điểm nhìn toàn diện với chính những gì họ đã và đang làm. Họ tham gia trận đấu với tính kỷ luật, tổ chức, họ tôn trọng mọi người, họ thực hiện hoàn hảo các tình huống. Tuy nhiên, ở cấp độ thi đấu này, ở cấp độ đào tạo này, bạn cần phải có sự tổng hợp và phân tích từ mọi cầu thủ. Tôi đã giao cho mỗi cầu thủ một chức năng chính xác trong đội. Tôi giống như người nhạc trưởng yêu cầu các nhạc sĩ của mình chơi một bản giao hưởng mà anh ấy chọn. Mỗi nhạc công đều tài năng và có một chức năng đặc biệt trong dàn nhạc. Họ phải cố gắng hết sức để chơi đúng giai điệu mà người nhạc trưởng yêu cầu” – Troussier miêu tả về công việc của ông khi dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản. Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà ông yêu cầu từ các cầu thủ của mình chính là khả năng tư duy độc lập.

Những cuộc cách mạng mà Troussier khởi phát đã tạo ra những thay đổi căn cốt cho bóng đá Nhật Bản, giúp họ tiến rất xa trong 20 năm qua. Những cầu thủ Nhật Bản dũng cảm ra nước ngoài chơi bóng ngày một nhiều hơn và dần dần có được chỗ đứng quan trọng trong các đội bóng châu Âu. Một vài người còn trở thành những ngôi sao được nể trọng như Shunshuke Nakamura, Shinji Kagawa hay bây giờ là Kaoru Mitoma hay Daichi Kamada… Ở chiều ngược lại, những cầu thủ Nhật Bản thi đấu ở nước ngoài đem trải nghiệm mà họ thu được về đội tuyển và góp phần nâng tầm sức mạnh cho “Samurai xanh”. Nhật Bản vẫn chưa thể tiến xa hơn vòng 1/8 World Cup, nhưng họ sẽ sớm làm được điều này nếu như tiếp tục con đường như hiện tại.

Đó cũng là con đường mà bóng đá Việt Nam đang hướng tới, dù còn rất xa để theo kịp Nhật Bản. Chính Troussier cũng từng thừa nhận Việt Nam không cùng đẳng cấp với Nhật Bản lúc này. “Phù thủy trắng” cho rằng khi ông đến Nhật Bản lần đầu tiên, bóng đá ở quốc gia này cũng ở trong tình trạng tương tự Việt Nam hiện tại. “Phù thủy trắng” đánh giá rất cao phẩm chất kỹ thuật của một vài cầu thủ Việt Nam và thậm chí khẳng định họ xứng đáng chơi bóng tại Ligue 1. Cũng giống như ở Nhật Bản, Troussier tin rằng cách tốt nhất để nâng tầm đội tuyển là có thêm những người ra nước ngoài chơi bóng. Kinh nghiệm và uy tín của Troussier sẽ là chất xúc tác cho những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam có thêm cơ hội thử sức mình. Đó cũng sẽ là cơ hội vươn mình cho cả một nền bóng đá. “Phù thủy trắng” đã sẵn sàng cho những thử thách mới của mình và tuổi tác có lẽ chẳng phải vấn đề với ông, chẳng phải rượu vang quý để càng lâu càng ngon sao!

Hoàng Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.