Đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được khánh thành vào tháng 5/2016, dài khoảng 1,5km từ nút giao Tôn Thất Tùng đến sông Lừ.
Để có tuyến phố "kiểu mẫu" như Lê Trọng Tấn, trước khi thông xe, UBND quận Thanh Xuân và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã cùng tính toán, đưa ra quy chuẩn thống nhất về màu sắc, kích cỡ biển, bảng quảng cáo lắp ở mặt tiền các ngôi nhà mặt phố.
Con đường được biết đến là tuyến phố "kiểu mẫu" đầu tiên của TP Hà Nội. Tuy nhiên, sau 6 năm, nhiều hạng mục như cải tạo vỉa hè, lòng đường, cây xanh... mà nổi bật là biển hiệu “đồng phục” giờ đã không còn giữ được những quy chuẩn cũ.
Đa số cửa hàng đều đã tự thay biển hiệu khác theo nhu cầu quảng cáo để thu hút khách hàng.
Một số cửa hàng vẫn giữ lại kiểu dáng và màu xanh như biển hiệu cũ, nhưng đã thay đổi phông chữ và màu chữ để thêm phần nổi bật.
Một số cửa hàng còn lắp đặt rất nhiều bóng đèn đủ màu sắc dưới biển hiệu để thu hút người đi đường.
Theo một số chủ cửa hàng trên phố Lê Trọng Tấn, biển hiệu phải gây sự chú ý với khách hàng nên cửa hàng phải thay mới, nếu cứ để theo "kiểu mẫu" thì khó nhận diện quán.
Vỉa hè bị các hộ kinh doanh chiếm dụng thành chỗ để xe và kinh doanh hàng hoá, khiến cho tuyến đường từng được xem là "kiểu mẫu" trở nên nhếch nhác.
Những biển hiệu cũ hiếm hoi còn sót lại ở một số cửa hàng.
Năm 2018, phố Đình Thôn (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) cũng thay đổi diện mạo bằng hàng cột sắt sơn đỏ gần 200 chiếc. Đây được coi là tuyến phố kiểu mẫu thứ hai do UBND phường Mỹ Đình 1 thực hiện theo đề án “Thí điểm tuyến đường văn minh đô thị". Tuy nhiên, sau khi triển khai xuất hiện nhiều bất cập ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, gây khó khăn cho việc đi lại.
Như Hoàn