Ngày 20/7, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã làm việc với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các đơn vị liên quan để kiểm tra tiến độ triển khai dự án Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh và dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông.
Nghẽn giải phóng mặt bằng
Tại buổi làm việc, Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho hay, dự án Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh là dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2025, bao gồm hai dự án thành phần với tổng mức đầu tư trên 660 tỷ đồng. Trong đó, dự án đường Nguyễn Văn Linh có tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Tự Công Hoàng kiểm tra dự án Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh:KV
Hiện nay, dự án hiện đang bị chậm tiến độ do gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Cụ thể, đến nay đơn vị mới thu hồi được 753/1.033 thửa đất cần thu hồi; 437 hộ dân đồng ý, còn lại 280 thửa đất của người dân chưa đồng ý.
Tỉnh mới phê duyệt 16 đợt bồi thường giải phóng mặt bằng với số tiền 895 tỷ đồng, trong khi 298 thửa đất còn lại có giá trị bồi thường dự kiến trên 593 tỷ đồng nhưng chưa được phê duyệt phương án và chưa xác định nguồn vốn thực hiện.
Riêng với dự án đường Nguyễn Văn Linh, trong tổng số 313 hộ có đất thuộc phạm vi thi công, chỉ có 201 hộ đồng ý phương án bồi thường, còn 112 hộ chưa đồng ý do cho rằng giá bồi thường đất, nhà thấp.
Trong khi đó, dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh QL19) chậm tiến đọ do vướng giải phóng mặt bằng và thiếu đất san lấp. Dự án có quy mô đầu tư 1.325 tỷ đồng, chiều dài 15,14km, khởi công từ tháng 12/2022 – dự kiến hoàn thành 12/2025 song đến nay đơn vị thi công mới thực hiện 55% giá trị hợp đồng.
Gỡ vướng, đôn đốc tiến độ dự án
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo, đối với dự án Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị đối với các hộ dân đã đồng ý phương án bồi thường, cần lấy nguồn từ Quỹ đất của tỉnh để tiến hành bồi thường ngay, nếu cần thiết có thể ứng từ ngân sách tỉnh.
"Công tác bồi thường cần xem xét chính sách có lợi nhất cho người dân để đạt sự đồng thuận cao nhất. Giá đất tái định cư phải phù hợp, không quá cao so với giá bồi thường ban đầu và người dân có quyền lựa chọn vị trí tái định cư phù hợp với mong muốn", ông Hoàng nhấn mạnh.

Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông mới đạt 55% giá trị hợp đồng
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu các sở, ngành và UBND các phường trên địa bàn dự án phối hợp chặt chẽ để rà soát hồ sơ, đề xuất các chính sách cần thiết và kịp thời giải quyết vướng mắc.
"Nếu cần, UBND tỉnh sẽ đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai các cơ chế đặc thù cho dự án.Ttrong năm 2025 phải thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư của Trung ương, vì đây là năm cuối của kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2022-2025", ông Hoàng cho hay.
Đối với dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho đây là dự trọng điểm kết nối liên vùng, tạo thuận lợi trong giao thông, mở ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực. Do vậy, các đơn vị liên quan đặc biệt là UBND xã Biển Hồ phải hoàn thành ngay công tác giải phóng mặt bằng đối với 0,4km dự án đi qua địa bàn xã; đồng thời Sở Nông nghiệp và Môi trường bố trí nguồn đất đắp cho dự án, đảm bảo về đích đúng tiến độ đã giao.