Phó Chủ tịch Tp. HCM trăn trở “muốn tiêu nhưng không có tiền”

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 7, 17/12/2022 17:08

Việc giải ngân đầu tư công chậm, Phó Chủ tịch Tp. HCM cho biết có hai tình trạng, một là có tiền mà tiêu không được, hai là muốn tiêu nhưng không có tiền.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 ngày 17/12, chia sẻ tại phiên thảo luận chuyên đề 3 với chủ đề "Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023", ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Đầu tư, Bộ Tài chính thừa nhận tình trạng "có tiền mà không tiêu được", đây không chỉ là trăn trở trong phạm vi phiên thảo luận mà Thủ tướng cũng đã nhiều lần quán triệt. 

Về phía Bộ Tài chính, cơ chế chính sách quản lý, thanh toán vốn đầu tư công đã được triển khai theo hướng tinh giản thủ tục tuyệt đối. Trước đây là kiểm toán trước thanh toán sau, đến nay ngược lại là thanh toán trước kiểm toán sau. Thủ tục nếu đủ hồ sơ đã giảm từ bốn ngày xuống còn một ngày. Việc thanh toán cũng được đưa lên cổng dịch vụ công, có thể ngồi tại cơ quan thanh toán thay vì hồ sơ giấy như trước đây.

"Vướng mắc lớn nhất là ở khâu tổ chức thực hiện. Chúng ta cứ nói về chính sách, nhưng vì sao cùng một cơ chế, có nhóm bộ ngành địa phương giải ngân rất tốt, nhưng lại có nhóm rất chậm. Do đó, việc quan trọng là phải gắn kế hoạch với tổ chức thực hiện", ông Đức nhấn mạnh.

Kinh tế vĩ mô - Phó Chủ tịch Tp. HCM trăn trở “muốn tiêu nhưng không có tiền”

Phiên thảo luận chuyên đề về đầu tư công trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Nói thêm về vấn đề này, ông Đức cho biết, trước đây nói rằng bộ ngành giao danh mục dự án làm ảnh hưởng đến địa phương. Nhưng hiện nay luật đã được sửa đổi theo hướng giao toàn quyền cho địa phương, bao gồm cả phân bổ và điều chỉnh kế hoạch.

"Vừa rồi Thủ tướng lập 6 đoàn công tác, chúng tôi đã đi thực tế một số địa phương. 6 tháng trời vẫn có danh mục giải ngân bằng 0. Chứng tỏ là có vấn đề", Vụ trưởng dẫn chứng.

Cũng trong khuôn khổ phiên thảo luận chuyên đề 3, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, bày tỏ bản thân rất đồng tình với trăn trở "có tiền mà không tiêu được".

Ông Hoan cho biết, kế hoạch đầu tư công của Tp.HCM trong nhiệm kỳ này được Quốc hội, Chính phủ thông qua khoảng 146.000 tỷ đồng. Song số tiền này chỉ vừa đủ giải quyết những dự án trước đây. Còn nhiệm kỳ này thành phố không có dự án nào được triển khai vì không được bố trí vốn dù ngân sách đủ đáp ứng.

Thực tế, Tp.HCM đã có bài toán phân tích và dự báo về khả năng thu của thành phố. Theo đó, trong 5 năm tới, thành phố có thể thu 119.000 tỷ đồng, nhưng trong kế hoạch đầu tư công lại không xác định.

"Như vậy, rõ ràng thành phố có khả năng, có tiền nhưng muốn sử dụng nó trong tương lai thì chắc chắn phải xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội. Đây là điểm khó, có tiền mà không tiêu được. Nếu không xác định sớm, liệu có hoàn thành các nhiệm vụ, nghị quyết Đại hội Đảng thành phố đặt ra hay không?", Phó Chủ tịch Tp.HCM nêu.

Kinh tế vĩ mô - Phó Chủ tịch Tp. HCM trăn trở “muốn tiêu nhưng không có tiền” (Hình 2).

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM.

Đáng chú ý, chia sẻ tại diễn đàn, theo ông Hoan, câu chuyên giải ngân đầu tư công còn là vấn đề "muốn tiêu nhưng không có tiền".

Cụ thể, xét về tầm nhìn, Tp.HCM có rất nhiều dự án đầu tư quy mô lớn như nhà hát, bệnh viện, quảng trường, các tuyến metro… tính ra cả vài trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy định, room nợ công của thành phố chỉ là 90% nguồn thu, tức là khoảng 70.000 tỷ đồng.

"Với room như thế này chúng tôi không thể có tầm nhìn, với dự án metro số tiền 70.000 tỷ đồng là bình thường. Vậy 6 tuyến metro là bao nhiêu, các đường trên cao là bao nhiêu, một loạt dự án đầu tư công khác? Nếu không nhìn xa mà cứ nhìn gần thế này thì thành phố ngày càng đi xuống, hạ tầng ngày càng xuống cấp và không thể đầu tư", ông Hoan nhấn mạnh.

Mặt khác, đầu tư cho Tp.HCM là từ ngân sách thành phố, không phải ngân sách Trung ương, tức chỉ cần cho cơ chế, chính sách. Đâu đó room nhỏ vì không làm ra tiền, nhưng Tp.HCM là nơi bỏ ra một đồng rồi thu hút cả vài nghìn đồng, không chỉ cho thành phố mà cả nước. Do đó, đề nghị có cơ chế về room cho Tp.HCM

Chưa kể, nhiều dự án đầu tư xã hội như văn hóa, thể thao lên tới vài nghìn tỷ đồng, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách không thể nhanh, kịp thời, thay vào đó có thể huy động nguồn lực tư nhân.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.