Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM: “Điều quan trọng nhất trong việc cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà là sự tự giác”

Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM: “Điều quan trọng nhất trong việc cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà là sự tự giác”

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 6, 16/07/2021 23:04

Đối với việc cách ly F0, F1 tại nhà theo hướng dẫn của bộ Y tế, lãnh đạo sở Y tế TP.HCM cho rằng, cần sự tự giác, ý thức của người thực hiện.

Tối 16/7, TP.HCM cùng các sở, ngành tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Buổi họp báo diễn ra trong ngày thứ 8, TP.HCM áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Thông tin về tình hình dịch bệnh, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Thời gian qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tăng nhanh, kéo theo trường hợp tử vong do dịch bệnh có chiều hướng gia tăng”.

Hầu hết ca tử vong ghi nhận tại TP.HCM thời gian qua là người lớn tuổi, người có bệnh lý nền. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tử vong do dịch Covid-19 đã xảy ra ở nhóm người nhỏ tuổi hơn.

Song song với chiến dịch tầm soát diện rộng toàn thành phố này, số ca F0 và người tiếp xúc F1 ngày càng tăng. Thời gian gần đây, số ca tử vong cũng có chiều hướng tăng theo.

“Số ca tử vong thời gian qua có gia tăng do đặc điểm của biến chủng Delta. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 tại TPHCM là 0,75%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 2% của thế giới”, ông Nam nói.

Số ca mắc Covid-19 gia tăng mạnh thời gian gần đây khiến các bệnh viện gặp tình trạng quá tải, lúng túng trong một số trường hợp điều chuyển bệnh nhân nặng lên bệnh viện tuyến trên.

Một trong những lý do khác dẫn đến sự quá tải là cơ sở vật chất một số bệnh viện dã chiến chưa kịp đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng do thời gian chuẩn bị ngắn.

Ngành y tế thành phố đã cố gắng kéo giảm sự quá tải bằng cách thiết lập mô hình điều trị Covid-19 theo sơ đồ tháp 4 tầng. Trong đó, các bệnh nhân nặng, cần hồi sức sẽ được điều trị ở tầng 4, các tầng còn lại sẽ điều trị, cách ly bệnh nhân triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Sự kiện - Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM: “Điều quan trọng nhất trong việc cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà là sự tự giác”

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM.

Ngoài ra, thành phố đã mở rộng, chuyển đổi công năng nhiều bệnh viện dã chiến phục vụ công tác khám chữa, điều trị bệnh nhân nặng. Tổng công suất của thành phố hiện là 20.000 giường và sẽ nâng lên 50.000 giường trong thời gian gần.

Đối với vấn đề nhân lực, bộ Y tế và các tỉnh thành đã hỗ trợ số lượng lớn nhân sự ngành y cho địa bàn TP.HCM. Khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế cả nước sẽ được tăng cường cho địa phương.

Ngoài ra, TP.HCM cũng huy động sinh viên ngành y và nhân lực tại chỗ từ cơ sở để tăng cường cho hoạt động phòng, chống Covid-19.

Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM nhìn nhận: “Điều quan trọng nhất trong việc cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà là sự tự giác, ý thức của người dân. Một gia đình có người cách ly F1 không tuân thủ quy định ở yên tại phòng riêng, người này sẽ là nguồn lây cho các thành viên còn lại”.

Trong thời gian đầu áp dụng biện pháp cách ly F1 tại nhà, nhiều địa phương đã lúng túng trong thời gian mới bắt đầu triển khai, do chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề này đã được cải thiện sau một thời gian thực hiện.

Nói về kế hoạch tận dụng quãng thời gian cách ly xã hội còn lại, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, ngành y đã thay đổi chiến thuật xét nghiệm để truy vết F0. Thay vì xét nghiệm dàn trải trên diện rộng như trước đây, lực lượng y tế sẽ tập trung tầm soát khu vực có nguy cơ rất cao.

"Số lượng ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng, nhưng sau khi tầm soát liên tục thì chắc chắn giảm dần. Chúng tôi không chắc sẽ bóc tách hết được các F0 ra khỏi cộng đồng những ngày cách ly xã hội còn lại, tuy nhiên, phương án này cơ bản sẽ giúp TP.HCM kiểm soát được tình hình", ông Nam đánh giá.

Về vấn đề người dân mua kid test nhanh được bày bán trên mạng, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam “khuyến cáo người dân không nên mua những sản phẩm này”.

Bởi lẽ, test nhanh cũng được quy định là trang, thiết bị y tế. Những trang, thiết bị này phải được bộ Y tế cấp phép và công bố trong danh mục được phép sử dụng.

Những sản phẩm trên mạng xã hội thường không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục bộ Y tế cho phép nên việc bán là sai quy định.

Trong khi đó, nhiều loại test bày bán trên mạng xã hội chỉ có độ nhạy, độ chính xác khoảng 25%. Việc sử dụng các loại test này sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tạo sự chủ quan nếu kết quả âm tính giả.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn thực hiện việc tự sử dụng xét nghiệm nhanh. Thành phố  đã hướng dẫn cho tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất áp dụng cho công nhân thời gian qua.

"Quy trình thực hiện tuy đơn giản, nhưng mỗi test có giá trị tiên đoán, độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau. Bởi vậy, việc sử dụng loại test nhanh nào cần sự thẩm định của bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn", ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Đối với phản ánh các bệnh viện thực hiện xét nghiệm Covid-19 với chi phí cao và không đồng nhất, đại diện sở Y tế TP.HCM thừa nhận giá xét nghiệm ở các bệnh viện tư, bệnh viện ngoài công lập rất cao.

Tuy nhiên, tại các bệnh viện công lập, giá xét nghiệm test nhanh đã được quy định là 200.000 đồng đã bao gồm toàn bộ chi phí vật tư tiêu hao khác. Đối với xét nghiệm khẳng định, giá theo quy định của bộ Y tế là 734.000 đồng.

“Các bệnh viện ngoài công lập được tự lựa chọn chi phí xét nghiệm nhanh, xét nghiệm khẳng định phù hợp, nhưng giá phải được niêm yết rõ ràng cho người dân nhận biết.

Sở Y tế chỉ có thể nhắc nhở các đơn vị công lập, còn với các đơn vị ngoài công lập là tùy vào lựa chọn của người dân”, ông Nam cho hay.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.