Mới đây, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, Cơ quan điều tra đã Quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam Phạm Xuân Nhất (SN 1975), quê ở thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, về hành vi giả mạo trong công tác. Đối tượng này hiện là Phó Hiệu trưởng trường THPT Hồng Bàng (huyện Yên Mỹ).
Từ giữa tháng 4/2020, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt quả tang Phạm Xuân Nhất đang có hành vi nhận 6 bằng tốt nghiệp THPT giả tại Chung cư Phúc Hưng 2, phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào.
Tại cơ quan điều tra, Phạm Xuân Nhất khai trước đó đã nhận 105 triệu đồng và thông tin cá nhân của 7 học sinh trường TTHPT Hồng Bàng để làm giả giấy Chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời và sau đó mua Bằng tốt nghiệp THPT giả cho 7 học sinh này.
Điều tra mở rộng, ban chuyên án đã bắt giữ hai đối tượng và thu giữ khoảng 1.100 phôi văn bằng chứng chỉ giả, 205 hình dấu các loại của các cơ quan, tổ chức trên nhiều tỉnh thành trong cả nước và 3 máy tính cùng các tang vật liên quan khác.
Liên quan đến vụ án trên, nhiều ý kiến cho rằng vấn nạn bằng giả đang ở mức trầm kha. Không chỉ những người cần thăng tiến, “giữ ghế” mới cần đến “hồ sơ đẹp” mà ngay cả những em học sinh cũng cần một “tấn bùa hộ mệnh”, sở hữu tấm bằng THPT để phục vụ công việc sau này.
Từng chia sẻ với PV Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, một ĐBQH thẳn thắn nhìn nhận, vấn nạn chạy theo bằng cấp xuất hiện khi xã hội nâng giá trị bằng cấp lên hàng đầu. Muốn củng cố địa vị trong cơ quan, phải đạt chuẩn hay trên chuẩn. Muốn xin việc, bằng cấp là cái vé thông hành để có thể bước vào ngưỡng cửa cơ quan hay công ty… Bằng cấp đã trở thành thước đo và giá trị con người cũng được phân định qua bằng cấp.
Sẽ tốt đẹp biết bao nếu mọi người thi nhau học tập, chiếm lĩnh tri thức làm giàu vốn sống để có đủ trình độ làm việc, phục vụ xã hội sau này và được xác định trình độ học vấn thông qua bằng cấp. Tiếc rằng đã có hiện tượng chạy theo bằng cấp bằng mọi giá.
Bằng cấp tự nó không có lỗi. Lỗi ở người muốn có nó mà không chịu học. Lỗi ở một số người vì lợi ích cá nhân đã tiếp tay cho những kẻ chạy theo bằng cấp bằng mọi giá được toại nguyện. Vị Phó hiệu trưởng trường THPT Hồng Bàng là người hoạt động trong ngành giáo dục, ông là người hiểu rõ giá trị thật của tấm bằng đối với vận mệnh mỗi con người như thế nào. Hơn ai hết, người thầy đó sẽ hiểu những học sinh bị "khuyết tật" nhân cách, lỗ mỗ về kiến thức sẽ là mối họa với xã hội, vậy nhưng vì sao biết sai vẫn làm? Chỉ vì hơn 100 triệu đồng tiền “hoa hồng” mà người thầy đã "nhắm mắt" làm liều, vi phạm pháp luật.
Thực tế thời gian qua, dư luận vẫn âm ỉ câu chuyện chạy Phó Giáo sư, Tiến sĩ và giờ là mua bằng THPT cho thấy, việc lấy bằng cấp làm thước đo cho năng lực từ lâu trở thành một quan niệm đi vào nhận thức và suy nghĩ của toàn xã hội. Ai cũng muốn sở hữu một tấm bằng, thậm chí họ biết mười mươi tấm bằng chỉ là “đồ chơi”. Thế nên có chuyện “Tiến sĩ” ở Việt Nam nhiều bậc nhất thế giới; những phi vụ bổ nhiệm thăng chức "có một không hai" như nữ trưởng phòng ở Đắk Lắk mượn bằng tốt nghiệp để thăng quan, “quan huyện” chưa có bằng cấp 3 vẫn được tuyển dụng, lên chức ở Hải Phòng… Khi vấn nạn bằng giả “a lô là có” thì sẽ còn những kẻ thiếu năng lực, trình độ vẫn “trèo cao, chui sâu” trong cơ quan Nhà nước.
Bỗng nhớ đến nhà thơ Nguyễn Khuyến khi xưa đã lên án về việc học và công nhận bằng cấp của xứ mình thuở ấy qua hình ảnh Tiến sĩ giấy: “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/Cũng gọi ông nghè có kém ai/Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng/Nét son điểm rõ mặt văn khôi/Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?/Cái giá khoa danh ấy mới hời/Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ/Nghĩ rằng đồ thật, hoá đồ chơi”.
Nhìn thẳng vào thực tế, nếu vấn nạn bằng giả còn lộng hành, con người cứ chạy theo hình thức hoặc tuyển người theo kiểu mua danh bán chức thì việc đưa đất nước lên đỉnh cao chỉ có được ở trong mơ.
Ngân Giang