“Phó nháy” ....lúc 0 giờ

Thứ 6, 28/12/2012 00:02

Ở cầu Sông Hàn (Đà Nẵng) có một giới "phó nháy" về đêm, những người làm nghề này là độc nhất vô nhị, không ai muốn tranh cướp làm gì, vì nghề quá vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt, có khi nguy hiểm đến tính mạng mà vẫn đói ăn.

Ngủ ngày "cày" đêm

Hơn 12 giờ đêm... Thành phố Đà Nẵng rực rỡ cờ hoa, đèn điện nhấp nháy, mời gọi. Chúng tôi có mặt tại cầu Sông Hàn, là điểm vui chơi về đêm của mọi người ở cái thành phố trẻ này, ai cũng háo hức, chờ đời giây phút thăng hoa của một công trình lạ mắt. Thế nhưng lẫn trong đám người đó là đám thợ chụp ảnh thuê nhởn nhơ, trên mình mang theo đồ nghề rối rắm.

Chúng tôi làm quen với vài ông thợ cồng kềnh máy và hỏi chuyện, được biết rằng, trên cây cầu này có khoảng trên 100 thợ chụp ảnh về đêm. Theo luật ngầm, những người làm đêm thì ban ngày không được bén mảng đến khu vực cầu và khu vui chơi. Vì ban ngày phải nhường đất làm ăn cho chị em làm ngày, chị em phụ nữ không thể làm đêm vì tính chất nghề nghiệp nguy hiểm hơn rất nhiều.

Được biết, nghề chụp ảnh ở Sông Hàn chỉ phát triển từ 5 năm trở lại đây, khi mà khu ven Sông Hàn được đầu tư, phát triển thành khu du lịch. Nhưng cầu Sông Hàn vào thời điểm quay, tức là lúc 2 giờ sáng, khi các phương tiện tham gia giao thông đã thưa thớt, cầu sẽ tự quay tròn cho tàu có trọng tải lớn vượt cầu. Hệ thống cáp quay, trụ cầu được thiết kế không đơn thuần để khai thác về mặt giao thông. Trước tiềm năng hoạt động du lịch, trụ quay với bán kính 40 mét đã được sơn bóng, lắp hệ thống dây điện, đèn cao áp, đèn nháy... tỏ xuống mặt nước mênh mông rất gợi tình.

Hàng đêm, lúc cầu quay là thu hút một lượng khách du lịch, nhất là khách nước ngoài và trong nước đến xem, chụp ảnh lưu niệm. Nên đã 4 năm trời, giới chụp ảnh nơi đây phân chia đất để làm ăn theo kiểu ca kíp. Đàn ông làm ca đêm, đàn bà ca ngày, phân chia nhau rất dân chủ, không tranh giành đánh lộn và chèo kéo khách của nhau như ở nơi khác.

Tiêu biểu như gia đình anh Nam, có 3 người ở độ tuổi lao động thì đều theo nghề ảnh trên Sông Hàn. Anh kể rằng, 7 năm trước, anh từ Nam Định vào đây làm thuê, rồi làm bảo vệ cho hiệu ảnh Hà Cường trên đường Phan Châu Trinh, lâu ngày, làm quen với máy móc và phim ảnh, rồi đổi nghề làm thợ. Hai năm trước, ăn nên làm ra, anh cho cả vợ và con gái lớn vào theo nghề. Anh nói hàng tháng gia đình anh cũng thu nhập được ăn tiêu, thuê nhà và gửi tiền về quê cho đám nhỏ ăn học.

Hồi đầu mới làm, ảnh chỉ được làm ngày, vì làm đêm chỉ là "đất" của người địa phương. Nhưng rồi làm quen dần với các đàn anh ở bến Sông Hàn, họ nhường đất, chỉ dạy cho anh làm đêm. So với giới làm ngày, giá một phô ảnh về đêm thường cao hơn gấp đôi. Thông thường, ban ngày giá có thể 7.000 đồng/kiểu thì ban đêm các anh có thể được khách trả 16.000 đồng/kiểu , thu nhập cũng tàm tạm. Thay vào đó, họ phải ngủ về ban ngày và sinh hoạt về ban đêm vì thế đồng hồ sinh học bị đảo lộn. Đó là chưa kể đến nhiều sinh hoạt, cuộc sống của người bình thường thì những người này đành phải nhịn để dành thời gian cho việc ngủ.

Rưng rưng kiếm sống

Giới phó nháy về đêm, ngoài những vất vả ngược kim đồng hồ thì hiểm họa, nguy hiểm về đêm không ít. Cho dù những phó nháy đêm chủ yếu là đàn ông con trai. Chính đàn ông con trai khỏe mạnh vẫn thường xuyên gặp những tai nạn nghề nghiệp chực chờ. Ví như tháng trước, anh Tâm, bị bọn nghiện lột mất 2 triệu bạc ngay trên trụ cầu quay mà không biết kêu ai giữa đêm khuya.

Lúc đó, khi mấy đồng nghiệp đi cùng anh đã đi ăn đêm, anh thấy có mấy khách phóng xe máy đến. Thấy họ ăn mặc lịch sự, vẻ dân chơi anh bèn phóng xe theo mời chụp ảnh để kiếm thêm mấy đồng. Nào ngờ, khi lại đến chân trụ dưới mặt đường, một cảnh hãi hùng hiện lên. Ba tên thanh niên lịch sự đó tụt quần ra chích mà không hề e dè. Chúng thấy anh máy móc lọc cọc lao đến, liền chỏ kiêm tiêm và nói rằng nếu không cho chúng tiền chích, chúng sẽ đem máu có HIV vào người anh. Nhìn chúng, có thằng đang phê thuốc, lại có thằng dơ mũi kim toe tóe máu... thế là anh đành để cho chúng móc túi lột sạch tiền.

Hay như trường hợp của bố con anh Vinh, nhà gần khu Non Nước ra hành nghề. Làm bao đêm không việc gì, đến khi gặp một đám thanh niên choai choai, có cả nam cả nữ, anh thấy yên tâm vì có các em gái đi cùng thường là chúng tử tế. Chụp xong một cuộn phim, chúng dụ anh ra chỗ vắng chụp tiếp. Nào ngờ, đến chỗ vắng, chúng bắt anh lột nguyên cuộn phim mà không thèm trả tiền. Chúng định bỏ đi, thì có tên mặt mày búng ra sữa, hô đồng bọn: "Chúng mày có muốn có tiền đi nhà nghỉ đêm nay không?". Cả nhóm nhao nhao: "Đâu cơ". "Thằng cha thợ ảnh chứ đâu". Nghe vậy anh đã xách máy bỏ chạy nhưng chúng đuổi theo và lấy sạch hơn triệu bạc của anh. Đến khi báo công an thì chẳng biết đâu mà tìm.

Được biết, để kiếm được đồng tiền, đôi khi họ phải chịu nhiều ấm ức với thế giới về đêm. Nhất là đám con nghiện ma túy "thổ địa", thỉnh thoảng lại ra "xin đểu", nếu ai trong các anh không cho thì lần sau khó mà hành nghề. Nhiều lúc, các anh em tụ nhau lại để bảo vệ lẫn nhau, nhưng như thế thì chẳng làm ăn được gì.

Đã có nhiều anh thợ trở như cậu Mến, 17 tuổi, xông xáo vào địa điểm xa chân cầu để chào khách. Có lần vào tháng 7, cậu bị bọn côn để hành hung, đánh cho gãy tay và cướp mất một cái mấy ảnh cũ, nhưng coi như đã cướp mất miếng cơm manh áo của anh và mẹ già. Bây giờ, vừa được một anh cho mượn cái máy cũ để làm tạm, Mến cũng không còn dám tách mọi người ra kiếm ăn riêng. Thế nhưng để kiếm được đông tiền trong nghề này bắt buộc họ phân tán ra, mỗi người một nơi để kiếm sống. Nhưng, tản ra, đồng nghĩa với nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của chính mình.

Trước nguy cơ bị trấn cướp như trên, chúng tôi đã hỏi họ về giải pháp ngăn chặn những kẻ xấu như thế nào. Tất cả giới phó nháy lúc 0 giờ này đều lắc đầu ái ngại. Đã biết, môi trường kiếm sống về đêm là vất vả, nguy hiểm, nhưng vì miếng cơm manh áo mà họ phải lao vào. Còn khi đề cập đến phương pháp báo công an khi bị cướp, các anh đều bảo, chờ được vạ thì má đã sưng. Hơn nữa, tất cả những vụ án mà các anh là người bị hại đều không biết hung thủ là ai. Nên bây giờ, các anh tự dựa vào nhau, bảo vệ, đùm bọc nhau lúc về đêm để kiếm sống, nghe mà thấy đời họ cứ chông chênh với ánh điện Sông Hàn về đêm.

Đà Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.