Dân tộc Miêu sừng dài (Long-horn Miao) là một dân tộc thiểu số có chưa tới 5.000 người ở Trung Quốc. Họ sinh sống tại làng Suojia, thành phố Liupanshui, tỉnh Quý Châu.
Mặc dù có ít người nhưng họ vẫn lưu giữ được những phong tục truyền thống tốt đẹp. Người Miêu sừng dài có một tục lệ kỳ lạ: mỗi khi chải đầu, phụ nữ Miêu sẽ giữ lại các sợi tóc rụng để làm một chiếc mũ đặc biệt.
Chiếc mũ trông giống như đôi sừng được làm từ sợi bông và tóc của những phụ nữ Miêu rồi giữ lại, lưu truyền cả trăm năm. Những sợi tóc được nhuộm và giữ gìn để luôn sáng bóng. Người mẹ sẽ trao cho con gái chiếc mũ này khi cô con gái lấy chồng.
Shu Tu (27 tuổi), một chuyên gia về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, cho biết: "Chiếc mũ độc đáo làm từ tóc và sợi bông được phụ nữ Miêu đội trong những ngày trọng đại như đám cưới, lễ hội. Ngày xưa, đàn ông Miêu cũng đội chiếc mũ này nhưng bây giờ họ không đội nữa. Những phụ nữ Miêu đã giữ tóc của mẹ, bà ngoại, cụ, thậm chí tổ tiên của họ để đan xen tạo nên chiếc mũ. Đó là cách để họ tưởng nhớ, thể hiện lòng tôn kính tổ tiên.
Mỗi khi người mẹ chải đầu, bà lại gom nhặt các sợi tóc của mình để trao cho con gái khi con gái kết hôn. Phong tục này có lẽ bắt nguồn từ việc đội sừng bò vì ngày xưa bò là con vật linh thiêng đối với người Miêu. Sau đó, để trang trí và thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên nên người Miêu đã tạo ra chiếc mũ đặc biệt này. Với một số dân tộc, lịch sử được ghi trong sách nhưng với người Miêu, lịch sử là chiếc mũ trên đầu họ".
Trang Dung (t/h)