“Vỡ mộng” nghề shipper giao đồ ăn
Nghề shipper liệu có dễ kiếm và thoải mái như nhiều người tưởng tượng? Để giải đáp cho câu hỏi này, mới đây, một phóng viên của trang Poster News (Trung Quốc) đã quyết định dành một ngày trải nghiệm làm shipper giao đồ ăn.
Ảnh minh họa
Đơn hàng đầu tiên của phóng viên kiếm được 8,6 NDT, tương đương hơn 30.000đ. Trong đó 5,3 NDT cho phí giao hàng, 2 NDT cho trợ cấp động lực nền tảng và 1,3 NDT phí thời tiết xấu.
Trưa ngày 19/7, phóng viên này bắt đầu hành trình giao đồ ăn và nhận được đơn hàng chỉ 5 phút sau khi đăng ký hoàn tất. Đơn hàng thứ hai cũng đến chỉ sau đó khoảng 25 phút. Tuy nhiên sau nửa tiếng, thu nhập chỉ vỏn vẹn 18,9 NDT (67.000đ).
Trên đường đi giao hàng, phóng viên này đã gặp vài shipper khác và chủ động hỏi cách để tăng thu nhập theo giờ. Trước đó theo tìm hiểu, cô được một shipper cho biết lương mỗi giờ không quá 50 NDT (177.000đ).
Theo chia sẻ của một shipper khác, anh thường nhận nhiều đơn hàng cùng lúc và tối đa hóa các chuyến giao thuận đường để không lãng phí thời gian trên đường.
Ảnh: Poster News
Đến cuối giờ cao điểm ăn trưa, phóng viên đã hoàn thành 7 lần giao hàng và kiếm được 45,4 NDT, tương đương 161.000đ (chưa bao gồm phần khấu trừ do khách hủy đơn sai quy định).
Sau đó, phóng viên đã quyết định thử áp dụng phương pháp của các shipper giàu kinh nghiệm, lấy 5 đơn hàng theo thứ tự khoảng cách phù hợp giữa các cửa hàng. Tuy nhiên, một trong các đơn hàng đã bị hủy giao do vi phạm quy định về bảo toàn đồ ăn. Phóng viên bị khấu trừ 7,5 NDT (26.600đ).
Đến lúc này, phóng viên mới hiểu các shipper vất vả như thế nào. Họ phải theo dõi tiến độ chuẩn bị đồ ăn của người bán, tính toán thời gian khách hàng leo cầu thang và chờ thang máy, tránh các ngã tư nơi đèn giao thông đột ngột thay đổi trên tuyến đường. Đồng thời, họ cũng phải đảm bảo rằng đồ ăn không bị hư hỏng trong quá trình giao hàng.
Thu nhập thực tế của phóng viên sau 4 tiếng làm shipper (Ảnh: Poster News)
Không chỉ phải “căng não” tính toán thời gian và tuyến đường, các shipper còn phải chú ý sạc pin cho xe điện (ở Trung Quốc, các shipper sử dụng xe máy điện hoặc xe đạp điện). Chiếc xe của phóng viên Poster News không thể trụ nổi vào giờ cao điểm buổi trưa, trong khi các shipper giàu kinh nghiệm sử dụng loại xe đổi pin, có thể chạy liên tục.
3 giờ chiều, phóng viên bắt gặp một số shipper và trò chuyện với họ về thành tích giao hàng trong ngày. Theo đó, phóng viên biết được rằng những shipper toàn thời gian như họ phải làm việc 14 - 15 tiếng/ngày, 25 ngày/tháng và chạy trung bình 80km/ngày.
Sau khi pin xe điện được sạc đầy, phóng viên trở lại nghề shipper vào 17 giờ cùng ngày. Đến 18h52, giờ cao điểm buổi tối, việc giao hàng kết thúc. Trong gần 2 giờ, phóng viên đã giao tổng cộng 10 đơn hàng và kiếm được 50,2 NDT (178.000đ).
Ngày 19/7, trong giờ cao điểm trưa và tối kéo dài gần 4 tiếng, phóng viên đã giao tổng cộng 17 đơn hàng và kiếm được 95,6 NDT (339.000đ). Sau khi bị trừ 7,5 NDT (26.600đ), thu nhập thực tế còn lại là 88,1 NDT (313.000đ). Thông tin từ nền tảng giao đồ ăn cho thấy quãng đường giao hàng của phóng viên trong ngày đã đạt 39,6km. Phóng viên này xếp hạng 4123 trong bảng thành tích giao hàng của nền tảng.
Khi phóng viên lần đầu tiên trải nghiệm làm shipper, anh nhận ra những khó khăn đằng sau việc giao hàng đúng giờ: vượt qua dòng xe cộ đông đúc vào giờ cao điểm buổi tối, leo lên những tòa nhà cũ không có thang máy, không làm đổ thức ăn, không giao hàng vượt quá thời gian quy định và tiếng thông báo đơn hàng mới trên điện thoại như một chiếc roi vô hình liên tục thúc giục shipper.
Có lẽ, với những shipper, ước ao của họ là có thêm một vài phút chờ thang máy, bớt được một khoản khấu trừ và không bị thúc giục phải giao hàng vội vã mà ưu tiên an toàn là trên hết.
Hương Nguyễn (Theo Poster News)