Đi với anh tha hồ tranh luận, và mọi cuộc nói chuyện cuối cùng vẫn xoay về chuyện phóng viên thường trú tại các địa phương.
Gần đây, nhiều tai tiếng của các phóng viên thường trú đang xảy ra, "hóng hớt" thông tin rồi đưa tin sai cũng có, dễ dãi trong việc tuyển chọn phóng viên cũng có, hời hợt trong việc cấp giấy giới thiệu cho người không phải là… phóng viên để làm việc của phóng viên cũng có, vi phạm đạo đức phóng viên cũng có, bị địa phương cô lập hay hành xử không đúng cũng có, bao nhiêu tâm tư nói với nhau cả, buồn vui đắng cay đủ chuyện.
Rồi chúng tôi tách ra, ngồi với nhau bên biển Nhật Lệ, nhìn cát, nhìn biển, nhìn vào nhau để cạn lòng một cuộc trao đổi…
Xã hội rất ủng hộ Đề án quy hoạch báo chí, ủng hộ về tổng thể, thấy đã tới lúc cần phải quy hoạch, cần phải sắp xếp lại, sắp xếp không chỉ các cơ quan báo chí mà cả chất lượng đội ngũ. Nhưng không có tờ báo nào sống được nếu không có đội ngũ phóng viên giỏi. Và không có tờ báo nào nhanh nhạy kịp với hơi thở cuộc sống nếu không có đội ngũ phóng viên thường trú mạnh. Báo chí đang phải chịu sức ép thị trường, sức ép tự trang trải, vì thế qua rồi cái thời báo chí viết cái báo chí cần, giờ thì phải viết cái bạn đọc cần. Muốn thế, không thể không trông cậy vào đội ngũ các phóng viên thường trú. Nhưng có vẻ như tính hấp dẫn của báo chí hay nói chính xác hơn mục tiêu lôi kéo bạn đọc về báo mình đang hiểu sai, hay cố ý hiểu sai hoặc bị lạm dụng…
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Trước hết, mục tiêu của Đề án Quy hoạch báo chí là nhằm phát triển báo chí theo kịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại và để phát triển báo chí, nhất thiết phải sắp xếp lại để tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, tránh để lãng phí nguồn lực trong hoạt động báo chí, để báo chí thực hiện tốt hơn tôn chỉ mục đích của mình.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn